Trên thực tế, hệ miễn dịch là một hệ thống rộng lớn và phức tạp, trải khắp cơ thể trên hầu hết tất cả các tế bào, các lớp mô hay và các cơ quan. Có thể kể tới như amidan cổ họng, hệ thống tiêu hóa, da, tủy xương, các hạch bạch huyết, lá lách, niêm mạc mỏng bên trong mũi, họng và bộ phận sinh dục…
8 dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch suy yếu
Vai trò chính của hệ miễn dịch là chống lại các tác nhân gây bệnh và ngăn ngừa các bệnh cũ tái phát. Đặc biệt là các yếu tố gây bệnh đến từ môi trường xung quanh như các loại virus, vi khuẩn, các loại nấm hay ký sinh trùng… Khi cơ thể không có hệ miễn dịch hoặc khả năng miễn dịch suy yếu thì nguy cơ mắc phải rất nhiều căn bệnh nguy hiểm một cách dễ dàng, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng.
Người có hệ miễn dịch yếu sẽ thường xuyên đau ốm (Ảnh minh họa)
Do đó, bảo vệ hệ miễn dịch chính là bảo vệ “tấm khiên” sức khỏe của mỗi người. Nếu thấy 8 dấu hiệu này tức là hệ miễn dịch đang suy yếu nhanh và cần được phục hồi, cải thiện:
- Nhiễm trùng tái phát: Cảm lạnh, cúm hoặc nhiễm trùng nấm men thường xuyên có thể là dấu hiệu cảnh báo khả năng miễn dịch của cơ thể đang suy yếu. Theo Viện Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch học Hoa Kỳ, nếu trẻ em cần dùng hơn 4 đợt kháng sinh mỗi năm hoặc người lớn cần nhiều hơn 2 đợt mỗi năm thì đó là dấu hiệu khả năng miễn dịch bị suy yếu.
- Vấn đề về tiêu hóa: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng vi khuẩn và vi sinh vật có lợi trong đường ruột thấp có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể. Nếu các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, đầy hơi hoặc táo bón xảy ra thường xuyên thì đó có thể là dấu hiệu sớm của khả năng miễn dịch bị suy giảm.
- Giảm cân bất thường: Giảm cân không rõ nguyên nhân có thể cho thấy các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và khả năng miễn dịch kém. Nhất là nếu bạn không có thay đổi quá lớn về chế độ ăn uống hay tập luyện.
- Thường xuyên xuất hiện các vấn đề về da: Khi phát hiện phát ban và nhiễm trùng da bất thường, lặp lại liên tục thì rất có thể là do hệ miễn dịch suy yếu. Ở mức độ nhẹ hơn, nhiều người sẽ bị ngứa da, khô da dù uống đủ nước vào bất cứ mùa nào trong năm.
- Vết thương chậm lành: Nếu vết bỏng hoặc vết cắt đột nhiên trở nên lâu lành hơn bình thường, bạn có thể cần tìm lời khuyên của chuyên gia vì đây có thể là dấu hiệu của hệ thống miễn dịch yếu.
- Dị ứng thực phẩm đột ngột: Trở nên nhạy cảm hơn với một số loại thực phẩm và dị ứng thực phẩm đột ngột là dấu hiệu của chức năng miễn dịch bị suy giảm dễ bị bỏ qua.
- Mệt mỏi dai dẳng: Khi hệ thống miễn dịch bị quá tải, con người có thể cảm thấy mệt mỏi mãn tính, tình trạng này có thể không cải thiện ngay cả khi nghỉ ngơi.
- Bệnh tự miễn: Đây là căn bệnh trong đó hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô của cơ thể, các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ và bệnh celiac đều cho thấy hệ thống miễn dịch trong cơ thể đang bị rối loạn chức năng.
5 cách để cải thiện hệ miễn dịch
Nếu nhận thấy cơ thể có 8 dấu hiệu trên, đặc biệt nếu xuất hiện nhiều dấu hiệu cùng lúc thì bạn nên đi khám càng sớm càng tốt. Đồng thời với việc đó, bạn cũng có thể tự cải thiện hệ miễn dịch của mình với 5 lưu ý quan trọng sau đây:
- Nâng cao chất lượng giấc ngủ: Ngủ đủ thời gian và ngủ ngon, sâu giấc hơn sẽ giúp hệ miễn dịch hoạt động trơn tru, cải thiện khả năng miễn dịch. Đặc biệt, nên đi ngủ sớm, ngủ ít nhất 6 tiếng mỗi ngày và 80% thời gian đó nên là ban đêm. Bởi đó là thời điểm tốt nhất để cơ thể phục hồi năng lượng và sửa chữa các tế bào bị tổn thương, hệ miễn dịch được tăng cường.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Hãy cố gắng có một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh. Chế độ ăn uống cân bằng và phong phú phải bao gồm tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết, như vitamin A, vitamin C, vitamin B và các chất dinh dưỡng vi lượng, đa lượng khác. Tăng cường rau củ, chất xơ, protein chất lượng cao, men vi sinh tốt cho đường ruột trong giai đoạn cần phục hồi hệ miễn dịch cũng rất quan trọng.
Bên cạnh ăn uống và vận động, kiểm soát tâm trạng cũng giúp cải thiện hệ miễn dịch (Ảnh minh họa)
- Kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng mãn tính sẽ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm trong cơ thể và ức chế hệ thống miễn dịch. Do đó, bạn hãy học cách kiểm soát căng thẳng bằng những sở thích lành mạnh, rèn luyện lối suy nghĩ theo hướng tích cực. Theo các chuyên gia, các bài tập thở, thiền, tăng giao tiếp xã hội có thể giúp nâng cao sức khỏe tinh thần và cải thiện khả năng miễn dịch.
- Cải thiện lối sống hàng ngày: Bên cạnh ăn uống lành mạnh, hãy điều chỉnh lối sống của mình sao cho khoa học và “thân thiện” với sức khỏe hơn. Ví dụ như bỏ hút thuốc và uống ít rượu bia - 2 yếu tố hàng đầu dẫn đến sự suy giảm hệ miễn dịch. Cũng nên giữ cho môi trường sống - làm việc sạch sẽ, vệ sinh cá nhân mà nhất là rửa tay thường xuyên.
- Tập thể dục thể thao thường xuyên: Vận động đều đặn, nhất là với các môn thể dục thể thao không chỉ tăng cường miễn dịch và giúp duy trì cân nặng hợp lý, mà còn tạo ra các hormone hạnh phúc trong cơ thể, giúp nâng cao tâm trạng và hỗ trợ chống lại căng thẳng. Tuy nhiên, không nên tập quá sức mà chú trọng vào sự đều đặn và lâu dài, nhất là trong giai đoạn hệ miễn dịch suy yếu nên cần cải thiện kẻo gây phản tác dụng.
Nguồn và ảnh: ETtoday, Health People, MSN