Theo lời kể của mẹ bệnh nhi D.T.H. (8 tuổi), trước đó trẻ được gia đình cho đi khám và diệt tủy răng ở một cơ sở y tế của huyện.
Trong quá trình diệt tủy răng, trẻ hiếu động nên kim diệt tủy đã bị rơi vào đường tiêu hóa. Sau khi chụp X-quang ổ bụng, các bác sĩ thấy có dị vật cản quang, gia đình đã đưa trẻ đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên khám và điều trị.
Tại khoa nội soi bệnh viện, bé H. được gây mê và nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng. Các bác sĩ phát hiện thấy kim diệt tủy răng nằm dưới khúc III tá tràng và tiến hành can thiệp gắp dị vật ra khỏi tá tràng cho bệnh nhi.
Bệnh nhi được các bác sĩ tiến hành điều trị lấy dị vật - Ảnh: BVCC
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Hà, thành viên thực hiện ca phẫu thuật, cho hay do chiếc kim đã mắc trong ruột khá lâu và sâu, vì vậy quá trình nội soi, gắp bỏ chiếc kim ra khỏi tá tràng của bệnh nhi hết sức khó khăn.
"Hơn nữa, do đây là vật sắc nhọn nên nếu không thực hiện cẩn thận có thể gây thủng ruột, nguy hiểm. Sau khi chiếc kim được gắp bỏ ra khỏi cơ thể, bệnh nhi sức khỏe ổn định, bụng mềm, không chướng, không nôn. Đây là trường hợp hy hữu khi trẻ không may nuốt phải dị vật sắc nhọn vào cơ thể", bác sĩ Hà thông tin.
Các bác sĩ khuyến cáo, phần lớn trẻ đều rất sợ kim nên khi nhổ răng cho trẻ, chích là vấn đề khó khăn nhất. Nếu trẻ giãy giụa có thể làm gãy kim trong niêm mạc miệng, thậm chí rơi kim vào đường tiêu hóa như trường hợp trên.
Bởi vậy, nhằm hạn chế những tai nạn không mong muốn, cha mẹ cần tìm một bác sĩ nha khoa có chuyên môn lẫn kinh nghiệm về điều trị răng miệng trẻ em.
Bác sĩ điều trị răng cho trẻ em có kinh nghiệm còn hiểu được tâm lý bệnh nhi, dễ thông cảm với nỗi lo sợ của trẻ, có thái độ cư xử phù hợp nhất với từng trẻ.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu vì sao phải điều trị răng và việc điều trị sẽ diễn ra thế nào. Chỉ khi trẻ ổn định được tinh thần, sẵn sàng lắng nghe, bác sĩ mới tiến hành điều trị, việc này giúp giảm thiểu được rủi ro trong quá trình điều trị răng miệng cho trẻ.