Hệ thống miễn dịch của chúng ta chịu trách nhiệm ngăn chặn virus và vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể và bảo vệ chống lại bệnh tật.
Đau đầu khó chịu, nổi mẩn trên da, ngứa cổ họng hoặc sụt sịt… tất cả đều là cách cơ thể chúng ta thông báo điều bất ổn của cơ thể. Mức độ của những ‘sự cố’ này khác nhau ở từng cá nhân… Và chính lối sống đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng sức khỏe này.
Thời đại mà con người bận rộn, không còn thời gian để chăm sóc bản thân. Hơn nữa, COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, số người mắc vẫn tăng lên, những người có hệ miễn dịch kém có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi virus nhiều hơn.
Do đó, điều quan trọng là phải thực hiện mọi biện pháp để nâng cao sức đề kháng, giúp cho hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Tuyến phòng thủ đầu tiên là lựa chọn lối sống lành mạnh. Thậm chí, ngay cả những thay đổi nhỏ nhất trong lối sống cũng có lợi cho hệ thống miễn dịch.
Vi khuẩn và virus có thể xâm nhập cơ thể bạn bất cứ lúc nào, nhưng đối với người khỏe mạnh thì chúng khó có cơ hội hơn.
Hệ thống miễn dịch giúp có thể chống lại nhiễm trùng.
1. Chế độ ăn uống lành mạnh giúp tăng cường hệ thống miễn dịch
Dinh dưỡng tốt là chìa khóa cho một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, có thể bảo vệ chống lại bệnh tật theo mùa và các vấn đề sức khỏe khác. Sức khỏe đường ruột đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe tổng thể ở mỗi con người, hoạt động như một người gác cổng cho phần còn lại của cơ thể và ‘đào tạo’ hệ thống miễn dịch.
Giữ cho đường ruột khỏe mạnh có nghĩa là giữ cho hệ thống miễn dịch của bạn khỏe mạnh. Do đó, bạn phải bổ sung các loại thực phẩm thân thiện với đường ruột trong chế độ ăn uống của mình, chẳng hạn như men vi sinh, thực phẩm lên men, trái cây và rau củ... Hơn nữa, bạn cũng sẽ cần tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa có thể giúp chống lại các tổn thương tế bào và những kẻ xâm lược cơ thể. Bạn nên thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm: Protein, chất xơ, vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác, giúp hỗ trợ phản ứng miễn dịch và đóng một vai trò trong phong cách ăn uống lành mạnh.
2. Tập luyện thường xuyên
Tập luyện rất quan trọng với hệ thống phòng thủ của cơ thể. Tập thể dục giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Đi bộ hàng ngày, tập yoga hoặc theo một thói quen tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.
Tập thể dục giúp cải thiện lưu lượng máu qua hệ thống tim mạch, giúp thải vi trùng và chất độc ra khỏi cơ thể qua hệ bài tiết dưới dạng mồ hôi và nước tiểu. Điều này có thể làm giảm nguy cơ bị cúm, cảm lạnh hoặc các bệnh khác.
Theo các chuyên gia y tế, tập thể dục thường xuyên giúp sản sinh và tăng cường các tế bào bạch cầu (WBCs) chống lại bệnh tật. Tập thể dục giúp WBCs lưu thông nhanh hơn, cho phép chúng phát hiện các sinh vật có hại trước khi chúng có thể gây ra bất kỳ vấn đề nào.
Điều quan trọng là tập thể dục hàng ngày (thậm chí 30 phút đi bộ cũng có tác dụng) trong lối sống của bạn để đảm bảo rằng hệ thống miễn dịch của bạn ở tình trạng tốt hơn.
3. Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ lành mạnh là ‘trụ cột’ của cuộc sống lành mạnh. Ngủ không đủ giấc hoặc thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và có thể làm tăng khả năng mắc bệnh. Nghiên cứu cho thấy những người thiếu ngủ hoặc không có giấc ngủ chất lượng dễ phát triển bệnh hơn sau khi tiếp xúc với virus. Mặt khác, thiếu ngủ cũng sẽ ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục của bạn sau khi ốm.
Khi ngủ cơ thể sẽ giải phóng cytokine, một loại protein chịu trách nhiệm chống lại nhiễm trùng hoặc viêm. Do đó, loại protein này cần được tăng lên khi bạn bị ảnh hưởng của virus. Thiếu ngủ có thể làm giảm sản xuất cytokine.
Vì vậy, bất kể lịch trình bận rộn của bạn như thế nào, bạn cần ngủ ít nhất 7-8 tiếng. Nó sẽ không chỉ giữ cho hệ thống miễn dịch của bạn khỏe mạnh mà còn giúp tạo năng lượng cho bạn hoạt động trong ngày.
4. Bỏ hút thuốc
Hút thuốc có nhiều tác động tiêu cực tới sức khỏe, liên quan đến các tình trạng y tế nghiêm trọng như: Đột quỵ, COPD, ung thư phổi, bệnh tim…
Hút thuốc làm giảm phản ứng miễn dịch của cơ thể bạn đến mức làm cơ thể ngừng phản ứng với các 'cuộc xâm lược'. Điều này là do thuốc lá gây hại cho mọi hệ thống trong cơ thể, khiến bạn cảm thấy khó khăn hơn để tránh khỏi những căn bệnh không có gì to tát đối với hầu hết những người khỏe mạnh.
5. Tránh căng thẳng
Nếu bạn đang trải qua một số thời điểm căng thẳng trong cuộc sống, bạn cần biết rằng nó có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn.
Căng thẳng có thể cản trở hiệu quả hoạt động của hệ thống miễn dịch, khiến bạn dễ bị nhiễm virus và vi khuẩn hơn. Ngoài ra, căng thẳng có thể dẫn đến các vấn đề về giấc ngủ, huyết áp cao, trầm cảm và các vấn đề tim mạch như đột quỵ và đau tim.
Căng thẳng mãn tính có thể có tác động xấu đến sức khỏe, đặc biệt là các rối loạn tự miễn dịch và viêm nhiễm. Khi bạn cảm thấy căng thẳng, cơ thể sản xuất nhiều cortisol (một loại hormone được tiết ra để ứng phó với căng thẳng), làm suy giảm hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến việc sản xuất các tế bào bạch cầu trong cơ thể.
Có rất nhiều lý do để bạn cảm thấy căng thẳng như các vấn đề về tiền bạc, công việc, các mối quan hệ không thuận lợi… Nhưng điều quan trọng là bạn phải kiềm chế nó càng sớm càng tốt bằng cách nói chuyện với người thân hoặc tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia.
6. Kiểm soát tốt các bệnh mạn tính
Các tình trạng y tế như tiểu đường, bệnh tim, các vấn đề về khớp hoặc thậm chí là ung thư, có thể làm giảm hiệu quả hoạt động của hệ thống miễn dịch, cản trở khả năng cơ thể bạn ngăn chặn virus và vi khuẩn. Điều này có thể khiến bạn bị cảm lạnh, cảm cúm và đau họng thường xuyên hơn so với những người khác.
Vì vậy, bạn cần phải dùng các loại thuốc cần thiết theo đơn bác sĩ, cũng như các biện pháp thích hợp khác để giữ cho sức khỏe và giúp hệ thống miễn dịch của bạn luôn trong tầm kiểm soát.