Trước tình hình bệnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, 2 cụm từ "nghi nhiễm" và "cách ly" không còn quá xa lạ đối với mỗi người dân, thậm chí nó còn trở thành nỗi sợ, ám ảnh của nhiều người bởi chẳng ai muốn dính dáng gì đến 2 cụm từ đó cả.
Tuy nhiên, theo BS. Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, 2 cụm từ này sẽ không còn đáng sợ nếu chúng ta hiểu rõ về nó bởi nguyên tắc quan trọng nhất phụ thuộc vào chính tinh thần tự giác của mỗi người. Vậy chúng ta cần làm gì khi nghi nhiễm và cách ly? Thông tin trên mới đây được đăng tải trên trang Lá chắn Virus Corona.
Trong trường hợp bị nghi nhiễm bệnh, chúng ta nên làm gì?
Theo BS. Trần Quốc Khánh, để xác định một người có yếu tố nghi nhiễm COVID-19 phụ thuộc vào một trong ba yếu tố sau:
- Nếu bạn nằm trong diện tiếp xúc với những người dương tính ở Covid-19, thuộc F1, F2, F3...
- Bạn có dấu hiệu nghi ngờ, ví dụ: ho, sốt, khó thở, tức ngực,…
- Hoặc yếu tố dịch tễ, có nghĩa là bạn trở về từ vùng dịch,…
Do đó, nếu đã xác định được mình có những dấu hiệu trên, chúng ta cần làm những việc sau:
- Thứ nhất, tự giác; chủ động cách ly với người thân trong nhà cũng như mọi người.
Khuyến cáo tốt nhất chính là nên đeo khẩu trang, không nói chuyện, không tiếp xúc gần dưới 2 mét, ở phòng riêng, không sinh hoạt ăn uống chung, không tương tác mọi người… để hạn chế tới mức tối đa sự lây lan của chủng virus này.
- Thứ 2, liên hệ với các trung tâm y tế gần nhất (BV Huyện, BV Thành phố, BV tỉnh) để được khám sàng lọc; định hướng nguyên nhân (vì có rất nhiều nguyên nhân gây ho; sốt như sâu răng, viêm họng, viêm tai giữa,…).
Tuy nhiên, cũng theo BS Khánh, người bị nghi nhiễm cần liên hệ trước khi đến và khai báo về tình trạng của bản thân để nhân viên y tế tại đó chuẩn bị tiếp đón.
- Thứ 3, trong quá trình di chuyển đến bệnh viện cần: ưu tiên tự túc đi lại (xe máy, tự lái xe riêng…) hoặc sử dụng loại phương tiện công cộng hạn chế tiếp xúc mọi người nhất có thể (tránh đi xe buýt, ô tô khách, máy bay…).
Ngoài ra, cũng trong quá trình di chuyển cũng nên tự mình dự phòng cho mọi người (dặn người gần mình vệ sinh tay chân, ngồi xa nhất có thể, không đụng chạm, sau thanh toán tiền cần sát khuẩn tay sạch sẽ để tránh lây nhiễm…)
- Thứ 4, khi chưa thể đến ngay bệnh viện hoặc trung tâm y tế mà còn thắc mắc. Mọi người nên gọi trực tiếp tới số điện thoại hoặc đường dây nóng của bộ Y tế để được tư vấn: 19009095 hoặc 19003228.
Với những người dân phải cách ly tại nhà thì nguyên tắc cách ly tại nhà là như thế nào?Tự cách ly luôn cần tính tự giác cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, điều này sẽ không còn là vấn đề khó khăn hay khiến nhiều người trở nên sợ hãi nếu hiểu đúng, hiểu đủ và thực hành nghiêm túc việc tự cách ly. Mà trước hết, điều mỗi chúng ta nên làm trong mọi tình huống chính là bình tĩnh. Bởi chỉ có bình tĩnh mới có thể tỉnh táo tiếp nhận, sàng lọc vấn đề một cách chính xác để hành động đúng.
Ngoài ra, BS. Khánh cũng đưa ra 7 nguyên tắc cách ly tại nhà mà mọi người nên nắm chắc để thực hành khi cần thiết. Bởi ở thời điểm hiện tại, mỗi chúng ta đều có thể là những yếu tố chứa đựng và lây lan mầm bệnh.
1. Tuân thủ cách ly đủ 14 ngày:
Trong khoảng thời gian này, người bị nghi nhiễm COVID-19 cần tuân thủ: Đeo khẩu trang; đeo kính,... Khi bắt buộc phải ra ngoài cần chủ động tránh tiếp xúc, giữ khoảng cách với những người xung quanh.
2. Sinh hoạt khu riêng biệt:
Tuyệt đối không sinh hoạt chung cùng người khác hoặc người nhà (ăn uống, ngủ nghỉ…). Tốt nhất nên ở trong phòng riêng hoặc nhà riêng.
3. Tập thể dục nâng cao thể trạng
Đây là yếu tố quan trọng mà chúng ta cần duy trì, ngay cả khi nhiễm bệnh. Bởi một cơ thể có sức đề kháng tốt sẽ giúp chúng ta phòng ngừa hoặc đẩy lùi được bệnh tật.
Tuy nhiên, với những người đang trong thời gian cách ly cần tập thể dục ở những khu vực riêng biệt, thoáng khí, vắng người qua lại để tránh lây lan mầm bệnh.
4. Giữ gìn vệ sinh chung cho cộng đồng:
Để giảm nguy cơ lây lan cho mọi người, mỗi chúng ta đều cần làm điều này chứ không chỉ riêng người nghi nhiễm bệnh.
- Không khạc nhổ bừa bãi;
- Khi ho hoặc hắt xì hơi cần lấy khăn giấy che và vứt vào thùng rác sau khi dùng;
- Rửa tay thường xuyên, hạn chế để bàn tay của mình tiếp xúc quá nhiều khi ra nơi công cộng như nắm đấm cửa, tay vịn thang cuốn…
5. Xây dựng chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, nhiều hoa quả và rau xanh:
BS Trần Quốc Khánh cho biết, trong giai đoạn nhạy cảm này, mọi người cần xây dựng thực đơn ăn uống chứa nhiều rau xanh; hoa quả, đồng thời tăng cường thêm các gia vị tốt cho hệ miễn dịch như gừng, tỏi, hành, mật ong, sữa chua vi sinh,…. Ngoài ra cần cố gắng ngủ đủ giấc, uống rất nhiều nước và oresol, súc họng mỗi ngày…
6. Giữ tinh thần thoải mái, không hoang mang:
"Covid -19 có tỷ lệ tử vong chỉ ước tính nằm trong khoảng từ 1-2%, do đó mọi người cần tránh hoang mang.", BS. Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Sở dĩ điều này được bác sĩ đề cập tới là bởi, bên cạnh chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý, đầy đủ thì tinh thần chính là yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc tăng cường sức đề kháng của mỗi người.
7. Không cập nhật thông tin cách ly của mình trên mạng xã hội, không phát tán, chia sẻ những điều tiêu cực hoặc tin giả; chưa được kiểm chứng gây hoang mang trong cộng đồng.
Ngoài ra, trong thời gian tự cách ly, nếu mọi người có cái nhìn tích cực hơn sẽ thấy, rõ ràng đây là khoảng thời gian để cho phép bản thân được nghỉ ngơi và làm những việc mình thích.
"Do đó, nếu có thời gian, các bạn nên đọc sách, tập thể dục, chia sẻ điều tích cực, làm việc trên máy tính, nghiên cứu khoa học hoặc chăm sóc bản thân và làm những điều mình thích để tinh thần được thư thái.", BS. Khánh khuyến cáo.
Nguồn: Lá chắn Virus Corona