Theo thống kê, trên thế giới, mỗi năm ghi nhận khoảng 12,2 triệu người bị đột quỵ não, trong đó khoảng 16% là người trẻ từ 15 đến 49 tuổi. Tại Việt Nam, hàng năm, có khoảng gần 200.000 người bị đột quỵ. Đáng chú ý, vào mùa đông, thời tiết lạnh, tỷ lệ bệnh nhân bị đột quỵ có xu hướng gia tăng.
Đột quỵ có xu hướng gia tăng trong mùa lạnh. Ảnh minh họa.
Lý giải về điều này, BS Nguyễn Ngọc Uyển, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, tổng hợp nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, việc tiếp xúc với lạnh là yếu tố nguy cơ thúc đẩy sự gia tăng đột quỵ não, cả đột quỵ chảy máu não và đột quỵ nhồi máu não.
Một số cơ chế bệnh sinh của vấn đề này như: Sự thay đổi theo mùa và nhiệt độ tác động tới các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tăng đường huyết, tăng lipid máu, rung nhĩ làm gia tăng nguy cơ đột quỵ.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, vào mùa đông, đột quỵ hay xảy ra vào buổi sáng sớm. Nguyên nhân là do khi thức dậy vào buổi sáng, cơ thể sẽ chuyển từ tư thế nằm sang tư thế vận động, làm thay đổi nồng độ các hormone.
Các hormone này gây ra hai tình trạng, thứ nhất là tăng nhịp tim và tăng huyết áp, thứ hai là làm tăng trương lực của động mạch. Khi tăng huyết áp sẽ tăng nhu cầu oxy cho cơ tim, làm cho cơ tim không được ổn định, tăng nguy cơ tổn thương các mảng xơ vữa động mạch.
Nếu các mảng xơ vữa bị vỡ, bong sẽ kích hoạt tiểu cầu gây ra huyết khối gây tắc mạch não dẫn đến tình trạng đột quỵ thiếu máu não cấp.
Những lưu ý khi thức dậy để tránh nguy cơ đột quỵ
Không mở cửa ra ngoài lạnh đột ngột
Theo quan điểm của Đông y, đột quỵ được gọi là trúng phong. Trúng phong có nguyên nhân từ nội phong và ngoại phong. Ở một số người, nhất là người cao tuổi, người có bệnh nền, tăng huyết áp, nguyên nhân chủ yếu là nội phong, tức là khi cơ thể suy yếu thì các tạng phủ trong người hoạt động không còn cân bằng nữa.
Còn ngoại phong là yếu tố tác động bên ngoài như thời tiết, nhiều gió và lạnh. Vì vậy, khi dậy sớm, ra ngoài trời lạnh đột ngột rất dễ bị ngoại phong tác động, dẫn đến đột quỵ.
Không tập thể dục quá sớm
Theo bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Hội Bệnh Mạch Máu Việt Nam, một trong những sai lầm khi tập luyện trong mùa lạnh là tập thể dục quá sớm. Bởi vào buổi sáng sớm, cơ thể đang ở trong chăn ấm, khi ra ngoài trời lạnh ngay có thể khiến mạch máu co lại đột ngột, gây tăng huyết áp.
Hơn nữa, sáng sớm cũng là thời điểm cơ thể đang trong trạng thái nghỉ ngơi, máu cô đặc, nếu lúc này bị tăng huyết áp do tiếp xúc với không khí lạnh sẽ tăng nguy cơ vỡ mạch máu não (xuất huyết não) hoặc tắc mạch do huyết khối.
Trên thực tế, vào tháng 4/2023, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận một nam bệnh nhân 53 tuổi bị đột quỵ sau khi tập thể dục buổi sáng.
Theo chia sẻ của người nhà, khoảng 4h sáng cùng ngày nhập viện, bệnh nhân dậy tập thể dục như hàng ngày, sau đó 30 phút, bệnh nhân đột ngột xuất hiện nói khó, yếu nửa người trái nên được đưa đi cấp cứu. Tại bệnh viện, bệnh nhân được chụp CTscan sọ não, kết quả bị chảy máu não, may mắn là bệnh nhân vẫn nhận thức được.
Không tắm ngay khi mới ngủ dậy
Vào lúc mới ngủ dậy, các mạch máu trong cơ thể vẫn đang co lại vì lạnh, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu và tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu dẫn tới nhồi máu cơ tim. Do đó, cần tránh tắm thời điểm này.
Mùa lạnh, tốt nhất nên tắm trong khoảng thời gian 9h30-10h30 phút và 13h-16h. Đây là thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày, khi tắm sẽ giúp cơ thể thích ứng nhanh chóng, giảm nguy cơ hạ thân nhiệt đột ngột gây tụt huyết áp, đột quỵ.
Cách bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh
Theo các chuyên gia, để bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh, điều quan trọng là cần giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng và tập luyện đúng cách, khoa học để nâng cao sức đề kháng.
Vào buổi sáng sớm khi thức dậy, không nên đột ngột ra ngoài ngay mà nên mở hé cửa, làm ấm cơ thể trước để cơ thể thích nghi dần với nhiệt độ. Sau đó mới ra ngoài.
Với những người có thói quen tập thể dục buổi sáng, cần phải khởi động kỹ cơ thể để đảm bảo an toàn. Với những người mắc bệnh tăng huyết áp, không tập luyện khi huyết áp tăng cao. Trong quá trình này nếu nhận thấy cơ thể có bất thường cần phải ngừng tập và nghỉ ngơi.
Người có bệnh lý nền, người cao tuổi chỉ nên đi tập thể dục khi đã có ánh nắng mặt trời vì lúc này không khí đã ấm áp hơn, tập vừa sức, không luyện tập khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.
Bên cạnh đó, mặc đủ ấm để đảm bảo cơ thể không bị nhiễm lạnh. Ngoài ra, uống nước ấm sau khi thức dậy và trước khi đi ra ngoài tập luyện để bổ sung đủ nước cho cơ thể, tăng khả năng tuần hoàn.