Trà bạc hà: Bạc hà có thể làm giảm các triệu chứng do hội chứng ruột kích thích (IBS). Đây là chứng rối loạn đường ruột mạn tính có thể gây đau dạ dày, đầy hơi, táo bón và tiêu chảy. Tinh dầu bạc hà có tác dụng thư giãn các cơ trong đường tiêu hóa, làm giảm mức độ nghiêm trọng của các cơn co thắt ruột dẫn đến đau và tiêu chảy.
Trà gừng: Đau bụng thường kéo theo buồn nôn, chuột rút bụng và chóng mặt. Lúc này nhấm nháp một ít trà gừng có thể mang lại cảm giác dễ chịu. Gừng có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn, có giảm buồn nôn, hạn chế kích ứng dạ dày. Đun sôi một cốc nước với một vài lát gừng, thêm chanh hoặc mật ong, tùy theo sở thích và lọc trà uống.
Thực phẩm lỏng: Nước dùng bổ sung chất lỏng và khoáng chất khi bị nôn mửa hoặc tiêu chảy. Nước luộc gà, súp hay nước hầm xương chứa các chất điện giải như natri, kali và canxi. Chúng còn bù nước trong trường hợp bị tiêu chảy do viêm dạ dày.
Chuối chín: Chuối có tác dụng kháng axit tự nhiên, có thể làm dịu các triệu chứng đau bụng. Loại quả này giàu kali, tác dụng làm tăng sản xuất chất nhầy trong dạ dày, nhờ đó chữa lành niêm mạc dạ dày bị kích thích. Chuối cũng tăng cường năng lượng để người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn nếu mệt mỏi vì đau bụng.
Khoai tây: Giống như chuối, khoai tây có vị nhạt, chứa nhiều kali. Một củ khoai tây nhỏ có khoảng 374 mg kali. Nấu hoặc ăn khoai tây luộc đơn thuần vừa dễ ăn vừa hỗ trợ xoa dịu dạ dày. Rửa sạch, ăn cả vỏ để cơ thể nhận thêm chất xơ.