Bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa Trần Hữu Ngọc (Bệnh viện đa khoa Hùng Vương) cho biết, bệnh ung thư dạ dày là một trong 5 bệnh ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Tại Việt Nam, chỉ tính riêng năm 2018 có hơn 17 nghìn ca mắc mới và hơn 15 nghìn trường hợp tử vong vì căn bệnh này.
Ông cũng chỉ ra những người có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao nhất. Bao gồm: nam giới trên 40 tuổi, những người hút thuốc lá hoặc lạm dụng rượu bia, người ăn uống không lành mạnh, người sống trong gia đình có tiền sử mắc ung thư và người mắc các bệnh liên quan đến dạ dày.
5 thói quen giúp phòng tránh ung thư dạ dày
Nếu nằm trong 5 nhóm có nguy cơ cao vừa kể trên, việc tầm soát ung thư sớm, khám sức khỏe định kỳ là cần thiết để phát hiện cũng như điều trị kịp thời bệnh ung thư dạ dày. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta cần rèn luyện những thói quen tốt để “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Có 5 thói quen mà bất cứ ai trong chúng ta đều cần hình thành càng sớm càng tốt nếu như muốn bệnh ung thư dạ dày tránh xa:
Ăn uống lành mạnh
Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia sức khỏe, cách mà bạn ăn uống có quyết định lớn nhất tới sức khỏe dạ dày của bạn. PGS Lưu Điện Cương (Bệnh viện Tuyên Vũ, Trung Quốc) nhấn mạnh, việc đầu tiên bạn cần làm khi muốn phòng bệnh dạ dày là tránh xa thực phẩm có hại với dạ dày. Bao gồm: thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn quá mặn, món ăn quá nhiều dầu mỡ, thực phẩm lên men, đồ cay nóng…
Cùng quan điểm này, bác sĩ Trần Hữu Ngọc cũng khuyến nghị bổ sung các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe dạ dày như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt… Nên ăn uống đúng giờ, đủ 3 bữa một ngày, rèn luyện thói quen ăn chậm nhai kỹ và tuyệt đối không nhịn ăn nhưng cũng không bao giờ ăn quá no để bảo vệ dạ dày.
Tập thể dục đều đặn
Nghiên cứu của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ chỉ ra rằng, những người những người tập thể dục trong một thời gian dài có nguy cơ mắc 13 bệnh ung thư thấp hơn đáng kể, bao gồm cả ung thư dạ dày. Nghiên cứu này đã thu thập dữ liệu sức khỏe của 1,44 triệu người ở Hoa Kỳ và Châu Âu trong 18 năm.
Lý do là vì tập thể dục có thể kiểm soát cân nặng, và nếu bạn tránh xa béo phì, tỷ lệ mắc ung thư dạ dày sẽ giảm. Đồng thời, tập thể dục có thể tăng cường khả năng miễn dịch nên sẽ giảm nguy cơ mắc ung thư.
Bác sĩ Trần Hữu Ngọc nhấn mạnh, việc quan trọng trong tập luyện để tăng cường sức khỏe là sự đều đặn thay vì độ khó hay lượng calo đốt được mỗi ngày. Bạn chỉ cần tập luyện khoảng 30 phút mỗi ngày nhưng hãy duy trì nó mỗi ngày hoặc một vài ngày mỗi tuần và thời gian kéo dài càng lâu càng tốt.
Tránh xa rượu và thuốc lá
Uống bia rượu và hút thuốc là những yếu tố nguy cơ cao khiến bệnh ung thư dạ dày tấn công bạn. Nghiên cứu lâm sàng thuộc Đại học Tokyo (Nhật Bản) tháng 5/2020 đã chỉ ra uống bia rượu và đột biến gen là hai yếu tố quan trọng khiến người châu Á dễ mắc ung thư dạ dày.
Bác sĩ Lưu Điện Cương giải thích, đó là do sự tác động của acetaldehyde trong rượu bia cũng như đồ uống có cồn nói chung làm tổn thương dạ dày. Ông cho biết thêm, rượu bia còn làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư khác như ung thư gan, ung thư miệng, ung thư thực quản, ung thư vú… Cũng giống như hút thuốc lá không chỉ gây ung thư phổi mà còn dẫn tới ung thư dạ dày nhưng ít ai biết.
Ảnh minh họa
Nghiên cứu năm 2020 của Bệnh viện Ung thư Đại học Bắc Kinh cho thấy thuốc là một yếu tố quan trọng làm tăng tỷ lệ mắc và tử vong của ung thư dạ dày. Hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày lên 72% và nguy cơ tử vong lên 101%.
Bởi vì theo Tổng hội Y khoa Hoa kỳ, khói thuốc lá chứa 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Trong đó nổi bật nhất là hydrocacbon thơm đa vòng và nitrosamine.
Duy trì tâm trạng ổn định
Theo bác sĩ Trần Hữu Ngọc, căng thẳng chính là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ bị ung thư dạ dày. Do đó, bạn nên giữ tinh thần tích cực, vui vẻ.
Nên cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, sao cho tinh thần không quá mệt mỏi. Có thể áp dụng một số biện pháp giúp giảm căng thẳng lành mạnh như tập yoga, thiền, đi bộ, nghe nhạc, nấu ăn… hay làm những việc bạn yêu thích. Cũng cần nuôi dưỡng lối suy nghĩ tích cực, học cách kiềm chế cơn giận, có người chia sẻ tâm sự thay vì tự giữ kín rồi chịu đựng một mình.
Điều trị dứt điểm bệnh lý dạ dày
Để phòng bệnh ung thư dạ dày cũng như tất cả các loại ung thư khác, bác sĩ Trần Hữu Ngọc nhắc nhở rằng chăm sóc y tế sớm là vô cùng quan trọng. Bạn cần tuyệt đối không chủ quan, coi thường bệnh tật mà phải chủ động khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần mỗi năm.
Nếu phát hiện ra các bệnh lý về dạ dày, bạn không nên chủ quan mà hãy điều trị để khỏi dứt điểm những căn bệnh này. Đặc biệt là đối với vi khuẩn Helicobacter pylori, viêm loét dạ dày mãn tính… Trong quá trình điều trị cần tuân thủ theo những chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý dừng thuốc, lạm dụng thuốc khiến việc điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn.
Dấu hiệu phát hiện sớm bệnh ung thư dạ dày
Bác sĩ Trần Hữu Ngọc chia sẻ, việc phát hiện sớm có vai trò quyết định trong hiệu quả điều trị bệnh ung thư dạ dày. Nhưng tại Việt Nam hiện nay do rất nhiều lý do khác nhau nhưng phần lớn vẫn là do sự chủ quan, ngại đi khám bệnh, coi thường bệnh tật nên tỷ lệ phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn còn cao. Từ đó khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kém, kinh phí điều trị lớn.
Ảnh minh họa
Vì vậy, ông nhắc nhở mỗi chúng ta cần đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu sớm của bệnh ung thư dạ dày sau đây:
- Đầy bụng
- Cảm giác đau hoặc tức vùng thượng vị, quanh rốn
- Chán ăn, ăn không ngon.
- Mệt mỏi, gầy sút cân không rõ nguyên nhân
- Ợ chua, ợ hơi.
- Nôn ra máu
- Đi ngoài phân đen thường xuyên
Tất cả các dấu hiệu trên, khi ở giai đoạn sớm đều rất mơ hồ, không rõ ràng, không đặc hiệu, có thể gặp trong rất nhiều bệnh lý khác nhau. Nên tuyệt đối không được chủ quan mà cần đi khám ngay dù chỉ xuất hiện 1 dấu hiệu bất thường lặp lại trong vài ngày.
Nguồn và ảnh: Lotus, Sohu, Sina