Adi Katz, bác sĩ phụ khoa tại Bệnh viện Lenox Hill nói: “Hầu hết trong các trường hợp, mùi âm đạo không có vấn đề gì lớn”. Hay chuyên gia y học tình dục Maria Sophocles cho biết, bộ phận sinh dục có chút mùi là điều bình thường.
Cô ấy chỉ ra rằng, âm hộ (phần bên ngoài có thể nhìn thấy của bộ phận sinh dục nữ) có các nang lông, tuyến mồ hôi và dầu. Nó cũng có rất nhiều đặc tính giống các bộ phận trên cơ thể nên không có gì ngạc nhiên khi khu vực này có mùi.
Tiến sĩ Katz giải thích thêm: Âm đạo tự nhiên là nơi trú ngụ của tất cả các loại vi khuẩn, và chúng cũng có thể là nguồn biến đổi mùi hôi cá nhân của bạn. Theo cô: “Trong suốt cả tháng, những thay đổi do nội tiết tố và chu kỳ kinh nguyệt của chúng ta, vi khuẩn có thể thay đổi một chút và gây ra những mùi âm đạo khác nhau”.
Nói chung, độ pH của âm đạo có tính acid. Tất cả những tác nhân nào gây biến đổi độ pH của âm đạo đều khiến nó trở thành môi trường thích hợp cho một số vi khuẩn trú ngụ, có thể dẫn đến kích ứng, tiết dịch, có mùi. Nhiều biến thể mùi chỉ là tạm thời.
Nếu âm đạo có mùi khó chịu và bạn muốn làm sạch hoặc che đậy mùi hương đó đi. Những gì chúng ta làm như: tắm thường xuyên, thoa chất khử mùi, xịt khử mùi… Nhưng những nỗ lực này để làm sạch vùng kín thường có xu hướng phản tác dụng.
Tiến sĩ Sophocles nói: “Rất nhiều phụ nữ đang gặp vấn đề vùng kín vì rửa quá nhiều lần. Bạn không cần phải làm sạch bên trong âm đạo của mình, bởi nó có tính năng tự làm sạch. Khi bạn thụt rửa bằng nước, giấm hay bất cứ thứ gì khác, nó sẽ làm rối loạn cân bằng độ pH bình thường của âm đạo. Điều này sẽ càng khuyến khích vi khuẩn phát triển nhiều hơn, sinh sôi và tạo ra mùi cho vùng kín khiến bạn có nhiều mùi hơn”.
Có nhiều mùi hương bất thường tại vùng kín cũng đáng chú ý. Dưới đây, các bác sĩ phụ khoa chia sẻ một số mùi hôi mà các bệnh nhân thường gặp phải cùng với những nguyên nhân tiềm ẩn của chúng.
1. Mùi ngọt
Nếu vùng kín bỗng dưng có mùi “ngọt ngào”, rất có thể bạn đang bị nhiễm nấm men. Bệnh nhiễm nấm này thường có đặc điểm là tiết dịch âm đạo đặc, giống như pho mát, ngứa và kích ứng âm đạo, âm hộ.
Bác sĩ khoa học của Dartmouth Hitchcock, Shirley V.Galucki cho biết: “Nhiễm trùng nấm men thường không có nhiều mùi”. Mùi ngọt ngào từ âm đạo có thể chỉ ra một vấn đề khác của cơ thể, ví dụ như lượng đường trong máu cao. “Nếu ai đó có mùi ngọt từ âm đạo, tôi khuyến khích họ nên đi xét nghiệm và kiểm tra lượng đường trong máu. Rất có thể họ đang gặp phải vấn đề với sự cân bằng lượng đường nói chung”.
2. Mùi chua
Có lẽ không cần phải lo lắng quá nếu âm đạo của bạn có mùi chua. Tiến sĩ Katz cho rằng đây có thể chỉ là mùi âm đạo hàng ngày của bạn. Bởi âm đạo là một môi trường có tính acid.
Một trong những vi khuẩn có khả năng sống “tốt” trong môi trường âm đạo là acidophilus. Đây cũng chính là vi khuẩn được tìm thấy trong sữa chua. Những gì mọi người có thể nhận thấy được ở mùi chua của vùng kín có thể chỉ là một mùi tự nhiên, giống như mùi sữa chua.
Hoặc đôi khi, mùi hôi có thể do bạn đã ăn một loại thực phẩm nào đó. Theo Tiến sĩ Sophocles, một số loại thực phẩm có thể làm thay đổi độ pH của môi trường âm đạo. Tác dụng này thường tồn tại trong thời gian ngắn
Nếu âm đạo có mùi thì không phải là vấn đề. Nhưng nếu nó có mùi hôi và kèm theo các triệu chứng khác như ngứa, rát, tiết dịch, bạn nên đi kiểm tra để đảm bảo sức khỏe vùng kín một cách tốt nhất.
3. Mùi tanh
Mùi âm đạo tanh như mùi cá là một trong những điều phổ biến được nhiều chị em nhận định, theo Tiến sĩ Sophocles. Mùi tanh có thể do nhiễm khuẩn âm đạo (BV), xảy ra khi có sự phát triển quá mức của một dạng vi khuẩn trong âm đạo. BV là tình trạng âm đạo phổ biến nhất, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).
Các triệu chứng khác của BV bao gồm ngứa, nóng rát khi đi tiểu, tiết dịch màu xám, trắng hoặc xanh lá cây. Mặc dù BV có thể tự khỏi nhưng CDC khuyến cáo chị em cần phải điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nếu không BV có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh STDs và đôi với người mang thai, BV làm tăng khả năng sinh non, sinh con nhẹ cân.
Cũng có khả năng rằng mùi âm đạo tanh có thể là kết quả của nhiễm trùng roi trichomonas – một bệnh lây truyền qua đường tình dục. Căn bệnh này có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Ngoài ra, có một lời giải thích đơn giản khác cho mùi âm đạo có mùi tanh như cá là mùi mồ hôi tự nhiên của cơ thể bạn. Sau một ngày dài chạy nhảy, đặc biệt là nếu mặc quần áo chật, bạn có thể có mùi tanh nồng hơn.
Điểm quan trọng là nếu âm đạo có mùi tanh dai dẳng không phải là mùi bình thường trước đây, bạn nên đi gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán tốt nhất.
4. Mùi lên men
Đây có thể chỉ đơn giản là mùi của vi khuẩn trong âm đạo. Nếu đó không phải là mùi quen thuộc của bạn, bạn nên được kiểm tra. Tiến sĩ Sophocles nói, đây có thể là nấm men hay BV. “Bạn cần phải được xem xét dịch tiết âm đạo dưới kính hiển vi để xác định nguyên nhân gây ra mùi hôi này”.
5. Mùi giấm
Âm đạo tiết ra mùi giấm không phải là mùi hương phổ biến. Tiến sĩ Katz nói rằng đó có thể liên quan đến một thứ gì đó bạn đang ăn – một loại thực phẩm có mùi hăng (ví dụ như măng tây) làm thay đổi mùi âm đạo. Hoặc nó là mùi “tanh” giống như bên trên nhưng lại được cảm nhận giống mùi giấm đối với người khác.
6. Mùi hôi thối
Đây có thể là một dấu hiệu đáng lo ngại. Tiến sĩ Galucki cho rằng: “Nếu âm đạo đang có mùi hôi thối, chúng tôi nghĩ đến các bệnh lây truyền qua đường tình dục”.
Nhiễm trùng roi trichomonas có thể là nguyên nhân gây ra mùi hôi này. Vì vậy bạn nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được khám phụ khoa và xem xét dưới kính hiển vi để xác định nguyên nhân.
Đôi khi, nếu bạn vô tình quên tháo băng vệ sinh hoặc một ít khăn giấy dính vào âm đạo cũng có thể gây ra mùi khó chịu và đáng chú ý. Sau một vài ngày nó có thể chuyển sang mùi hôi thối. Trên thực tế, trường hợp này khá phổ biến do cuộc sống bận rộn và nhiều người không chú ý đến sức khỏe vùng kín. May mắn là việc điều trị nó cũng khá dễ dàng.
7. Mùi kim loại
Rất có thể bạn sẽ ngửi thấy mùi kim loại ở vùng kín của mình, đặc biệt trong thời điểm kinh nguyệt. Tiến sĩ Sophocles nói: “Đây là mùi đặc trưng cho kinh nguyệt. Nó có thể khó chịu nhưng không chỉ ra có điều gì không ổn”. Nguyên nhân là bởi sắt có trong máu, nên bạn có thể ngửi thấy mùi kim loại.
Làm thế nào để giữ âm đạo luôn sạch và có mùi thơm?
Âm đạo sẽ không bao giờ có một mùi hương hoàn toàn. Các hoạt động hàng ngày, kinh nguyệt, quan hệ tình dục… có thể làm thay đổi lớp vi khuẩn âm đạo và dẫn đến thay đổi mùi. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng các thói quen sau để ngăn ngừa mùi hôi:
- Chọn đồ lót hợp lý: Chọn đồ lót bằng chất liệu cotton, rộng rãi và thoáng khí.
- Tránh xa các loại lót trong quần: Mặc một miếng lót hoặc lót trong thời kỳ kinh nguyệt là tốt, nhưng những ngày còn lại bạn không nên sử dụng. Bởi chúng có thể gây kích ứng âm hộ, khiến bạn dễ nhiễm trùng âm đạo.
- Thử ngâm mình trong bồn tắm: Nếu âm đạo của bạn cảm thấy bị kích thích, hãy thử tắm bồn. Tiến sĩ Katz khuyến nghị, bạn có thể đổ nước ấm đến hông và ¼ đến ½ chén muối trong bồn tắm của bạn. Đó là cách tuyệt vời để làm dịu làn da và tiêu diệt vi khuẩn gây khó chịu.
- Tuyệt đối không thụt rửa: Các chuyên gia đều nhận định việc thụt rửa là kẻ thù của âm đạo khỏe mạnh. Bạn không nên thụt rửa gây mất cân bằng vi khuẩn, khiến mùi hôi trầm trọng hơn. Ngoài ra nếu bạn bị nhiễm trùng, việc thụt rửa có thể đẩy nó vào trong tử cung.
- Không làm sạch quá mức: Không nên dùng nước xịt thơm, xà phòng để làm sạch vùng kín. Bạn nên sử dụng loại dung dịch vệ sinh nhẹ nhàng, vệ sinh bên ngoài âm hộ.
Nguồn và ảnh: Livestrong