Tủ lạnh là vật dụng không thể thiếu của mỗi gia đình, giúp lưu trữ các loại thực phẩm dài lâu. Dù nhiệt độ thấp có thể giữ được độ tươi ngon, nhưng có một số loại thực phẩm sẽ bị rút ngắn thời hạn sử dụng, nhanh hỏng hoặc ảnh hưởng đến mùi vị sau khi cất vào tủ lạnh.
Dưới đây là 7 loại thực phẩm bạn tuyệt đối không nên cho bảo quản lạnh nếu muốn sử dụng lâu dài mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
1. Trái cây nhiệt đới
Các loại trái cây nhiệt đới như chuối, xoài và đu đủ thường được hái và bán khi chúng chưa chín. Việc bỏ các loại trái cây này vào tủ lạnh sẽ ức chế sự giải phóng ethylene (thành phần giúp trái cây mau chín) khiến chúng sẽ không thể chín mềm tự nhiên.
Ngoài ra, ở nhiệt độ lạnh, các loại trái cây nhiệt đới còn rất dễ bị nhũn, vỏ ngoài thâm đen và thậm chí có thể bị thối bên trong. Điều này góp phần làm ảnh hưởng đến mùi vị và dinh dưỡng của chúng, từ đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
2. Khoai tây, khoai lang
Khoai tây và khoai lang là thực phẩm rất giàu tinh bột nhưng nếu bảo quản ở nhiệt độ thấp, tinh bột trong khoai sẽ bị phân hủy, làm ảnh hưởng đến mùi vị. Bên cạnh đó, môi trường ẩm trong tủ lạnh tạo điều kiện thuận lợi cho khoai mọc mầm nhanh chóng khiến người ăn bị ngộ độc kèm các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy.
Do đó, khi bảo quản, bạn nên tách riêng khoai tây và khoai lang, cất chúng nơi khô thoáng để kéo dài thời gian sử dụng.
3. Tỏi, hành tím
Ngoài khoai tây, tỏi hay hành tím cũng không nên bảo quản trong tủ lạnh vì chúng sẽ nhanh mốc và mọc mầm. Thậm chí khi bỏ ngăn đông, kết cấu lẫn hương vị và dưỡng chất của tỏi cũng bị thay đổi. Hơn nữa, hai loại thực phẩm này đều có mùi nồng, nếu đem cắt nhỏ để trong tủ lạnh, các loại thực phẩm khác sẽ bị ảnh hưởng.
Vì thế, cách tốt nhất để bảo quản chúng là đặt ở những nơi khô ráo và thoáng gió.
4. Bánh mì
Theo các chuyên gia, việc bảo quản bánh mì trong tủ lạnh sẽ khiến chúng nhanh hỏng hơn gấp 3 lần so với nhiệt độ bình thường. Khi thời gian bảo quản kéo dài với nhiệt độ thấp, chất tinh bột kết tinh lại biến đổi trạng thái bánh mì từ mềm sang cứng.
Đối với bánh mì, chúng ta có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng và nên cố gắng ăn hết trong thời hạn sử dụng.
5. Mật ong
Mật ong chứa nhiều dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Nếu muốn thời hạn sử dụng của mật ong được lâu dài, bạn tuyệt đối không nên bỏ vào tủ lạnh. Vì hàm lượng đường glucose trong mật ong sẽ nhanh chóng kết tinh, dẫn đến mùi vị thay đổi, thậm chí biến chất khi gặp nhiệt độ lạnh.
Cách bảo quản tốt nhất là bỏ mật ong vào chai thủy tinh ở nơi thoáng mát và đậy kín nắp nhằm tránh côn trùng như kiến.
6. Thuốc bắc
Các loại thuốc Đông y thường được mua với số lượng lớn để sắc uống dần nên nhiều người hay chọn phương pháp bảo quản trong tủ lạnh. Tuy nhiên, cách làm này có thể khiến thuốc nhanh bị nấm mốc, biến chất và gây hại cho sức khỏe. Thuốc Đông y dù bổ đến đâu nhưng nếu bảo quản sai cách, bạn không thể khỏe hơn mà còn rước bệnh vào người.
7. Trà, cà phê
Một số sản phẩm được phơi và sấy khô như trà, cà phê, sữa bột ... sau khi xử lý có độ ẩm cực thấp để vi sinh vật không thể sinh sôi nên chỉ cần chú ý đến độ ẩm là có thể bảo quản được lâu. Trái lại, nếu bạn để trong tủ lạnh, trà và cà phê sẽ bị ẩm và mùi từ những loại thực phẩm khác bám vào làm mất đi hương vị ban đầu.
Source (Nguồn): Sohu, Delish, Goodhousekeeping, Internet. Ảnh: Pinterest