Bác sĩ tiêu hóa cảnh báo bệnh "khó nói" nhiều người mắc phải do ăn đồ nóng quá nhiều trong dịp Tết

Chế độ ăn uống là một trong những yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến bệnh trĩ, đặc biệt là trong dịp Tết.

Dân gian có câu "thập nhân cửu trĩ' nghĩa là cứ mười người thì chín người mắc bệnh trĩ. Vậy liệu rằng chúng ta đã hiểu rõ bản chất của bệnh lý này chưa, đặc biệt trong dịp Tết đến Xuân về, liệu chế độ ăn uống thay đổi có gây ra bệnh này không?

Bác sĩ Trần Trọng Tân

TÁC GIẢ BÀI VIẾT

  • Khoa Ngoại Tiêu hoá - Bệnh viện Nhân Dân Gia Định

Trĩ bản chất là các đám rối tĩnh mạch ở vùng hậu môn - trực tràng (đoạn cuối của ống tiêu hoá). Khi chúng bị sưng nề khiến các búi trĩ này sa ra ngoài, chảy máu,….gây khó chịu cho người bệnh. Đây là bệnh lý lành tính, không có nguy cơ hoá ác.

Các triệu chứng khiến người bệnh khó chịu là khối sa ra ngoài hậu môn, chảy máu đỏ tươi khi đi cầu, tiết dịch vùng hậu môn và đau. Về phân loại gồm có trĩ nội, trĩ ngoại và dạng trĩ hỗn hợp. Mức độ biểu hiện của bệnh cũng đa dạng từ một khối phồng sa ra ngoài gây khó chịu đến có thể mất máu nặng do trĩ chảy máu.

Đối với các búi trĩ không gây bất cứ triệu chứng gì thì không cần can thiệp, trong trường hợp búi trĩ gây phiền toái người bệnh nên đến các cơ sở y tế có uy tín, chuyên khoa về ngoại khoa ống tiêu hoá để được tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Bác sĩ tiêu hóa cảnh báo bệnh khó nói nhiều người mắc phải do ăn đồ nóng quá nhiều trong dịp Tết - Ảnh 2.

Có nhiều cơ chế và nguyên nhân gây bệnh như: táo bón lâu ngày do các bệnh lý bẩm sinh hay chế độ ăn uống không hợp lý (ăn ít chất xơ, rau xanh, ăn nhiều gia vị cay nóng, ít uống nước, uống quá nhiều bia rượu…) và chế độ sinh hoạt không điều độ (căng thẳng quá mức, không tập luyện thể dục thể thao…), ngồi hoặc đứng trong thời gian dài, béo phì, mang vác nặng, các dạng trĩ đặc biệt trên người mang thai hoặc bệnh lý gan mạn. Trong đó chế độ ăn uống sinh hoạt đóng vai trò đầu tiên và rất quan trọng trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh.

Trong dịp Tết này khi c hế độ ăn uống, tập luyện bị thay đổi ít nhiều khi mà lượng bia, rượu, đồ ăn cay, nóng nạp vào cơ thể nhiều hơn ngày thường, ít vận động hơn, chế độ nghỉ ngơi xáo trộn. Dễ dẫn đến thay đổi tần suất đi vệ sinh, táo bón, là điều kiện mắc bệnh trĩ.

Bác sĩ tiêu hóa cảnh báo bệnh khó nói nhiều người mắc phải do ăn đồ nóng quá nhiều trong dịp Tết - Ảnh 3.

Nên ăn uống: Ăn nhiều rau xanh, hoa quả chứa chất xơ, có tính mát, có tác dụng làm mềm phân như rau má, đậu bắp, bí đỏ, rau lang, khoai lang, bơ, chuối, thanh long, các loại đậu.

Nên tránh dạng chiên xào nhiều dầu mỡ, hạn chế các loại thực phẩm nóng như củ hành, kiệu, bia, rượu. Bổ sung thêm nước lọc (trên 2 lít/ngày), sữa chua.

Duy trì thói quen đi tiêu mỗi ngày. Cũng đừng nghĩ Tết là "ăn chơi tẹt ga", hãy dành 30 phút/ngày để vận động như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, gym,…

Nếu trong dịp Tết mà bị các triệu chứng bệnh trĩ, đừng xem thường tự ý mua thuốc, điều trị theo kinh nghiệm dân gian tránh tình huống can thiệp trễ dẫn đến các hệ quả không đáng có. Hãy đến các cơ sở y tế có uy tín để được thăm khám sớm nhất.