Mùa hè đến cũng là thời điểm muỗi xuất hiện rất nhiều và chúng ta khó có thể tránh khỏi việc bị chúng đốt, để lại những vết sưng ngứa, khó chịu. Để làm dịu cơn ngứa và khiến vết sưng do muỗi đốt biến mất nhanh chóng, bạn sẽ làm gì?
Trong một cuộc khảo sát nhỏ của tờ TOPick (Hồng Kông), một số người khi cảm thấy ngứa ngáy với vết muỗi đốt, họ sẽ dùng móng tay và ấn mạnh xuống vết sưng để tạo thành một hình chữ thập; số khác sẽ dùng nước bọt chấm vào vết sưng hoặc cũng có người vỗ nhẹ vào vùng bị ngứa.
Cách dùng nước bọt chấm vào vết sưng do muỗi đốt mà nhiều người hay làm có thể gây nhiễm trùng
Tuy nhiên, bác sĩ chuyên khoa da liễu Hu Huifu (Hồng Kông) cảnh báo việc đánh dấu hình chữ thập lên vết sưng do muỗi đốt có thể dễ dàng làm trầy xước da và tăng nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn. Trong khi đó, ông cũng không khuyến khích mọi người bôi nước bọt vào vùng sưng vì nước bọt chứa rất nhiều vi khuẩn, việc làm này có thể vô tình khiến bạn bị nhiễm khuẩn và dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm khác cho sức khỏe.
Bác sĩ Hu chỉ ra rằng phản ứng chung đối với vết muỗi đốt sẽ nhanh chóng biến mất và các triệu chứng mẩn đỏ, sưng tấy, ngứa ngáy sẽ không kéo dài. Tuy nhiên, thể chất và hệ miễn dịch của mỗi người khác nhau, một số người có thể gặp phản ứng dữ dội hơn, ví dụ như cơ thể trẻ em phản ứng mạnh hơn với các chất lạ. Nếu các tình trạng này xảy ra, hãy đến gặp bác sĩ ngay.
- Mụn nước, mề đay lan rộng, tổn thương da, nhiễm trùng do vi khuẩn...
- Phản ứng dị ứng nghiêm trọng, chẳng hạn như chóng mặt, sưng mí mắt, khó thở, tụt huyết áp...
Trường hợp bé trai 4 tuổi được bác sĩ Hu chia sẻ
Ông đã từng gặp một trường hợp nghiêm trọng như thế, đó là một cậu bé 4 tuổi bị muỗi đốt khiến tai sưng đỏ, chảy dịch và to như một quả chanh do cậu bé liên tục gãi vì ngứa. Thuốc mỡ mua ở cửa hàng bôi lên cũng không giúp cải thiện tình hình. Sau khi đến bệnh viện, bác sĩ đã kê đơn thuốc mỡ steroid và thuốc uống kháng histamine thì tình trạng của cậu bé mới được cải thiện sau 1 tuần sử dụng.
Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân không khỏi ngứa ngáy, dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn thứ phát, mẩn đỏ, nóng, đau và chảy mủ. Theo kinh nghiệm chẩn đoán của bác sĩ Hu, cứ 10 bệnh nhân bị sưng tấy nặng do muỗi đốt thì có 1 trong số đó là trẻ em.
Muỗi thích đốt ai?
Người ta thường nói những người thuộc nhóm máu O đặc biệt dễ bị muỗi đốt, có đúng như vậy không? Bác sĩ Hu chỉ ra rằng những người có nhiệt độ cơ thể cao và đổ nhiều mồ hôi hơn mới thực sự là đối tượng mà muỗi thích đốt, không có mối liên quan trực tiếp nào với nhóm máu. Ông giải thích rằng nếu nhiệt độ cơ thể cao hơn, hàm lượng và nồng độ khí cacbonic thở ra đặc biệt cao, sẽ dễ thu hút muỗi hơn.
Có 3 nhóm người có nhiều khả năng trở thành mục tiêu của muỗi vằn:
- Những người vừa chơi thể thao xong.
- Phụ nữ có thai.
- Trẻ em thường xuyên bị suy nhược, chuyển hóa nhanh, hàm lượng khí cacbonic thở ra đặc biệt cao.
Chen Weiqiang, Phó chủ tịch Hiệp hội Kiểm soát Dịch bệnh Hồng Kông, cũng giải thích trong cuộc phỏng vấn rằng muỗi đốt người là do cơ thể người thở ra có nồng độ carbon dioxide cao, khiến muỗi cảm nhận được nhiệt độ cơ thể. Những người có mùi cơ thể nặng sẽ xuất ra một loại hóa chất gọi là acetone cũng sẽ thu hút muỗi đến đốt.
Mẹo chọn thuốc chống muỗi
Theo khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), có 3 thành phần chống muỗi hiệu quả hơn cả là DEET, icaridin/picaridin, lycopene (một loại nonyl ketone, IBI-246). Các thành phần này có thể ngăn muỗi cảm nhận được carbon dioxide, axit lactic hoặc các chất bay hơi khác mà cơ thể con người thở (tạo) ra, làm giảm khả năng tiếp cận của chúng với da người.
Khi chọn một sản phẩm chống muỗi, hãy xem thành phần và nồng độ của nó. Trong số đó, DEET hiện là thành phần đuổi muỗi hiệu quả nhất trong y học. Nói chung, nồng độ chất này càng cao thì thời gian chống muỗi càng lâu. Tuy nhiên, cần lưu ý có một số thành phần chống muỗi không thích hợp cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ mà bạn cần lưu ý làm theo đúng hướng dẫn sử dụng của sản phẩm.
Nguồn và ảnh: TOPick