Nguy kịch khi chơi cầu trượt bị tai nạn
Ngày 30/12, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, thời gian qua đã có nhiều trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích vì gặp những tai nạn ngoài ý muốn khi chơi tại sân chơi hoặc các khu vực vui chơi. Đặc biệt trong những ngày gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị tích cực cho một trường hợp cháu bé 03 tuổi suy hô hấp, ngừng thở, ngừng tim do bị dây mũ áo vướng vào cầu trượt thắt ngang cổ.
Khai thác bệnh sử, gia đình cho biết, trẻ đang chơi cầu trượt ở tư thế trượt xuống thì không may mũ áo của trẻ bị mắc vào thành của cầu trượt, dây lồng trong viền mũ rút lại, khiến trẻ bị giữ ở tư thế ngạt thở. Sau khoảng 10 phút trẻ mới được phát hiện trong tình trạng tím tái, ngừng thở.
Ngay lập tức, trẻ được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu ngừng tuần hoàn và đặt nội khí quản, sau đó chuyển đến Khoa Cấp cứu và Chống độc - Bệnh viện Nhi Trung ương. Trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, co giật, xuất tiết nhiều đờm dãi qua ống nội khí quản. Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành các biện pháp cấp cứu, hồi sức tích cực để cứu trẻ.
Tuy nhiên, hiện tại bệnh nhi có tiên lượng rất nặng nề, suy hô hấp, suy chức năng đa cơ quan, nguy cơ di chứng thần kinh do thời gian ngừng tuần hoàn ngoại viện kéo dài gây thiếu oxy lên não.
Bệnh nhi được các bác sĩ theo dõi sát sao. Ảnh BVCC
Các nguy cơ và biện pháp phòng tránh tai nạn do dây rút quần áo
Nguy cơ:
- Ngạt thở hoặc siết cổ: Dây rút ở mũ hoặc cổ áo có thể siết vào cổ khi trẻ chơi hoặc mắc vào thiết bị như cầu trượt, xích đu.
- Bị kẹt hoặc mắc dây: Dây rút có thể mắc vào cửa, thang máy, hoặc các thiết bị vui chơi, gây tai nạn hoặc kéo trẻ ngã.
- Té ngã: Dây rút dài ở quần có thể quấn vào chân hoặc mắc vào vật cản khi trẻ di chuyển, dẫn đến té ngã.
Cách phòng tránh:
- Tránh cho trẻ mặc áo có dây rút ở vùng cổ, mũ, hoặc dây quá dài ở quần.
- Ưu tiên cho trẻ mặc quần áo có khóa kéo, nút bấm hoặc thun co giãn thay cho dây rút.
- Giám sát khi trẻ vui chơi.
Các biện pháp sơ cứu khi phát hiện trẻ bị giây rút làm nghẹt thở. Ảnh BVCC
Nâng cao nhận thức và học cách sơ cứu kịp thời cho trẻ
Theo BSCKII. Nguyễn Tân Hùng - Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương), khu vui chơi trẻ em là địa điểm để trẻ em vui chơi và phát triển thể chất. Tuy nhiên cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cho trẻ nếu không được giám sát và thiết kế an toàn. Để giảm thiểu những rủi ro đáng tiếc, việc nâng cao nhận thức và thực hiện các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích là vô cùng cấp thiết đối với gia đình, nhà trường và cộng đồng.
Tùy từng loại tai nạn thương tích mà người lớn có thể áp dụng cách sơ cứu khác nhau. Nếu trẻ không ngừng tim mà có những vết thương chảy máu thì việc đầu tiên là băng bó vết thương, nếu trẻ gãy xương thì cố định xương gãy.
Nếu trẻ có dấu hiệu ngừng thở, thiếu oxy, chúng ta cần kích thích xem trẻ có đáp ứng hay không, có tuần hoàn không; sau đó gọi hỗ trợ từ những người xung quanh; Đánh giá đường thở, khai thông đường thở, nếu trẻ không thở thì ngay lập tức thực hiện ép tim, thổi ngạt. Tất cả các tai nạn thương tích ở trẻ, cần được sơ cứu đúng cách và đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.