5 thói quen xấu khi uống trà mà hầu như ai cũng mắc phải có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ

Uống trà là thói quen của rất nhiều người, vậy nhưng uống trà sao cho đúng thì không phải ai cũng biết.
Chia sẻ

Uống trà vốn là một thói quen của người Việt. Đây là một thứ đồ uống lành mạnh, chứa nhiều chất tốt cho sức khoẻ và giúp cho tinh thần tỉnh táo. Tuy nhiên uống trà đúng cách thì mới có tác dụng gìn giữ sức khoẻ, nếu uống sai cách thì không những không hấp thụ được những dưỡng chất trong trà mà còn có thể gây ra những ảnh hưởng xấu tới cơ thể. Hãy cùng điểm qua 5 thói quen xấu khi uống trà mà hầu như ai cũng mắc phải.

5 thói quen xấu khi uống trà mà hầu như ai cũng mắc phải có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ - 1

Uống trà sau bữa ăn

Trong lá trà có chứa nhiều axit tannic, đây là chất có thể phản ứng với chất sắt trong thực phẩm, tạo ra một chất mới rất khó hoà tan. Lâu dần sẽ khiến cho cơ thể bị thiếu chất sắt, thậm chí gây thiếu máu. Để tránh tình trạng này, tốt nhất chỉ nên uống trà sau bữa ăn khoảng một tiếng đồng hồ.

5 thói quen xấu khi uống trà mà hầu như ai cũng mắc phải có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ - 2

Uống trà quá đặc

Lá trà có chứa nhiều cafein và theophylin, đây đều là các chất kích thích mạnh. Nếu pha trà quá đặc, dễ gây ra tình trạng đau đầu, mất ngủ cho người uống. Đồng thời, chúng cũng có thể khiến cho nhịp tim tăng nhanh, ảnh hưởng không tốt cho những người mắc các bệnh về tim mạch và bệnh mạch vành, rung nhĩ. Đặc biệt, phụ nữ không nên uống trà đặc trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai, sinh nở và cho con bú.

Uống trà quá nóng

Nhiệt độ quá cao sẽ gây ra kích ứng mạnh cho cổ họng, thực quản và dạ dày, uống trà quá nóng trong thời gian dài có thể gây tổn thương đến các cơ quan này. Theo một nghiên cứu, những người thường xuyên uống trà ở nhiệt độ trên 62 độ C trở lên dễ bị tổn thương thành dạ dày và mắc các bệnh về dạ dày. Bởi vậy, chỉ nên uống trà ở nhiệt độ ấm vừa phải, nếu trà vừa pha quá nóng nên đợi nguội bớt rồi mới uống.

Uống trà pha đi pha lại nhiều lần

Nhiều người có thói quen châm thêm nước vào bã trà cũ để hãm trà và tiếp tục uống, tuy nhiên đây là một thói quen không tốt. Trà pha đi pha lại nhiều lần không chỉ làm giảm hương vị mà những chất có lợi trong trà cũng đã bị rửa trôi hết. Thông thường, một số thành phần có hại trong lá trà thường được ủ trong quá trình pha lại nhiều lần, uống lâu ngày có thể gây tích tụ những chất độc hại này trong cơ thể.

5 thói quen xấu khi uống trà mà hầu như ai cũng mắc phải có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ - 3

Uống trà để lâu

Trà để lâu không những bị mất đi nhiều chất có lợi như vitamin mà còn dễ bị ôi thiu, hư hỏng, dễ khiến người uống bị “say trà”. Hơn nữa, nếu để lâu trà sẽ bị nguội lạnh. Uống trà lạnh dễ khiến cho cơ thể nhiễm lạnh, tụ đờm. Đặc biệt phụ nữ có cơ địa lạnh càng không thích hợp uống trà để lâu, có thể gây ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ, đặc biệt là về các vấn đề sinh sản.

Ngoài ra, có một số người không thích hợp uống trà bởi vậy cần phải hạn chế uống loại đồ uống này.

Bệnh nhân thiếu máu do thiếu sắt

Người bệnh thiếu máu do thiếu sắt được khuyến cáo không nên uống trà, vì trong trà có chứa chất gây cản trở quá trình hình thành sắt. Nếu uống quá nhiều sẽ khiến người bệnh bị làm giảm quá trình hấp thụ và chuyển hoá sắt trong cơ thể, làm giảm lượng sắt gây bất lợi cho bệnh nhân.

5 thói quen xấu khi uống trà mà hầu như ai cũng mắc phải có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ - 4

Bệnh nhân loét dạ dày

Trà là thức uống có tính kích ứng tương đối cao, nó sẽ kích thích tiết axit dịch vị trong cơ thể. Nguyên nhân dẫn đến viêm loét dạ dày là do axit dịch vị tiết ra quá nhiều, khiến cho thành dạ dày bị bào mòn. Bởi vậy những người mắc phải căn bệnh này nên tránh xa trà.

Những người đang dùng thuốc

Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, uống trà sẽ làm giảm dược tính của thuốc điều trị. Chất axit tannic trong lá trà và các ancaloit trong thuốc khi phản ứng với nhau sẽ tạo ra kết tủa không dễ hoà tan, từ đó khiến cho tác dụng của thuốc bị giảm đi rất nhiều, khiến thuốc khó phát huy được dược tính, làm chậm chễ quá trình điều trị bệnh.