Ăn nhiều đồ ăn nhanh
TS Từ Ngữ cho biết hiện nay, rất nhiều người thích ăn đồ ăn nhanh, kèm theo đó là uống nước ngọt. Những món ăn này giải quyết được nhu cầu cung cấp năng lượng ngay tức khắc, giúp người ăn cảm thấy ngon miệng. Tuy nhiên, chúng thường chứa nhiều chất béo, làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hoá. Trên thực tế, rất nhiều trường hợp khi có bệnh rồi mới nhìn lại chế độ ăn và thấy hối hận, TS Từ Ngữ cho biết.
"Dinh dưỡng là quá trình tích luỹ từ năm này qua năm khác chứ không thể tính bằng ngày một, ngày hai. Do vậy, để có sức khoẻ tốt, mọi người cần phải có chế độ ăn cân đối, hạn chế đồ ăn nhanh", TS Từ Ngữ nói.
Không duy trì bữa cơm gia đình thường xuyên
TS Từ Ngữ cho biết trước đây, bữa cơm gia đình rất được coi trọng, dù bận nhiều việc nhưng các thành viên luôn trở về nhà, đợi nhau ăn bữa cơm gia đình. Còn ngày nay, nhiều người bỏ dần thói quen ăn cơm tại nhà cùng gia đình.
Theo chuyên gia, việc thường xuyên ăn ngoài hàng quán có thể không không đảm bảo được dinh dưỡng nạp vào. Dinh dưỡng không cân đối dễ phát sinh những hệ luỵ cho sức khoẻ.
Hiểu chưa đầy đủ về dinh dưỡng
Cũng theo TS Từ Ngữ, hiện nay nhiều người Việt chưa hiểu đầy đủ về vấn đề dinh dưỡng. Nhiều người bổ sung dinh dưỡng nhưng không quan tâm đến việc tiêu hao năng lượng, điều này cũng ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe.
Ví dụ, năng lượng không tiêu hao được tích tụ lại có thể dẫn tới béo phì. Ngồi một chỗ quá nhiều, lười vận động cũng là yếu tố nguy cơ của hàng loạt bệnh không lây nhiễm. Do vậy, việc tăng cường tập luyện, tiêu hao năng lượng là rất quan trọng.
Trẻ nhỏ có thể tiêu hao năng lượng bằng cách vận động thể dục, thể thao ở trường lớp, tham gia các chương trình ngoại khóa.
Với người trưởng thành, mọi người có thể tiêu hao năng lượng trong quá trình lao động, tập thể dục. Trong đó, vai trò của việc tập thể dục đều đặn, thường xuyên, phù hợp sức khỏe là rất quan trọng.
Chưa biết cách bảo quản thực phẩm
Hiện nay, không ít gia đình có thói quen tích trữ đồ ăn trong tủ lạnh và sử dụng dần để tiết kiệm thời gian đi chợ. Ở góc độ dinh dưỡng, đồ ăn tươi sống được chế biến và ăn ngay sẽ tốt hơn đồ ăn trữ đông. Nếu cần tích trữ đồ ăn trong tủ lạnh, TS Từ Ngữ khuyên không nên quá 3 ngày.
Bên cạnh những lời khuyên về dinh dưỡng, TS Từ Ngữ lưu ý mọi người cần quan tâm tới cả lối sống và sức khỏe tinh thần.
"Lối sống là một phần của dinh dưỡng. Do vậy, việc cân đối công việc và các hoạt động thể dục thể thao, giải trí và bổ sung dinh dưỡng là rất quan trọng để giảm căng thẳng, stress... Stress có thể dẫn đến những hệ lụy cho sức khỏe khi căng thẳng, áp lực đến mọi lúc, mọi nơi", TS. Từ Ngữ cho hay.