Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong 9 tháng đầu năm 2020, cả nước ghi nhận 38.704 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 20.536 trường hợp nhập viện, không có tử vong.
Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay có 2.780 trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Đặc biệt, từ đầu tháng 7 đến nay, số trẻ đến khám vì tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng nhanh liên tục, trong đó có nhiều trường hợp trong tình trạng nặng.
TS. Đỗ Thiện Hải, Trưởng Khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện có 71 trẻ đang điều trị nội trú, phần lớn trong tình trạng nặng.
Trẻ mắc tay chân miệng nhập viện.
Hiện mỗi ngày đơn vị tiếp nhận 15- 20 trẻ nhập viện, trong đó có không ít trẻ không rõ dấu hiệu nên phụ huynh không hề biết. Đáng nói, có nhiều trẻ bị biến chứng viêm não, viêm màng não, thần kinh. Số ca bị biến chứng do tay chân miệng năm nay nhiều hơn so với các năm khác.
Theo BS Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E, Hà Nội, bệnh tay chân miệng có thể lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc phải virus gây bệnh. Virus có thể phát tán từ cơ thể người bệnh ra môi trường qua đường phân, các nốt phỏng nước hoặc dịch tiết từ đường hô hấp.
Khác với bệnh sởi, trẻ không thể tự tạo ra miễn dịch đối với tay chân miệng do cơ thể có thể mắc nhiều loại virus khác nhau qua mỗi năm. Hiện nay, tay chân miệng chưa có vắc xin và thuốc đặc trị. Tay chân miệng dễ lây lan với tốc độ rất nhanh. Đây có thể là vấn đề đáng lo ngại nếu mọi người chủ quan và không có góc nhìn toàn diện.
Theo bác sỹ Quý, tùy vào mức độ cũng như thể trạng của mỗi bé, bệnh có thể gây ra các biến chứng khác nhau. Điển hình như biến chứng về thần kinh, tổn thương ở thân não dẫn đến liệt, bại não,...
Bệnh sẽ có những di chứng về vấn đề hô hấp như khó thở, tổn thương trung tâm hô hấp, yếu cơ và liệt cơ. Với những biến chứng nặng hơn, bệnh nhân còn bị tổn thương đa cơ quan, trong đó có tổn thương và phù phổi dẫn đến suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Hiện nay, các bác sĩ đã phân loại dịch bệnh tay chân miệng ở trẻ em 4 mức độ để xác định bệnh nhi có cần nhập viện điều trị hay không.
Mức độ 1, trẻ có các dấu hiệu ở da, niêm mạc bao gồm phỏng nước lòng bàn tay, bàn chân hay ở các nếp gấp như khuỷu tay, đầu gối, mông, kèm theo nốt ở miệng. Ở mức độ 1, bệnh nhi có thể điều trị tại nhà.
Ở mức độ 2, trẻ bắt đầu có biến chứng trên thần kinh và biến chứng tim mạch nhẹ. Độ 2 được phân chia thành 2 phân độ nhỏ: Độ 2A, trẻ có 1 trong các dấu hiệu: Giật mình dưới 2 lần/30 phút và không ghi nhận lúc khám bệnh, sốt trên 2 ngày hoặc sốt trên 39 độ C kèm theo nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ.
Độ 2B, trẻ có dấu hiệu được phân ra nhóm 1 hoặc nhóm 2: Nhóm 1: Trẻ giật mình hơn 2 lần/30 phút hoặc bệnh sử có giật mình kèm theo dấu hiệu: Ngủ gà, nhịp tim nhanh, sốt cao trên 39 độ C không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Nhóm 2: Trẻ có triệu chứng thất điều như run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.
Ở mức độ 3, bệnh tay chân miệng trẻ em có biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng, vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú. Bệnh nhân có nhịp thở nhanh, thở bất thường: có cơn ngưng thở, trẻ thở bụng, thở nông, xuất hiện rút lõm ngực, khò khè, thở rít thanh quản, xuất hiện rối loạn tri giác, tăng trương lực cơ.
Mức độ 4: Bệnh nhi mắc tay chân miệng xuất hiện triệu chứng sốc, phù phổi cấp, tím tái hoặc ngưng thở, thở nấc.
Bác sĩ Văn Quý khuyến cáo, thông thường, các trường hợp đều biểu hiện ở mức độ 1 có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay khi có sốt hoặc phát ban để các bác sĩ đánh giá toàn diện và quyết định trẻ đang ở mức độ nào.
Khi trẻ mắc bệnh, phải cách ly tối đa, không để trẻ tiếp xúc với các bạn khác. Để cung cấp đủ dinh dưỡng do bệnh lý gây loét miệng, cha mẹ cho con ăn loảng như cháo, sữa và tăng đề kháng bằng nước hoa quả, sữa chua.