Theo nhóm nghiên cứu, song song đó, họ cũng tìm ra một phương pháp mới để phát hiện và điều trị các dạng ung thư phổi kháng trị, biết né tránh hệ miễn dịch của cơ thể. 2 nghiên cứu - về vắc-xin ung thư và phương pháp điều trị mới - sẽ được trình bày tại Hội nghị chuyên đề EORTC-NIC-AACR lần thứ 32 diễn ra trong hôm nay 25-10.
Ung thư phổi - dạng ung thư có số ca mắc nhiều nhất và gây tử vong nhiều nhất thế giới - là một trong các bệnh mà vắc-xin của Viện Francis Crick hướng đến - Ảnh minh họa từ Internet
Về vắc-xin ung thư, nó nhắm vào một gene tên KRAS. Trong nhiều bệnh ung thư, gene này bị lỗi hoặc đột biến. Vắc-xin mới tấn công theo 2 mũi: 1 mũi kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại các đột biến gene KRAS phổ biến nhất, 1 mũi là các kháng thể trợ giúp các tế bào đuôi gai quan trọng của hệ miễn dịch, từ đó giúp hệ miễn dịch đủ sức mạnh để tiêu diệt bệnh ung thư.
Trong thí nghiệm trên chuột, khối u phổi của hầu hết chúng đã phát triển chậm đi thấy rõ, thậm chí ở một số con khối u đang thu nhỏ.
Sau 75 ngày, có tới 65% các con chuột được điều trị bằng vắc-xin sống sót, trong khi tỉ lệ ở các con chuột không có vắc-xin chỉ là 15%.
Vắc-xin này còn có giá trị lớn để dự phòng khi những yếu tố để hình thành bệnh ung thư mới khởi động. Các nhà khoa học đã biến đổi khiến một số chuột khác phát triển bệnh ung thư. Chỉ có 5% "thoát ải" một cách tự nhiên. Trong khi đó, nếu tiêm vắc-xin, có tới 40% không hình thành khối u.
Các loại ung thư mà vắc-xin này đã được chứng minh là phù hợp là ung thư phổi, ruột và tuyến tụy. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư phổi đang đứng đầu cả về số ca mắc lẫn số ca tử vong toàn thế giới, khi đem so sánh với tất cả các dạng ung thư khác. Ung thư ruột đang đứng thứ 3 về số ca mắc nhưng đứng thứ 2 về số ca tử vong. Ung thư tuyến tụy ít người mắc hơn nhưng là một dạng "sát thủ", thường chỉ được phát hiện khi đã quá trễ và không còn khả năng cứu sống.