BS CK2 Trần Thanh Linh - được biết đến biệt danh là "bác sĩ 91" sau khi cứu sống bệnh nhân phi công người Anh (BN91) - mới từ Bắc Giang trở về TP.HCM ngày 15/6.
Trước đó, anh cũng có mặt chi viện ở những "điểm nóng" như Đà Nẵng, Gia Lai, Kiên Giang... Tuy nhiên, theo bác sĩ Linh áp lực điều trị bệnh nhân trước đó không là gì so với thực tế tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM hiện nay.
Tóc bác sĩ Linh bạc và trông anh già hơn sau chuỗi ngày điều trị cho bệnh nhân ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19.
Ngày 14/7, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và sự phân công của Sở Y tế TP.HCM, bác sĩ Trần Thanh Linh làm đội trưởng đội chi viện chuyên về hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng của Bệnh viện Chợ Rẫy cùng với 53 thành viên dày dạn kinh nghiệm (gồm 25 bác sĩ và 28 điều dưỡng) đã lên đường nhận nhiệm vụ tại Trung tâm Hồi sức bệnh nhân COVID-19 quy mô 1.000 giường tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 ở TP Thủ Đức.
Bác sĩ Trần Thành Linh coi đây là "trận chiến lớn nhất cuộc đời làm nghề y của mình và cũng mong nó sẽ là trận chiến cuối cùng". Đợt điều trị tại TP.HCM lần này thật sự là thách thức rất lớn. Bởi lẽ, ở Bắc Giang bệnh nhân không nặng và nguy kịch nhiều như ở TP.HCM do họ chủ yếu công nhân, trẻ, không có bệnh nền và ít diễn tiến nguy kịch.
Bác sĩ Trần Thanh Linh lúc mới trở về TP. Hồ Chí Minh sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Bắc Giang hồi giữa tháng 6/2021.
Sau 11 ngày đi vào hoạt động chính thức, áp lực dồn lên vai các y bác sĩ tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 rất lớn, thế nhưng, các anh chị không hề lung lay ý chí.
"Bác sĩ giờ cũng có thể làm công việc của điều dưỡng, điều dưỡng thì làm cả công việc của hộ lý, không phân biệt là nhiệm vụ của người nào với người nào nữa, hỗ trợ được với nhau thì hỗ trợ. Có những lúc báo động bệnh nhân trên lầu ngưng thở, chúng tôi cùng chạy lên. Bây giờ là thành một khối, làm sao giảm thiểu được, có gắng gồng gánh với nhau mà làm", bác sĩ Linh chia sẻ.
Các bác sĩ và điều dưỡng tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 nghỉ ngơi ngay hành lang sau những giờ làm việc căng thẳng.
Hằng ngày, "bác sĩ 91" Trần Thanh Linh liên tục di chuyển giữa các phòng bệnh, kiểm tra tình trạng bệnh nhân, yêu cầu y bác sĩ bổ sung, thay đổi phương thức điều trị linh hoạt, có những ca bác sĩ Linh đánh giá "tình hình này khá tốt, chiều nay có thể rút máy thở, cho thở oxy dòng cao, bệnh nhân này còn trẻ, mới 28 tuổi"… Áp lực điều trị và lo lắng cứu sống cho các bệnh nhân, tóc bác sĩ Linh bạc nhiều hơn và trông anh cũng già hơn trước.
Bác sĩ Trần Thanh Linh đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19.
"Thật sự chúng tôi mệt mỏi chứ. Nhưng những mệt mỏi này so với tình hình hiện tại, chúng tôi không cho phép bản thân gục ngã", bác sĩ Linh nói.
Cũng theo các y bác sĩ tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19, nơi đây không có ranh giới công việc hay khái niệm thời gian. Khi vào "cuộc chiến", tất cả chỉ có một lòng quyết tâm cứu sống và điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Bệnh viện Hồi sức COVID-19 là bệnh viện có quy mô 1000 giường bệnh, trong đó 100 giường hồi sức cho bệnh nhân nguy kịch, 900 giường cho bệnh nhân độ nặng.
Bệnh viện Hồi sức COVID-19 được áp dụng cơ chế điều hành của một bệnh viện trung ương hạng đặc biệt. Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 được quyền xuất cấp kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến của Bộ Y tế lập tại TP HCM, mà không cần xin ý kiến của Bộ.
Ngày 25/7, tròn 10 ngày Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP.HCM thành lập. Dòng tin nhắn ấm áp được các y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đang tham gia công tác điều trị ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19 gửi cho nhau trong group chung: "Từ từ sẽ ổn hơn mà, mọi người ai cũng thấm mệt, thôi cố gắng thêm chút nữa nhé, cùng nhau ráng thêm chút nữa...".