Tăng huyết áp đột ngột không còn là tình trạng bệnh của riêng người già mà cả người trẻ cũng đang dần gặp phải nhiều hơn. Tỷ lệ mắc ngày càng tăng cao, ở người trưởng thành cứ 3 người lại có một người mắc bệnh cao huyết áp. Bệnh tưởng chừng không nguy hiểm đến tính mạng nhưng thực tế lại dễ gây nhồi máu cơ tim hoặc nhồi máu não không báo trước. Trên thực tế, hai căn bệnh này đều có mối liên quan mật thiết đến bệnh cao huyết áp. Do đó, việc lường trước được những cơn nhồi máu não hay nhồi máu cơ tim có thể xảy ra sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho sức khỏe.
Dưới đây là 5 thời điểm có thể xảy ra một cơn nhồi máu não hoặc nhồi máu cơ tim không báo trước mà bạn nên biết rõ để phòng tránh.
1. Khi bạn thức dậy vào buổi sáng
Khi huyết áp trong cơ thể tăng cao, nó có thể gây hẹp thành mạch và từ đó tạo áp lực lớn lên thành mạch. Khoảng 6 - 9 giờ sáng là lúc huyết áp lên cao nhất trong ngày, nhất là khi bạn vừa ngủ dậy. Lúc này, cơ thể chưa thực sự tỉnh táo cộng thêm việc nghỉ ngơi sau một đêm dễ làm máu lưu thông kém, từ đó có thể gây ra một cơn nhồi máu cơ tim hoặc nhồi máu não, xuất huyết não... không báo trước.
Do đó, bạn nên lưu ý khi ngủ dậy vào buổi sáng không nên bật dậy đột ngột mà hãy ngồi dậy từ từ, đợi cơ thể thích nghi dần thì lấy nước ấm uống để tránh nguy cơ hình thành cục máu đông. Ngoài ra, những người phải dùng thuốc trong thời gian dài cũng nên uống thuốc kịp thời để kiểm soát huyết áp, nếu không sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.
2. Sau khi ăn no
Việc ăn càng no sẽ càng dễ gây buồn ngủ sau bữa ăn, mặc dù đây là hiện tượng sinh lý bình thường nhưng đối với bệnh nhân cao huyết áp thì nó có thể làm lượng máu cung cấp lên não không đủ. Bởi lúc này, tim sẽ phải làm việc năng hơn để cung cấp máu và oxy đi khắp cơ thể, từ đó dễ gây nhồi máu cơ tim hoặc nhồi máu não.
Bên cạnh đó, việc ăn quá no hay ăn nhiều chất béo cũng dễ dẫn đến tình trạng máu đặc. Vì vậy, người có bệnh cao huyết áp phải lưu ý không ăn quá no, đồng thời chú ý chế độ ăn nhạt.
3. Khi rặn đại tiện
Nhiều cơn nhồi máu não xảy ra khi bạn đi vệ sinh do huyết áp tăng cao. Nếu rặn mạnh khi đại tiện, một lượng máu lớn sẽ dồn về các mạch máu não khiến huyết áp nội sọ tăng mạnh và làm tăng nguy cơ mắc bệnh xuất huyết não. Vậy nên, bệnh nhân cao huyết áp cần duy trì thói quen đi đại tiện đều đặn, ăn uống lành mạnh để hạn chế táo bón. Nếu bị táo bón phải uống nhiều nước, bổ sung nhiều rau củ quả, trong trường hợp không thuyên giảm cần đi khám để điều trị kịp thời.
4. Khi cúi xuống để di chuyển
Khi cúi người để di chuyển đồ vật, vị trí của đầu thấp hơn vị trí của tim nên dễ khiến máu dồn lên não. Do di chuyển vật nặng sẽ cần một sức lực tương đối lớn, điều này có thể làm tăng huyết áp và vỡ mạch máu não.
Thế nên, người có bệnh cao huyết áp cần tránh cúi gập người và di chuyển đồ vật nặng. Đặc biệt khi cảm thấy chóng mặt, nhức đầu, sưng phù đầu và các cảm giác khó chịu khác thì không nên cúi gập người.
5. Khi bạn quá xúc động
Trạng thái cảm xúc có mối quan hệ mật thiết với huyết áp nên bạn cần tránh tạo xúc động mạnh vì dễ làm tăng huyết áp đột ngột. Việc để bản thân gặp hưng phấn quá mức có thể làm huyết áp tăng cao bất thình lình. Đối với những bệnh nhân cao huyết áp vốn dĩ mạch máu rất mỏng manh thì cần giữ trạng thái cân bằng cảm xúc, không nên vui mừng quá độ hay buồn phiền nhiều.
Nguồn: Sohu