Bác sĩ chỉ ra những lý do khiến COVID-19 rất nguy hiểm với người cao tuổi, con cháu cần để ý quan tâm

Ngay cả trước khi Covid-19 đến được hơn 100 quốc gia trên thế giới, dữ liệu ban đầu từ Trung Quốc - nơi bùng phát dịch - cho thấy rằng người lớn tuổi là đối tượng dễ bị ảnh hưởng xấu nhất bởi căn bệnh này.

Tuổi tác tuy không nói lên toàn bộ câu chuyện về những người có nguy cơ mắc bệnh nặng nhưng trên thực tế, nó tiết lộ những tổn thương tiềm ẩn trong dân số đối với một căn bệnh như Covid-19. Nhiều yếu tố trong số này tập trung ở những người lớn tuổi.

Việc hiểu các biến số khiến người cao tuổi gặp rủi ro cao nhất trở nên quan trọng hơn để chúng ta, những người con, người cháu biết cách để quan tâm, chăm sóc và bảo vệ những người thân lớn tuổi trong gia đình tốt hơn.

Dưới đây là 3 lý do khiến Covid-19 đặc biệt nguy hiểm đối với người lớn tuổi trong gia đình được TS. BS. Hoàng Minh Đức, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chỉ ra.

1. Chức năng miễn dịch suy giảm theo tuổi tác. Điều đó khiến ông bà, cha mẹ dễ bị bệnh nặng hơn

Khi ông bà, bố mẹ chúng ta già đi, các hệ thống mà cơ thể sử dụng để chống lại bệnh tật bị suy giảm. Cơ thể không chỉ gặp khó khăn hơn trong việc chống lại các bệnh nhiễm trùng mới như Covid-19; nó cũng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi các bệnh mãn tính làm cho hệ thống miễn dịch yếu hơn.

Ở người lớn tuổi, số lượng tế bào bạch cầu tìm thấy và giúp loại bỏ nhiễm trùng có thể giảm. Các tế bào cũng trở nên kém "thành thạo" hơn trong việc xác định những mầm bệnh mới để chống lại. Trong trường hợp của Covid-19, vi rút có thể làm hỏng các tế bào miễn dịch. Nếu số lượng tế bào này bắt đầu ít đi và chúng cũng yếu hơn trước đây, thì bệnh tật có thể gây ra nhiều tổn thương hơn.

Bên cạnh đó, khi phản ứng với nhiễm trùng, hệ thống miễn dịch của người lớn tuổi đối mặt với khả năng cao xuất hiện những phản ứng quá mức nguy hiểm được gọi là cơn bão cytokine. Cytokine là các protein đóng vai trò là tín hiệu cho cơ thể để tăng cường bộ máy chống nhiễm trùng.

Nhưng trong một cơn bão như vậy, các cytokine này được sản xuất quá mức, gây viêm nặng, sốt cao và suy các cơ quan. Nói cách khác, nó không chỉ là một phản ứng chậm chạp với các bệnh nhiễm trùng có thể gây hại cho người lớn tuổi; mà phản ứng thái quá của hệ thống miễn dịch (ở người lớn tuổi) đối với kẻ xâm lược cũng có thể gây tử vong. 

Nguyên nhân gây tử vong của loại virus này (SARS-CoV-2) ở người lớn tuổi, số 1 là suy hô hấp, và sau đó là số 2 có thể là cơn bão cytokine.

Bác sĩ chỉ ra những lý do khiến COVID-19 rất nguy hiểm với người cao tuổi, con cháu cần để ý quan tâm - Ảnh 1.

2. Người lớn tuổi cũng có tỷ lệ mắc bệnh mãn tính cao hơn

Những người lớn tuổi càng sống lâu, các tế bào của họ càng có nhiều khả năng tái tạo theo những cách nguy hiểm, chúng càng tích tụ nhiều thiệt hại và các cơ quan của họ càng có nhiều khả năng ngừng hoạt động bình thường. Điều này khiến người lớn tuổi có nguy cơ cao mắc các tình trạng sức khỏe mãn tính, như ung thư hoặc tiểu đường. Cùng với hệ thống miễn dịch vốn đã suy yếu, những căn bệnh tiềm ẩn này có thể khiến cơ thể khó tránh khỏi nhiễm trùng.

Trong một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Trung Quốc, tỷ lệ tử vong ở những người không mắc bệnh mãn tính chỉ là 1,4%, nhưng con số này lại tăng vọt ở những nhóm có bệnh mãn tính (13,2% đối với những người mắc bệnh tim mạch, 9,2% đối với bệnh tiểu đường, 8,4 % đối với tăng huyết áp, 8,0% đối với bệnh hô hấp mãn tính và 7,6% đối với bệnh ung thư).

Một nghiên cứu khác về Trung Quốc, mới được công bố trên tạp chí The Lancet, cho thấy gần một nửa trong số 191 bệnh nhân nhập viện trong mẫu nghiên cứu có một căn bệnh tiềm ẩn khác.

Điều này là bởi phản ứng miễn dịch dường như kém hơn ở những người có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn (có bệnh mãn tính). Trong báo cáo do phái đoàn của WHO đến Trung Quốc thực hiện cho thấy bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp và bệnh tim mạch - bệnh thường gặp nhất ở người cao tuổi, có tỷ lệ tử vong cao nhất khi mắc Covid-19, sau đó là đến bệnh nhân tiểu đường và cuối cùng là ung thư.

Nhìn chung, các bệnh về đường hô hấp (như Covid-19) có thể đặc biệt nguy hiểm đối với những người mắc bệnh tim mạch. Bởi khi phổi không hoạt động bình thường, tim sẽ phải làm việc nhiều hơn. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết bệnh tiểu đường có thể làm hỏng hệ thống thần kinh và làm giảm nỗ lực của cơ thể để loại bỏ nhiễm trùng khỏi phổi. Các tình trạng như lượng đường trong máu cao liên quan đến bệnh tiểu đường cũng có thể ngăn chặn các tế bào miễn dịch.

Người lớn tuổi có thể ho và hắt hơi kém hiệu quả hơn, khiến họ khó loại bỏ vi rút SARS-CoV-2. Tổn thương phổi tích lũy ở người lớn tuổi do các thói quen như hút thuốc hoặc hít thở không khí ô nhiễm có thể làm tăng khả năng bị tổn thương hơn nữa, vì vậy khi Covid-19 tấn công, nó có thể dẫn đến các vấn đề như viêm phổi nặng.

3. Các yếu tố xã hội đóng một vai trò quan trọng trong tính dễ bị tổn thương đối với bệnh tật của người lớn tuổi

Ngoài sinh lý học, cách xã hội ứng xử với người lớn tuổi đóng một vai trò lớn trong nguy cơ mắc các bệnh như Covid-19. Đồng thời, các biện pháp như giãn cách xã hội và cách ly vẫn là những chiến thuật hiệu quả nhất của chúng ta để che chắn những người dễ bị tổn thương nhất trong đợt bùng phát của Covid-19 nhưng chúng có thể có tác dụng ngược.

Các nhà nghiên cứu Mỹ phát hiện ra rằng ngay cả trước khi có Covid-19, khoảng 1/4 người lớn tuổi cảm thấy bị cô lập với xã hội và 43% cho biết họ cảm thấy cô đơn. Họ có thể bị cô lập về mặt xã hội nhưng không có cảm giác cô đơn hoặc cảm thấy cô đơn nhưng lại không bị cô lập về mặt xã hội. Dù là gì đi chăng nữa, cả hai điều kiện này dường như đều gây hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần của người lớn tuổi trước dịch bệnh.

Tâm lý của người già là tâm lý "trẻ con" - thích được quan tâm, nói chuyện. Do đó, đây là điều mà những thành viên khác trong gia đình cần đặc biệt chú ý nếu muốn bảo vệ sức khỏe cả thể chất và tinh thần của nhóm đối tượng này.

Một vấn đề khác là cách người lớn tuổi tương tác với hệ thống chăm sóc sức khỏe. Như đã đề cập trước đó, người già có xu hướng mắc nhiều bệnh mãn tính hơn, do đó đòi hỏi các can thiệp sức khỏe thường xuyên hơn hoặc điều trị liên tục ở những nơi như viện dưỡng lão.

Việc giãn cách xã hội hoặc cách ly để hạn chế sự lây lan của Covid-19 cũng có thể cản trở việc chăm sóc các bệnh mãn tính này ở người lớn tuổi, đặc biệt khi những người cung cấp dịch vụ chăm sóc bắt đầu giữ khoảng cách với họ. Khi Covid-19 trở nên phổ biến, có thể không phải (người lớn tuổi) bị bệnh, mà là người đến nhà chăm sóc họ hàng ngày bị mắc bệnh thì người già có nhiều nguy cơ bệnh trở nặng hơn.

Bác sĩ chỉ ra những lý do khiến COVID-19 rất nguy hiểm với người cao tuổi, con cháu cần để ý quan tâm - Ảnh 2.