Phòng dịch Corona từ ăn uống
Bổ sung vitamin C đúng cách
Theo TS BS Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia, dịch nCoV đang gia tăng mọi người nên tăng sức đề kháng để giảm nguy cơ mắc bệnh. Có thể ăn đa dạng thực phẩm và tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A và vitamin C.
Những ngày qua, vì lo sợ dịch bệnh, nhiều người đã đi mua viên uống vitamin C nhưng điều này có thể gây thừa thãi.
Bác sĩ Lại Thanh Hà, Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Thanh Nhàn, Vitamin C tham gia vào tất cả các phản ứng trao đổi chất của cơ thể. Con người không thể tổng hợp vitamin C vì vậy chúng ta phải bổ sung vitamin C từ nguồn thức ăn đưa vào. Chủ yếu vitamin C có nhiều trong rau xanh, hoa quả tươi.
Nếu cơ thể thiếu vitamin C sẽ gây ra các biến chứng chảy máu chân răng, dễ bị nhiễm trùng, lâu lành vết thương ngoài da. Vitamin C thường thiếu ở người nhiễm trùng kéo dài, nằm viện kéo dài do chế độ ăn không có rau xanh. Vitamin C đã được chứng minh tăng sức đề kháng, miễn dịch của cơ thể.
Ngoài ra, vitamin C còn có đặc tính oxy hóa giúp bảo vệ tế bào tránh được các gốc tự do trong cơ thể. Vitamin C được kê uống trong trường hợp cơ thể có nhiễm trùng, bệnh ung thư, bệnh dị ứng, trường hợp ngộ độc, nghiện thuốc lá, nghiện rượu. Liều lượng dùng vitamin C được khuyến cáo 0,2-0,5g/ngày.
Tuy nhiên, bác sĩ Hà khuyến cáo không nên uống quá 1g/ngày. Nếu uống quá vitamin C thì nguy cơ tạo sỏi thận, sỏi oxalat khá cao. Vitamin C khi thừa có thể gây ra hội chứng chảy máu, rối loạn tiêu hóa. Khi sử dụng bổ sung vitamin C cần có sự tư vấn của bác sĩ.
Vì với chế độ ăn có rau xanh, hoa của tươi trong bữa ăn hàng ngày có thể đủ nhu cầu. Cụ thể, 100g rau ngót 185g vitamin C, 100g bưởi 70g vitamin C. Khi sử dụng vitamin C bác sĩ sẽ cân đối lại chế độ ăn để sử dụng thuốc đúng liều lượng.
Virus corona đã vào Việt Nam gây ra viêm đường hô hấp tiến triển thành viêm phổi cấp. Phòng bệnh, tránh phơi nhiễm với mần bệnh: đeo khẩu tranh, rửa tay, tránh tiếp xúc nơi đông ngưòi, ăn đồ chín. Vitamin C không phải là yếu tố 100% có thể phòng ngừa được bệnh.
Có thể lây bệnh từ hắt hơi
Tại Việt Nam tính đến ngày 3/2 đã ghi nhận 8 trường hợp mắc virus corona, trong đó, có 1 trường hợp mới xét nghiệm dương tính ngày 2/2. Cả nước đã có tổng số 304 trường hợp nghi ngờ đã được cách ly theo dõi, trong đó có 214 trường hợp đã xét nghiệm loại trừ, còn 90 trường hợp nghi ngờ đang được cách ly điều trị chờ kết quả xét nghiệm, phòng chống lây nhiễm tại cơ sở y tế. Số tiếp xúc gần đang theo dõi là 270 trường hợp.
Bác sĩ Trần Thu Nguyệt – Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết mỗi lần hắt hơi, bạn tạo nên một "đám mây" những giọt bắn ra xung quanh. Những giọt lớn có thể bắn xa 2m, còn hầu hết những giọt khác nhỏ hơn có thể bắn xa tới 8m. Hầu hết những người gần bạn trong vòng 2m sẽ nhiễm những giọt bắn lớn, những người xa hơn trong vòng 8m nhận những giọt bắn nhỏ hơn. Và nCoV nằm trong các giọt bắn lớn. Một phần nCoV trong các giọt bắn sẽ lưu lại trên bề mặt xung quanh: mặt bàn, ghế, tài liệu, đồ dùng, tay nắm cửa, cốc chén...
Người lành có thế lây nhiễm nCoV qua tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn lớn, hoặc chạm vào các bề mặt bị nhiễm nCoV và mang theo nCoV lên miệng, mũi của mình.
Vì thế, bác sĩ Nguyệt khuyến cáo đang mùa dịch, nếu thấy người khác ho, hắt hơi, hãy quay đi và từ từ lùi xa khỏi họ ít nhất là 2m, hoặc tốt nhất là bước ra phòng khác.
Bác sĩ Nguyệt cũng nhấn mạnh người dân nên biết cách ho và hắt hơi đúng cách. Tốt nhất là ho, hắt hơi vào 1 khăn giấy dùng một lần, sau đó gập lại, vứt vào thùng rác an toàn, có nắp đậy. Dùng khẩu trang che kín mũi, miệng khi ho, hắt hơi.
Nếu không có sẵn khăn giấy dùng một lần hoặc khẩu trang, hãy làm theo cách sau đây: Đặt tay lên vai đối diện; Ho hoặc hắt hơi vào mặt trong tay áo, phần khuỷu tay. Sau đó, nhanh chóng rửa tay sạch bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc chà tay với nước rửa tay chứa cồn sau khi ho, hắt hơi.
Tuyệt đối không lấy tay che miệng khi ho, hắt hơi vì sẽ làm tay bạn nhiễm virus, gây lây nhiễm cho bất cứ chỗ nào tay bạn chạm vào, không nên hắt hơi thoải mái không che chắn ra xung quanh.