Tiến sĩ John Reach - bác sĩ phẫu thuật tại Viện Chỉnh hình Connecticut (Mỹ) cho biết, cấu trúc xương của bàn chân chúng ta cũng phức tạp y như bàn tay. Tuy nhiên, đa số mọi người chú trọng hơn trong chăm sóc và bảo vệ đôi tay so với bàn chân. Nếu như bàn tay dễ bị tổn thương bởi các hoạt động liên tục hàng ngày thì xương bàn chân cũng chịu nhiều áp lực khi đi lại. Nhất là đối với những người sử dụng giày cao gót một cách thường xuyên.
Giày cao gót ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe?
Với phái đẹp, giày cao gót là món đồ thời trang không thể thiếu. Nhưng cũng có rất nhiều chị em sử dụng hàng ngày mà chỉ quan tâm tới lợi ích về làm đẹp, không quan tâm đến những tác động tiêu cực của nó.
Ảnh minh họa
Theo Tiến sĩ John Reach, tác hại đầu tiên khi đi giày cao gót thường xuyên đó là tổn thương cổ chân và gót chân. Do toàn bộ trọng lượng cơ thể bị dồn xuống mũi chân, khớp cổ chân khi ở tư thế gập quá lâu sẽ gây ra đau nhức, tổn thương. Nhiều trường hợp còn có thể bị căng cơ bàn chân quá mức hoặc bong gân mắt cá chân.
Tiếp theo là gây đau hông. Bởi vì nhóm cơ thắt lưng chậu và các cơ bắp chân sẽ phải nỗ lực hoạt động hơn để di chuyển trên giày cao gót. Khi đó, cơ sẽ bị căng cứng hoặc thậm chí là co cơ, từ đó kéo theo các cơn đau ở hông và thắt lưng.
Thoái hoá cột sống, viêm khớp gối cũng rất dễ xảy ra khi bạn đi giày cao gót quá nhiều. Lúc này, ngoài các cơ bắp ở chân, lưng thì cột sống của bạn cũng hoạt động hết công suất để nâng đỡ trọng lượng cơ thể. Tiến sĩ John Reach giải thích rõ hơn, đó là do giày cao gót khiến độ thăng bằng của cơ thể giảm đi rất nhiều, đẩy trọng tâm của người về phía trước để lấy tư thế cân bằng.
Tư thế này làm cho hông, cột sống và khớp gối bị lệch khỏi trục sinh lý vốn có. Điều này khiến phái nữ sẽ thấy lưng nhức mỏi, gai cột sống, đau đầu gối. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến các bệnh lý thoái hóa cột sống, viêm khớp.
Nếu đi giày cao gót thường xuyên, nhất là các loại giày gót nhọn thì đường cong sinh lý của phụ nữ cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu. Đường cong sinh lý đóng vai trò như một bộ giảm xóc, giúp phân tán bớt áp lực tác động lên các đốt sống và xương chậu.
Tư thế khi mang giày cao gót làm giảm độ cong ở cột sống vùng thắt lưng, tăng độ cong của các đốt sống ngực. Như vậy không chỉ ảnh hưởng đến các đốt sống mà còn tăng thêm áp lực đè nặng lên cơ lưng, dẫn đến tình trạng đau mỏi khó chịu. Lâu ngày còn có thể tạo điều kiện phát triển thành gù cột sống hoặc gây đau lưng mãn tính.
Ngoài ra, hội chứng vẹo ngón chân cũng rất thường gặp sau nhiều năm liên tục sử dụng giày cao gót. Thường gặp nhất là các ngón chân bị biến dạng, ngón chân cái có thể dần lệch về phía ngón chân kế tiếp hoặc ngón chân út bị cong vẹo. Nhiều chị em còn bị chồng các ngón lên nhau hoặc có các vết chai sạn mất thẩm mỹ.
6 mẹo để giảm thiểu tác hại khi đi giày cao gót
Đương nhiên, việc tránh xa giày cao gót là không thể với rất nhiều chị em phụ nữ. Thay vào đó, Tiến sĩ John Reach gợi ý rằng bạn có thể làm theo 6 mẹo sau để giảm thiểu tác hại của giày cao gót tới sức khỏe:
Lựa chọn đúng cỡ giày
Chọn những đôi giày cao gót vừa vặn không chỉ giúp bạn đi lại dễ dàng hơn mà còn ít cọ xát xung quanh bàn chân, giảm nguy cơ tạo thành những vết chai ở gót chân. Giày vừa vặn cũng giúp các ngón chân được thoải mái, khi đi lại trong tư thế không phải bám ngón chân do rộng hay cố gắng ép ngón chân do chật sẽ giảm đau và giúp giữ thăng bằng tốt hơn, đảm bảo đường cong sinh lý tốt hơn.
Ảnh minh họa
Giảm độ dốc của giày hoặc hạn chế giày gót nhọn
Theo Tiến sĩ John Reach, dù là gót nhọn hay gót bằng, giày có độ cao trên 7cm đều gây áp lực lên xương bánh chè cao hơn 30% so với giày đế thấp. Vị trí khớp thứ hai bị ảnh hưởng rất nhiều là khớp cổ chân và gót chân. Vì vậy cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe là chỉ chọn giày có độ cao 7cm trở xuống nếu đi thường xuyên.
Đặc biệt, những đôi giày gót càng nhọn thì càng dốc và khó giữ thăng bằng hơn. Chị em nên ưu tiên những đôi giày cao đế bằng, có gót lớn để có điểm tựa chắc chắn và bớt gây hại cho xương khớp.
Ưu tiên giày hở mũi hoặc giày có quai, chất liệu mềm
Lý do là vì chúng giảm đau chân, thoáng khí, ít gây áp lực lên ngón chân hơn, giảm ma sát. Bên cạnh đó, những đôi giày có quai cũng chắc chắn hơn, dễ di chuyển và giúp bạn giữa thăng bằng tốt hơn mà không cần dùng nhiều sức nên sẽ bớt đau nhức chân.
Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ
Nếu bắt buộc phải đi giày cao gót thường xuyên, bạn có thể nhờ đến các dụng cụ hỗ trợ để giảm thiểu cảm giác đau nhức và tác hại tới xương khớp. Đơn giản như dùng nệm lót chuyên dụng, nhất là ở phần gót chân hay các ngón chân. Bạn cũng có thể dùng urgo hay băng dính để thay thế trong nhiều trường hợp.
Tiến sĩ John Reach nhắc nhở thêm, điểm quan trọng cần chú ý khi đi giày cao gót là dây thần kinh nằm ở giữa ngón giữa và ngón áp út của bàn chân. Nếu muốn giảm thiểu tác hại của giày cao gót, bạn có thể cố định hoặc dùng dụng cụ bảo vệ dành riêng cho ngón chân giữa với ngón áp út.
Để đôi chân nghỉ ngơi và massage chân
Tuy không thể ngừng hẳn việc đi giày cao gót nhưng bạn có thể hạn chế chúng. Bằng cách xen kẽ với các loại giày đế thấp. Còn khi phải đi giày cao gót cả ngày, hãy đảm bảo chân được “thoát khỏi” giày cao gót 2 giờ 1 lần trong ít nhất 10 giây.
Ảnh minh họa
Bạn cũng nên xoa bóp chân để máu lưu thông tốt hơn, cơ và xương được thư giãn. Hoặc tập một số bài tập tốt cho chân, khớp gối và cột sống. Ví dụ như ngồi trên ghế và lăn chân với bóng nhỏ, tập squat mà không nhấc mũi hay gót chân khỏi mặt đất, bài tập kiễng chân gián đoạn khi tay chống vào tường…
Ngâm chân với nước ấm
Còn có thêm một cách để thư giãn đôi chân, giảm tác hại tới cơ xương khớp sau một ngày dài đi giày cao gót đó là ngâm chân.
Chị em nên thực hiện ngâm chân hàng ngày hoặc ít nhất 3 lần mỗi tuần vời thời điểm trước khi đi ngủ. Nên dùng nước ấm trong khoảng 30 - 45 độ C và có thể thêm muối, gừng hoặc một số tinh dầu để tăng hiệu quả.
Nguồn và ảnh: NTDTV, Top Beauty, MSN