Nhịp sống nhanh và ngày càng nhiều áp lực khiến nhiều người thường xuyên rơi vào trạng thái quá sức, cần nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nghỉ ngơi hay thư giãn cũng cần đúng cách mới có thể mang lại hiệu quả.
Đừng nghĩ rằng không làm gì cả hoặc cứ làm những thứ mình thích là yêu bản thân, phục hồi năng lượng và tinh thần. Có 5 việc tưởng rằng đang nghỉ ngơi, thư giãn nhưng thực chất càng làm càng dễ mệt, lại tăng nguy cơ mắc bệnh tật:
1. Ngủ quá nhiều
Đúng là giấc ngủ rất quan trọng, giúp cơ thể và tâm trí được nghỉ ngơi, phục hồi. Nhưng ngủ quá nhiều lại phản tác dụng, thậm chí dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khôn lường. Nếu thiếu ngủ khiến bạn mệt mỏi, giống như cục pin chưa được sạc thì ngủ quá nhiều lại chẳng khác gì cục pin bị sạc quá mức, dẫn tới không thể hoạt động bình thường hoặc hư hại, gây cháy nổ…
Ngủ quá nhiều là một sai lầm khi muốn nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe nhiều người mắc phải (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia tại webMD, người lớn chỉ nên ngủ 6 - 9 giờ, 80% thời gian đó là giấc ngủ đêm. Ngủ nhiều hơn thời gian này, cơ thể có khả năng bị rối loạn, lâu dần sẽ dẫn đến trạng thái muốn ngủ nhiều hơn, buồn ngủ cực độ, kể cả khi đã ngủ trưa.
Không chỉ càng ngủ nhiều càng thêm buồn ngủ, ngủ quá nhiều còn khiến cơ thể mệt mỏi, giảm năng lượng và có liên quan đến các vấn đề về mất trí nhớ. Một cuộc khảo sát lớn ở Anh cho thấy ngủ quá nhiều và mãn tính có liên quan đến trí thông minh thấp hơn, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, bệnh Alzheimer, trầm cảm, vô sinh và các bệnh khác cao hơn. Vì vậy, nếu muốn nghỉ ngơi cũng đừng nên ngủ quá nhiều.
2. Đắm chìm vào các phương tiện truyền thông xã hội
Trong con mắt của hầu hết mọi người, nhất là người trẻ tuổi thì việc giải trí với Internet và lướt điện thoại di động có thể được mô tả là "thuốc giảm đau không kê đơn có tác dụng ngắn tốt nhất". Đặc biệt là khi ngày càng có nhiều nền tảng mạng xã hội độc đáo, thú vị, đa dạng thông tin và giỏi trong việc cá nhân hóa sở thích người dùng.
Mạng xã hội là nơi bộc lộ cảm xúc, tìm kiếm tin tức hài hước… nhưng cũng lại dẫn đến những tác dụng ngược và thậm chí còn khiến bạn kiệt sức hơn. Online quá lâu trên mạng xã hội vô tình khiến bạn thức lâu hơn, ánh sáng từ màn hình điện thoại/máy tính còn làm ảnh hưởng đến não, mắt, da…
Kiểu kích thích não liên tục và cường độ cao này sẽ dần dần nâng cao ngưỡng chịu đựng của não đối với sự kích thích thông tin. Bạn cũng rất dễ bị phụ thuộc vào thói quen này, cảm thấy không dùng mạng xã hội là khó chịu, mệt mỏi, thậm chí “nghiện” nó. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc tìm đến mạng xã hội mỗi khi mệt mỏi, cần nghỉ ngơi có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm thần. Ví dụ như rối loạn lo âu, trạng thái lo lắng lo lắng bị bỏ lỡ (FOMO).
FOMO đề cập đến sự lo lắng lan tỏa do một cá nhân sợ bỏ lỡ những trải nghiệm có ý nghĩa của người khác. Nó được biểu hiện bằng mong muốn không ngừng hiểu những gì người khác đang trải qua. Hành vi sử dụng mạng xã hội thụ động có thể dễ dàng kích hoạt các cá nhân tham gia vào sự so sánh xã hội hướng lên trên và tăng căng thẳng cho mỗi cá nhân. Nên nếu muốn nghỉ ngơi đúng nghĩa, hãy hạn chế hoặc tạm dừng việc sử dụng mạng xã hội nhé!
3. Nghỉ ngơi quá nhiều
Việc nghỉ ngơi, tức là gần như không làm gì cả có thể nhanh chóng phục hồi thể lực nhưng nếu làm nó quá lâu, quá thường xuyên thì không tốt chút nào. Khi bạn cảm thấy mệt mỏi hay ốm yếu, dù là người thân, bạn bè hay chuyên gia y tế, họ sẽ khuyên bạn nên “nghỉ ngơi nhiều hơn”. Tuy nhiên, lời khuyên có thiện chí này không có nghĩa là bạn nghỉ ngơi bao lâu tùy thích.
Bạn sẽ dễ mệt mỏi hơn nếu nghỉ ngơi trong thời gian dài mà không di chuyển, hoạt động gì. Đặc biệt, nếu bạn bận rộn không ngừng nghỉ khi cơ thể tràn đầy năng lượng và mất nhiều thời gian để hồi phục khi cơ thể cạn kiệt năng lượng, đây là một trong những lý do khiến bạn mệt mỏi. Thậm chí tạo ra chứng mệt mỏi mãn tính, làm suy giảm hệ miễn dịch.
Một số nghiên cứu cho thấy, khi bạn mắc bệnh do virus, bạn càng nghỉ ngơi nhiều thì sáu tháng sau bạn sẽ càng xuất hiện nhiều triệu chứng hơn. Việc nghỉ ngơi quá lâu trong ngày là một yếu tố quan trọng khiến giấc ngủ bị gián đoạn. Thay vào đó, hãy chỉ nghỉ ngơi trong vài giờ và kiểm tra lại trạng thái thể chất, tinh thần trước khi quyết định có cần nghỉ ngơi tiếp hay không.
Ngoài ra, nghỉ ngơi cũng không nhất thiết là chỉ ở một chỗ và không làm gì cả, nó có thể khiến bạn càng nghỉ càng thấy mệt. Bạn nên đi bộ, tập yoga, đọc sách… hoặc gặp gỡ một vài người bạn xen kẽ trong thời gian nghỉ ngơi của mình.
4. Dành quá nhiều thời gian cho trò chơi điện tử
Giống như mạng xã hội, các trò chơi điện tử ngày nay đã trở thành phương pháp “xả stress”, cách để nghỉ ngơi và phục hồi năng lượng với rất nhiều người trẻ. Đương nhiên, nếu chơi để giải trí đơn thuần, giải tỏa áp lực trong khoảng thời gian ngắn, thời gian nhất định thì sẽ mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, nếu bạn dành nhiều tiếng đồng hồ, thậm chí cả ngày hay nhiều ngày liên tiếp chơi các trò chơi điện tử thì đó không còn là nghỉ ngơi hay giải trí.
Bạn sẽ càng ngày càng cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, thậm chí tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật, rối loạn đồng hồ sinh học và còn có thể “nghiện game”. Đặc biệt là với các loại trò chơi cần tính tập trung quá cao, kích thích sự hiếu thắng, bạo lực hoặc liên quan tới tiền bạc. Chưa kể nó còn ảnh hưởng tới mắt, làn da, xương khớp… nếu chơi liên tục trong nhiều giờ.
Nếu vẫn muốn dùng trò chơi điện tử để giải tỏa, phục hồi và nghỉ ngơi, hãy chọn lựa kỹ và không chơi game quá 3,4 giờ mỗi ngày. Trong khi chơi, cũng cần các khoảng giải lao và đừng đặt toàn bộ tâm trí vào “thế giới ảo đó”. Ngay cả các game thủ chuyên nghiệp cũng cần nghỉ ngơi, nạp năng lượng khi chơi game. Cũng nên đặt giới hạn phù hợp cho mỗi lần chơi và tuân thủ nó, từ đó biến chơi game thành cách “xả stress”, nghỉ ngơi lành mạnh.
5. Ăn uống theo sở thích
Không thể phủ nhận rằng ăn uống theo sở thích một cách thoải mái có thể giúp cơ thể và tâm trí được “nuông chiều”, thoải mái hơn. Việc nạp năng lượng cũng là một cách nghỉ ngơi tốt, phục hồi thể lực mỗi khi mệt mỏi. Nhưng nếu ăn uống vô tội vạ thì cái giá phải trả sẽ rất đắt!
Ăn uống vô tội vạ không phải là cách giải tỏa tâm trạng có ích (Ảnh minh họa)
Khi ăn uống quá nhiều, các tế bào máu đang thực hiện nhiệm vụ ở đường ruột nên các phần còn lại của cơ thể sẽ hoạt động chậm lại và chuyển sang trạng thái thư giãn. Kết quả là não bộ sẽ không còn đủ lượng tế bào máu để đảm bảo tính linh hoạt, từ đó dẫn đến toàn bộ cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, uể oải. Đó là lý do càng ăn nhiều bạn càng cảm thấy mệt mỏi, đuối sức, chẳng muốn làm gì.
Đặc biệt, nhiều người thích dùng đồ ngọt, đồ chiên rán để ăn uống khi muốn nghỉ ngơi, cải thiện tâm trạng. Nhưng chúng không chỉ gây tăng cân, bệnh tật mà còn gây phản ứng ngược cho sức khỏe tinh thần.
Hiện tượng mệt mỏi, run, xây xẩm, buồn nôn… sau khi ăn ngọt quá nhiều là dấu hiệu của hạ đường huyết phản ứng sau ăn. Nguyên nhân hạ đường huyết là do ban đầu đường trong máu tăng cao đột ngột khi tiêu thụ quá nhiều tinh bột, đồ ngọt.
Đồ chiên rán cũng nổi tiếng là “kẻ giết chết tâm trạng”. Một nghiên cứu kéo dài 6 năm của Tây Ban Nha cho thấy ăn càng nhiều chất béo chuyển hóa càng dễ dẫn tới chán nản và nguy cơ trầm cảm càng cao. Đương nhiên, đây cũng là những thực phẩm khiến cơ thể phải hoạt động quá sức để tiêu hóa, chuyển hóa thay vì nghỉ ngơi.
Nguồn và ảnh: QQ, webMD, Sleep Foundation