7 loại thực phẩm quen thuộc nhưng trước giờ chúng ta vẫn rửa sai cách, đặc biệt là 4 loại đầu tiên không cần phải rửa

Ai cũng nghĩ thực phẩm cần phải rửa sạch rồi mới ăn, tuy nhiên điều đó đôi khi lại không an toàn.

Thông thường, mọi người thường phải rửa sạch thực phẩm trước khi chế biến. Nhưng sự thật là việc rửa có thể ảnh hưởng tới chất lượng của một số loại thực phẩm, hoặc tệ hơn là thúc đẩy sự lây lan của vi khuẩn và làm độc thực phẩm. Dưới đây là các bí kíp rửa, sơ chế thực phẩm trong nhà bếp mà bạn cần ghi nhớ.

1. Thịt sống

Bạn luôn cảm thấy cần phải rửa sạch thịt thà hay gia cầm, đặc biệt khi trông chúng có vẻ bầy nhầy lúc vừa mới lấy ra khỏi túi đi chợ. Tuy nhiên, nếu không có vấn đề gì ở bề ngoài miếng thịt, bạn hãy cho chúng vào chế biến để tiêu diệt vi khuẩn.

Việc rửa thịt có thể làm lây lan vi khuẩn lên tay bạn. Ngoài ra, nước có thể bắn lên hoặc chảy xuống mặt bàn, dụng cụ làm bếp và có thể lây chéo sang thực phẩm khác. Theo Cơ quan Quản lý về Vệ sinh An toàn Thực phẩm và Thú y Singapore (AVA), cũng không cần thiết phải rửa thịt sống với muối; xối nước hoặc ngâm thịt sống trong nước muối.

7 loại thực phẩm quen thuộc nhưng trước giờ chúng ta vẫn rửa sai cách, đặc biệt là 4 loại đầu tiên không cần phải rửa - Ảnh 1.

2. Cá sống và động vật có vỏ

Tương tự, bạn không cần phải rửa cá để giảm thiểu nguy cơ lây chéo và ngộ độc thực phẩm.

Tuy nhiên, động vật có vỏ tươi sống như ngao, sò, ốc, hến, trai, hàu... cần được rửa sạch hoặc ngâm trong nước, trừ khi bạn muốn ăn cả cát và sạn. Muốn làm sạch chúng, hãy rửa dưới vòi nước để loại bỏ chất cặn và những con có vỏ bị vỡ.

Đổ chúng vào một chậu nước muối lạnh trong khoảng 20 - 30 phút. Điều này thúc đẩy chúng giải phóng toàn bộ sạn bên trong vỏ ra ngoài. Vớt chúng ra khỏi nước trước khi chế biến, phần cặn sẽ bị bỏ lại.

3. Nấm

Một mặt, nhiều đầu bếp và chuyên gia cho rằng không nên rửa nấm vì chúng hút ẩm (giống như miếng bọt biển), điều này ảnh hưởng đến hương vị và khiến nấm bị dai khi nấu lên.

Một cách để làm sạch nấm là lau chúng bằng khăn ẩm. Còn nếu bạn bắt buộc phải dùng nước, hãy nhúng hoặc xối qua để loại bỏ các mảnh vụn, sau đó lau khô ngay lập tức.

4. Trứng

Bạn đang vò đầu bứt tai về việc có nên rửa trứng?

Trứng gà có khả năng mang mầm bệnh như vi khuẩn salmonella, nhưng tin tốt là, chúng có một lớp phủ bảo vệ tự nhiên giúp chống lại vi khuẩn một cách hiệu quả. Các loại trứng thương mại cũng đã được làm sạch bằng kỹ thuật chuyên biệt để không gây tổn hại đến lớp phủ này.

7 loại thực phẩm quen thuộc nhưng trước giờ chúng ta vẫn rửa sai cách, đặc biệt là 4 loại đầu tiên không cần phải rửa - Ảnh 2.

Theo người phát ngôn của AVA (từ nguồn The Straits Times), rửa trứng trước khi bảo quản trong tủ lạnh là cách làm không được khuyến nghị. Điều này có thể làm mất lớp phủ hoặc lớp biểu bì tự nhiên của trứng, tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào trong trứng.

Tất nhiên, bạn cũng nên bảo quản trứng trong tủ lạnh. Điều này ngăn vi khuẩn salmonella có trong trứng phát triển đến mức nguy hiểm.

5. Xà lách đóng gói (đã được rửa sạch)

Nhãn dán trên sản phẩm này tuyên bố rằng "rau đã được rửa sạch và có thể ăn ngay", nhưng liệu nó có thực sự an toàn để thưởng thức trực tiếp?

Nó có thể không nguy hại, vì đã được rửa bằng hỗn hợp nước và hóa chất dùng trong ngành thực phẩm. Nhưng nếu bạn muốn an toàn và không thích ăn phải hoá chất thì hãy rửa chúng. Bạn cần ngâm các lá xà lách trong nước lạnh để không làm mất các khoáng chất, sau đó cho vào rổ quay rau để làm ráo nước.

6. Trái cây họ cam quýt, dưa gang, bơ

Nếu không ăn vỏ, bạn không cần phải rửa chúng? Chưa chắc đâu nhé. Khi bạn gọt hoặc cắt những loại trái cây có vỏ không ăn được, bạn cũng có nguy cơ làm lây lan vi khuẩn sang phần thịt quả.

Đặc biệt nếu bạn đang có ý định dùng vỏ cam quýt để làm bánh hoặc nấu ăn, thì điều quan trọng là phải rửa sạch vỏ. Các nhà sản xuất có thể sẽ bôi một lớp sáp mỏng sau khi thu hoạch các loại quả này để tạo vẻ tươi ngon, cũng như bảo vệ chúng trong quá trình vận chuyển gập ghềnh trước khi đến tay người tiêu dùng.

Bạn có thể loại bỏ lớp sáp này bằng cách chà và rửa, hoặc ngâm trong nước nóng.

7. Đậu đóng hộp

Đậu xanh, đậu trắng hoặc đậu đen, rất có thể trong bếp nhà bạn có các loại đậu đóng hộp này. Chúng mang lại sự tiện lợi, đặc biệt vào những lúc bận rộn vì chúng ta sẽ cần nhiều thời gian hơn để làm chín đậu thô.

Tuy nhiên, đậu đóng hộp thường ở dạng lỏng sệt, chứa nhiều chất bảo quản và natri (muối). Mặc dù tất cả đều ở ngưỡng an toàn nhưng bạn có thể làm giảm hàm lượng các chất này hơn nữa bằng cách rửa sạch và để đậu ráo nước.

Nguồn và ảnh: Asia One, Livestocking