Bé 4 tuổi gãy tay, bị hoại tử nghiêm trọng do đắp lá của thầy lang

Đó là trường hợp của bé N.M.N bị gãy tay nhưng người nhà không đưa đi bệnh viện mà lại đắp lá theo phương thuốc dân gian của một thầy lang gần nhà. Tay bé bị hoại tử, phù nề nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bảo thủ chữa bệnh cho trẻ bằng kinh nghiệm dân gian, bé suýt mất bàn tay

Trường hợp của cháu N.M.V (4 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội). Trong khi chơi đùa, bé bị tủ đè vào bàn tay phải. Thấy con kêu đau, mẹ dẫn bé đến khám tại nhà một thầy lang thông qua lời giới thiệu của người quen. Thầy lang không sử dụng kỹ thuật chẩn đoán y khoa nào mà chỉ đắp lá và bó chặt vùng mu bàn tay bị thương của bé rồi hẹn ngày quay lại thay thuốc.

Ngày hôm sau, tay bé sưng to kèm theo biểu hiện sốt nên gia đình đưa bé đến khám tại BVĐK Hồng Ngọc. Kết quả chụp X-quang cho thấy bé bị gãy xương bàn tay phải số 3, 4, 5 và có sự tụ máu lớn dưới da mu bàn tay, dẫn đến hình thành ổ viêm hoại tử do lóc da có dấu hiệu sưng tấy lan rộng, thâm nhiễm mỡ xung quanh. Bàn tay bé phù nề nghiêm trọng.

Sau thăm khám, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt tổ chức da hoại tử, lấy máu tụ và mủ, dẫn lưu, rửa sạch vết thương và điều trị bằng thuốc, nẹp bột cẳng bàn tay. Sau 5 ngày, vết thương đã se, tốc độ lành nhanh, bé không còn đau và có thể ăn uống, vui chơi như bình thường.

Bác sĩ Nguyễn Lam Giang (Khoa Ngoại - BVĐK Hồng Ngọc), bác sĩ chủ trì ca bệnh cho biết: "Tình trạng của bé ban đầu không nghiêm trọng nếu được phát hiện và xử trí kịp thời. Tuy nhiên, việc mẹ cho bé đi khám và đắp thuốc lá ngay khi bé bị chấn thương đã làm chậm cơ hội cứu bàn tay. Bên cạnh đó, việc xử trí thiếu triệt để trước đó khiến cho chấn thương tuy nhỏ nhưng tiến triển nặng thêm gây chảy máu dưới da một cách từ từ dẫn đến phù nề, tụ máu và nhiễm trùng khối máu tụ cấp độ 3, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm".

Bé 4 tuổi gãy tay, bị hoại tử nghiêm trọng do đắp lá của thầy lang - Ảnh 1.

Bàn tay bị hoại tử do đắp lá

Thông qua trường hợp này, các bậc phụ huynh cần nhận ra rằng, chữa bệnh bằng kinh nghiệm dân gian là con dao hai lưỡi, có thể chữa khỏi một vài bệnh nhẹ nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm.

Các bài thuốc dân gian đôi khi còn là quan điểm bảo thủ của thế hệ trước áp đặt cho thế hệ sau, không chịu cập nhật những kiến thức khoa học hiện đại, được chứng minh bằng các nghiên cứu của chuyên gia. Hậu quả của sự bảo thủ này là tiền mất tật mang, gây ra các mâu thuẫn trong gia đình.

Lời khuyên của bác sĩ

Theo bác sĩ Lam Giang, cơ thể trẻ nhỏ còn rất non nớt, việc chăm sóc phải được quan tâm và chú trọng hơn. Các bậc phụ huynh chăm sóc con phải tìm hiểu những cách chăm sóc an toàn, đúng khoa học, nuôi con bằng kiến thức chứ không phải chỉ cần chăm sóc con bằng bản năng.

Với những bệnh thông thường như cảm cúm, ho… thì các bậc phụ huynh có thể áp dụng các cách chữa trị bằng phương pháp dân gian như cho trẻ uống nước quất và húng chanh, uống gừng chưng đường phèn… nhưng cần cho trẻ uống đúng liều lượng, đúng cách vì uống quá nhiều có thể gây tổn thương cơ thể bé.

Nếu áp dụng các phương pháp dân gian 1 - 2 ngày không thấy khỏi, biểu hiện không thuyên giảm thì hãy cho bé đến bệnh viện thăm khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa.

Còn với những trường hợp bệnh nặng như gãy tay, gãy chân, tiêu chảy nhiều ngày không khỏi, nôn trớ kéo dài… thì nên cho bé đi khám càng sớm càng tốt. Áp dụng các biện pháp dân gian trong những trường hợp này chỉ thêm nguy cơ gây hại cho bé.

Bé 4 tuổi gãy tay, bị hoại tử nghiêm trọng do đắp lá của thầy lang - Ảnh 2.

https://ahadep.com/be-4-tuoi-gay-tay-bi-hoai-tu-nghiem-trong-do-dap-la-cua-thay-lang-20220707145006692.chn