Bỏ bữa sáng
Bữa sáng được nhiều chuyên gia sức khoẻ đánh giá là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, nhất là với các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Một số nghiên cứu quy mô nhỏ cho thấy nếu các bệnh nhân mắc tiểu đường bỏ bữa sáng, lượng đường trong máu cả ngày của họ sẽ cao hơn bình thường. Điều này là do việc bỏ bữa sáng có thể ức chế chức năng tế bào của tuyến tụy, nơi sản xuất insulin điều hòa đường huyết.
Theo chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Lynn Grieger, ăn bữa sáng thôi là không đủ để giữ lượng đường trong máu. Chuyên gia này gợi ý mọi người nên ăn bữa sáng cân bằng các nhóm chất, ít tinh bột, kết hợp cả rau xanh và các nguồn đạm lành mạnh.
Lười vận động
Ảnh minh hoạ
Tập thể dục là việc cần thiết để kiểm soát bệnh tiểu đường, duy trì cân nặng khoẻ mạnh, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Hoạt động thể chất làm tăng độ nhạy insulin trong cơ thể, giúp loại bỏ glucose khỏi máu và sử dụng nó làm năng lượng. Theo một đánh giá, những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể giảm sự phụ thuộc vào thuốc hạ đường huyết bằng cách tập thể dục thường xuyên.
Ngược lại, lười vận động lại khiến lượng đường trong máu tăng cao. Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy chỉ cần giảm vận động trong 3 ngày sẽ làm tăng đường huyết ở người khoẻ mạnh. Để đảm bảo hiệu quả và an toàn trong quá trình tập luyện, bạn có thể kiểm tra lượng đường trong máu trước và sau khi tập thể dục, tránh việc để lượng đường trong máu xuống mức quá thấp.
Thường xuyên để đầu óc căng thẳng
Theo bác sĩ người Mỹ Gregory Dodell, căng thẳng làm tăng nồng độ cortisol - loại hormone chống stress, giảm độ nhạy insulin và từ đó khiến đường huyết tăng vọt.
Bác sĩ Gregory Dodell nhận định bạn hoàn toàn có thể quản lý mức độ stress. Khi cảm thấy sự căng thẳng lên đến đỉnh điểm, hãy đi bộ 5 phút hay hít thở sâu 10 lần để thở chậm lại. Dodell gợi ý mọi người nên duy trì những thói quen tốt cho sức khỏe tinh thần như tập thể dục hoặc thiền hàng ngày.
Ảnh minh hoạ
Ngủ ít
Theo Tổ chức giấc ngủ Hoa Kỳ, phần lớn các nghiên cứu liên quan đến bệnh tiểu đường đều cho kết quả: Thiếu ngủ dẫn đến lượng đường trong máu tăng đột biến. Tổ chức này khuyến nghị cả người khoẻ mạnh và bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 đều nên ngủ 7-9 tiếng với người trưởng thành và 7-8 tiếng với người từ 65 tuổi trở lên.
Đại diện Tổ chức giấc ngủ Hoa Kỳ cho biết thiếu ngủ kích hoạt giải phóng cortisol, tác động đến hormone insulin và quá trình stress oxy hóa, ảnh hưởng đến đường huyết ở người tiểu đường và nguy cơ kháng insulin ở người bình thường.
Bác sĩ Gregory Dodell giải thích thêm, việc ngủ ít còn làm tăng hormone gây đói, kích thích bạn ăn đêm và khó theo đuổi chế độ ăn lành mạnh. Vậy nên bác sĩ người Mỹ lưu ý bệnh nhân tiểu đường nên chú ý đến đường huyết sau những đêm mất ngủ.
Ảnh minh hoạ
Ngoài việc hạn chế các thói quen trên, để duy trì lượng đường trong máu ổn định, bạn nên hạn chế các thực phẩm giàu carb (như cơm trắng, bánh mì trắng,...), đồ uống có chất tạo ngọt nhân tạo, thực phẩm giàu chất béo bão hoà (phô mai, thịt đỏ, đồ chiên rán, đồ nướng,...). Đồng thời uống nhiều nước hơn vì khi cơ thể thiếu nước cũng làm tăng tiết hormone căng thẳng kháng insulin, không tốt cho thận và bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, đạm thực vật, cá béo hoặc thịt trắng,...
Theo EverydayHealth