COVID-19 ở trẻ em nguy hiểm như thế nào?
Khi có nhiều trẻ mắc bệnh, tỷ lệ mắc COVID-19 nặng ở trẻ em cũng sẽ tăng lên. Trẻ mắc COVID-19 có nguy cơ tiến triển thành hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) với đặc điểm là tình trạng viêm có thể phát triển ở bất cứ cơ quan nào trong cơ thể, bao gồm tim, phổi, thận, não, mắt, da hoặc các cơ quan tiêu hóa.
Trẻ có bệnh nền (bệnh tim, phổi, ung thư, béo phì) có nguy cơ cao tiến triển thành MIS-C nếu mắc COVID-19. Tuy nhiên, yếu tố chính xác gây ra hội chứng MIS-C vẫn chưa được rõ ràng vì một số trẻ khỏe mạnh cũng có nguy cơ mắc hội chứng này.
Trẻ em cũng có khả năng mắc chứng COVID-19 kéo dài. Một nghiên cứu gần đây ở Thụy Sỹ cho thấy 4% trẻ mắc COVID-19 có triệu chứng kéo dài hơn 12 tuần. Triệu chứng thường gặp nhất ở trẻ em là mệt mỏi, mất tập trung và thèm ngủ.
Người lớn tiêm vắc xin COVID-19, trẻ em sẽ an toàn.
Cuối cùng là nguy cơ tử vong do COVID-19 ở trẻ em. Theo thống kê, khoảng 0,26% số ca tử vong do COVID-19 ở Hoa Kỳ là trẻ em và có 0.03% trẻ nhiễm COVID-19 đã tử vong. Số phần trăm này tuy nhỏ nhưng so với số ca nhiễm khổng lồ ở Hoa Kỳ thì có hơn 4 triệu trẻ mắc COVID-19 và 10.628 trẻ tử vong.
Hiện, số ca mắc COVID-19 là trẻ em đang gia tăng. Trong vòng 2 tuần (từ 1-15/7/2021), số trẻ nhiễm COVID-19 ở Hoa Kỳ tăng 1%, tức là 43.033 ca chỉ trong vòng 2 tuần.
Mối nguy từ các biến thể mới
Một vấn đề đáng quan ngại là các biến thể mới và nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 (virus gây ra COVID-19). Trẻ em chưa đủ tuổi hoặc trẻ có bố mẹ không đồng ý tiêm là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Về bản chất, virus sẽ đột biến khi nhân lên trong cơ thể người. Vì vậy, càng lây được nhiều người, virus càng dễ đột biến và tạo ra các biến thể.
Theo các chuyên gia dịch tễ, hầu hết các biến thể của virus không thể cạnh tranh với chủng đang lưu hành. Tuy nhiên, nguy cơ các chủng mới dễ lây lan và gây bệnh nặng hơn vẫn tồn tại. Hiện tại, biến thể nguy hiểm nhất là Delta với khả năng lây nhiễm nhanh hơn. Mặc dù độc lực của virus không thay đổi nhưng lại làm cho nhiều người trẻ phải nhập viện hơn.
Người lớn tiêm vắc xin giúp bảo vệ đối tượng có nguy cơ cao
Tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, nếu có đủ điều kiện thì hãy tiêm vắc xin ngay khi có thể. Việc gia tăng ca mắc ở một nhóm đối tượng có thể làm tăng ca mắc ở các nhóm khác. Mặc dù có nguy cơ thấp, nhưng số trẻ em mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng từng ngày. Điều này làm tăng một số rủi ro cho trẻ.
Theo các chuyên gia y tế, vắc xin là biện pháp quan trọng để kiểm soát đại dịch. Tiêm vắc xin giúp hạn chế sự lây truyền và bảo vệ những người không đủ điều kiện tiêm chủng, đặc biệt là trẻ em.