1. Chú ý về chế độ dinh dưỡng
Theo Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Trịnh Phượng Kiều, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh việc đưa trẻ đi khám, tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ, cha mẹ cần chú ý về chế độ dinh dưỡng giúp trẻ tăng sức đề kháng trong giai đoạn này.
Bố mẹ nên chuẩn bị cho trẻ những thức ăn mềm, dễ nuốt và dễ tiêu hoá để trẻ có thể ăn được nhiều hơn. Nên cho trẻ ăn nhiều lần trong ngày và chú trọng đến thành phần dinh dưỡng trong các món ăn để bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu cho trẻ.
Bổ sung thêm lượng nước thích hợp cho trẻ, vì trẻ có nguy cơ mất nước do sốt và biếng ăn. Tuyệt đối không nên kiêng cữ quá mức, nên cho trẻ ăn lại bình thường ngay khi trẻ có dấu hiệu giảm bệnh.
ThS. BSCKI Trịnh Phượng Kiều
2. Những lưu ý trong chăm sóc trẻ tay chân miệng
Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Trịnh Phượng Kiều lưu ý cha mẹ cần chú ý thực hiện các biện pháp dưới đây:
Giữ gìn vệ sinh nơi ở và vệ sinh cá nhân trẻ. Trẻ cần được giữ vệ sinh sạch sẽ, tắm trong phòng kín gió cùng xà phòng sát khuẩn.
Các vật dụng sử dụng cho trẻ như bình sữa, dụng cụ ăn uống, đồ dùng sinh hoạt, đồ chơi cần được sử dụng riêng biệt hoặc làm vệ sinh thường xuyên để khử khuẩn.
Xử lý các chất thải, phân đúng nơi và an toàn.
Dùng thuốc đúng cách. Không được tùy tiện cho trẻ dùng các loại thuốc nếu chưa có ý kiến chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp trẻ bị sốt cao, chỉ nên dùng thuốc paracetamol để hạ sốt hoặc các thuốc khác theo đơn của bác sĩ.
Theo BS Mạnh Cường (Nhóm chăm sóc bé khoa học cùng bác sĩ nhi khoa) cha mẹ cần lưu ý khi dùng các thuốc bôi như: Xanh methylen, Kamistad (không nên lạm dụng), glycerin borat, Dizigoat…… thường bôi trước khi ăn 30 phút hoặc cách xa 1 tiếng tránh gây nôn (tùy từng loại). Để tăng sức đề kháng cho trẻ bệnh có thể cho trẻ dùng các loại vitamin giúp tăng khả năng miễn dịch cho trẻ. Ngoài ra, cần chú ý cách chăm sóc trẻ dưới đây:
Tắm rửa hằng ngày cho trẻ bằng nước ấm, có thể hòa loãng các dung dịch sát khuẩn vào nước để tắm cho trẻ. Dùng Xanh – methylen hoặc dung dịch Betadin để chấm lên các nốt phỏng nước sau khi tắm.
Quần áo cho trẻ nên chọn loại vải mềm, rộng rãi, thấm hút mồ hôi.
Cho trẻ tái khám theo đúng chỉ định của bác sĩ.
3. Tham khảo một số món ăn khi trẻ bị tay chân miệng
Nước, sữa và nước trái cây pha loãng
Trong khi con bạn bị tay chân miệng, viêm họng hoặc loét miệng có thể khiến trẻ khó chịu khi ăn uống. Trẻ nhỏ rất dễ bị mất nước, vì vậy điều tốt nhất bạn có thể làm cho con mình là khuyến khích con uống nhiều trong ngày.
Tiếp tục cho bé uống nhiều đồ uống trong ngày. Nước, sữa hoặc nước trái cây đã được pha loãng (một phần nước trái cây đến 10 phần nước). Tránh đồ uống có ga hoặc nước hoa quả chưa pha loãng.
Một cách khác để bổ sung nước cho trẻ là cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ ăn và có nhiều nước. Súp, kem, thạch và trái cây như dưa gang đều là những lựa chọn tuyệt vời.
Trứng tốt cho trẻ bị bệnh tay chân miệng
Trứng
Cơ thể của trẻ cần đủ năng lượng và chất dinh dưỡng để giúp trẻ khỏe hơn, vì vậy nên cho trẻ ăn một số thực phẩm bổ dưỡng như trứng là loại thực phẩm chứa nhiều protein, sắt, vitamin và khoáng chất.
Nước dừa
Nước dừa tươi có chứa chất điện giải, giàu vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác giúp trẻ đủ nước trong thời tiết nóng ẩm này. Trong dừa nước có acidlauric, chloride, và sắt, kali, magiê, canxi, natri, phospho.
Súp, cháo
Món súp hoặc một bát cháo ấm cung cấp một lượng calo giúp trẻ có đủ năng lượng trong cả ngày. Phở, súp rau củ xay nhuyễn hay cháo nấu với trứng luộc mềm, cháo yến mạch âm ấm với mật ong và quả mọng tốt cho trẻ bệnh.
Súp bí đỏ nhiều dinh dưỡng và dễ nuốt khi trẻ bị đau do các vết loét trong miệng.
Đu đủ
Đu đủ là loại trái cây ngọt và mềm không chỉ ăn ngon mà còn được cho là giúp tăng cường miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa và thậm chí giảm căng thẳng.
Sữa chua Hy Lạp với mật ong
Mật ong không chỉ là một chất ngọt ngon mà nó còn được biết đến là có đặc tính kháng khuẩn có thể giúp chữa lành những vết loét miệng và các tổn thương khác trong miệng.
Kết hợp với một số loại sữa chua Hy Lạp mát lạnh chứa đầy các chất dinh dưỡng như protein, canxi, kali, folate và các loại vitamin khác nhau trong bữa ăn nhẹ lành mạnh vào buổi chiều.
Dưa hấu
Dưa hấu là một trong những thực phẩm bổ dưỡng nhất nên ăn khi bị bệnh tay chân miệng. Theo Tiến sĩ Andrew Weil, Giám đốc Trung tâm Y học Tích hợp Arizona tại Đại học Arizona, nên ăn các loại quả mọng và dưa như dưa đỏ hoặc dưa hấu.
Đậu phụ
Đậu phụ mềm cũng là một lựa chọn thay đổi trong chế biến món ăn cho trẻ bị tay chân miệng và là một nguồn cung cấp protein và carbohydrate tốt.
Cách ăn tốt nhất: Hấp với trứng và rau, salad đậu phụ lạnh, trong nước dùng hoặc cháo, om.
Khoai tây nghiền
Một ít khoai tây nghiền là nguồn cung cấp vitamin C, vitamin B6, mangan, phốt pho, niacin và axit pantothenic
Ngoài ra một số thực phẩm lạnh như kem, sinh tố và kem que cũng giúp làm giảm khó chịu. Lưu ý, tránh đồ uống nóng, sô-đa và thức ăn có tính axit tự nhiên như nước cam quýt, kiwi hoặc nước sốt cà chua… vì chúng có thể làm cơn đau khó chịu hơn mặc dù thực phẩm chứa nhiều vitamin C sẽ giúp ngăn ngừa loét miệng.