Tổng quát về bệnh lậu
Bệnh lậu là một bệnh nhiễm trùng xuất hiện ở cả nam và nữ, do vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục gây ra. Bệnh lậu thường ảnh hưởng đến niệu đạo, trực tràng hoặc cổ họng. Ở nữ giới, bệnh lậu cũng có thể lây nhiễm vào cổ tử cung.
Con đường lây lan phổ biến nhất của bệnh lậu là quan hệ tình dục qua đường âm đạo, đường miệng hoặc hậu môn. Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh cũng có thể bị nhiễm bệnh lậu từ mẹ, đa phần đều ảnh hưởng đến mắt.
Kiêng quan hệ tình dục, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và có mối quan hệ một vợ - một chồng là cách tốt nhất để ngăn ngừa các loại nhiễm trùng lây qua đường tình dục, đặc biệt là bệnh lậu.
Bệnh lậu có chữa được không? Có. Cách chữa bệnh lậu thông thường là sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Chi phí chữa bệnh lậu dựa trên tình trạng bệnh, thời gian điều trị và các yếu tố khác.
Triệu chứng của bệnh lậu
Trong nhiều trường hợp, nhiễm lậu không gây ra triệu chứng. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, thường xuất hiện ở cơ quan sinh dục.
1. Ảnh hưởng tới cơ quan sinh dục
Triệu chứng ở nam giới
- Đi tiểu đau
- Xuất hiện mủ hoặc chất giống như mủ chảy ra từ đầu dương vật
- Đau hoặc sưng ở một tinh hoàn
Bệnh lậu làm xuất hiện mủ hoặc chất giống như mủ chảy ra từ đầu dương vật.
Triệu chứng ở nữ giới
- Tăng tiết dịch âm đạo
- Đi tiểu đau
- Chảy máu âm đạo giữa các thời kỳ, chẳng hạn như sau khi quan hệ tình dục bằng âm đạo
- Đau bụng hoặc vùng chậu
2. Ảnh hưởng tới các bộ phận khác trên cơ thể
- Trực tràng: Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lậu bao gồm ngứa hậu môn, chảy mủ hoặc chất giống mủ từ trực tràng, các đốm máu đỏ tươi trên giấy vệ sinh và gặp khó khăn khi đại tiện.
- Mắt: Bệnh lậu có thể ảnh hưởng đến mắt của bệnh nhân, bao gồm gây đau mắt, nhạy cảm với ánh sáng và chảy mủ hoặc chất giống như mủ từ một hoặc cả hai mắt.
- Họng: Bệnh lậu gây ra nhiễm trùng cổ họng, có thể bao gồm đau họng và sưng hạch bạch huyết ở cổ.
- Khớp: Nếu một hoặc nhiều khớp bị nhiễm vi khuẩn (viêm khớp nhiễm trùng), các khớp bị ảnh hưởng có thể nóng, đỏ, sưng và cực kỳ đau đớn, đặc biệt là trong khi vận động.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Đặt lịch hẹn với bác sĩ nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng đáng lo ngại nào, chẳng hạn như cảm giác nóng rát khi đi tiểu hoặc chảy mủ từ dương vật, âm đạo hoặc trực tràng.
Bạn cũng nên hẹn gặp bác sĩ nếu bạn tình của bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh lậu. Có thể bạn đã bị nhiễm bệnh nhưng không có dấu hiệu và bạn không muốn điều trị. Nhưng điều đó có thể làm bạn tình của bạn tái nhiễm bệnh lậu sau khi người đó đã được điều trị.
Nguyên nhân gây ra bệnh lậu
Bệnh lậu là do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra. Các vi khuẩn lậu thường được truyền từ người này sang người khác trong khi quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ bằng miệng, hậu môn hoặc âm đạo.
Các yếu tố tăng rủi ro mắc bệnh lậu
- Phụ nữ 25 tuổi
- Nam giới quan hệ tình dục đồng giới
- Có bạn tình mới
- Có bạn tình có bạn tình khác
- Có nhiều bạn tình
- Từng mắc bệnh lậu hoặc bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục khác
Biến chứng của bệnh lậu
Nếu bệnh lậu không được điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến các biến chứng lớn, như:
- Vô sinh ở phụ nữ: Bệnh lậu có thể lan vào tử cung và ống dẫn trứng, gây ra bệnh viêm vùng chậu (PID). PID có thể dẫn đến sẹo của các ống dẫn chứng, làm tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ và vô sinh cao. PID cần được điều trị ngay lập tức.
- Vô sinh ở nam giới: Bệnh lậu có thể làm cho mào tinh hoàn (một ống nhỏ, cuộn ở phần phía sau của tinh hoàn, nơi đặt ống dẫn tinh trùng) bị viêm (viêm mào tinh hoàn). Viêm mào tinh hoàn không được điều trị sớm có thể dẫn đến vô sinh.
- Nhiễm trùng khớp và các khu vực khác của cơ thể: Vi khuẩn gây bệnh lậu có thể lây lan qua máu và lây nhiễm sang các bộ phận khác trong cơ thể, bao gồm cả khớp. Sốt, phát ban, lở loét da và đau, sưng, cứng khớp là tình trạng có thể xảy ra.
- Tăng nguy cơ nhiễm HIV / AIDS: Bị bệnh lậu khiến bệnh nhân dễ mắc HIV (nhiễm vi rút suy giảm miễn dịch ở người) - loại virut dẫn đến AIDS. Những người mắc cả bệnh lậu và HIV có thể truyền cả hai bệnh dễ dàng hơn cho bạn tình.
- Biến chứng ở trẻ sơ sinh: Em bé mắc bệnh lậu từ mẹ trong khi sinh có thể bị mù, lở loét trên da đầu và nhiễm trùng.
Một trong những triệu chứng của bệnh lậu là phát ban đỏ.
Phòng ngừa bệnh lậu
1. Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục
Kiêng quan hệ tình dục là cách chắc chắn nhất để ngăn ngừa bệnh lậu. Nhưng nếu bạn quan hệ tình dục, hãy sử dụng bao cao su trong bất kỳ loại quan hệ tình dục nào, bao gồm quan hệ tình dục qua đường hậu môn, đường âm đạo hoặc bằng miệng.
2. Giới hạn số lượng bạn tình
Để giảm nguy cơ mắc bệnh lậu, hãy ở trong một mối quan hệ chỉ có hai người, trong đó không ai có quan hệ tình dục với người thứ ba.
3. Chia sẻ tình trạng sức khoẻ với bạn tình
Hãy chắc chắn rằng bạn và bạn tình đã được kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Trước khi quan hệ tình dục, hãy kiểm tra và chia sẻ tình trạng sức khoẻ sinh sản với nhau.
4. Không quan hệ tình dục với người bị nhiễm bệnh lây qua đường tình dục
Nếu bạn tình của bạn có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bất kì bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục nào (chẳng hạn như nóng rát khi đi tiểu hoặc phát ban/đau ở bộ phận sinh dục), hãy dừng việc quan hệ tình dục với người đó.
5. Sàng lọc bệnh lậu thường xuyên
Sàng lọc hàng năm đối với bệnh lậu được khuyến nghị cho phụ nữ 25 tuổi và phụ nữ lớn tuổi hơn với nguy cơ nhiễm trùng cao (bao gồm những phụ nữ có bạn tình mới, nhiều hơn một bạn tình, bạn tình có bạn tình khác hoặc bạn tình bị nhiễm bệnh lây qua đường tình dục).
Kiểm tra sức khoẻ thường xuyên cũng được khuyến nghị cho những người đàn ông quan hệ tình dục với nam giới, cũng như bạn tình của họ.
6. Hạn chế quan hệ tình dục
Để tránh mắc bệnh lậu một lần nữa, hãy kiêng quan hệ tình dục cho đến khi bạn và bạn tình hoàn thành việc điều trị và sau khi hết triệu chứng.
Hình ảnh tế bào bệnh lậu.
Chẩn đoán bệnh lậu bằng cách nào?
1. Xét nghiệm bệnh lậu
Để xác định xem bạn có bị bệnh lậu hay không, bác sĩ sẽ phân tích một mẫu tế bào. Các mẫu có thể được thu thập bằng cách:
- Xét nghiệm nước tiểu: Điều này giúp xác định vi khuẩn trong niệu đạo.
- Xét nghiệm gạc ở khu vực bị ảnh hưởng: Một miếng gạc lấy dịch của cổ họng, niệu đạo, âm đạo hoặc trực tràng có thể thu thập vi khuẩn để phân tích trong phòng thí nghiệm.
2. Xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác
Bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm cho các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Bệnh lậu làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng này, đặc biệt là chlamydia - thường đi kèm với bệnh lậu.
Xét nghiệm HIV cũng được khuyến nghị cho bất kỳ ai được chẩn đoán nhiễm bệnh lây qua đường tình dục. Tùy thuộc vào các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh, các xét nghiệm cho các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác cũng sẽ được khuyến nghị
Bệnh lậu có chữa được không?
Bệnh lậu có thể chữa được nếu phát hiện sớm. Thời gian ủ bệnh ở nam giới là 2-6 ngày, ở nữ giới là 2-3 ngày, ở trẻ nhỏ là 4-6 ngày. Nên khám lại sau 7-10 ngày để chắc chắn phát hiện ra bệnh.
Bệnh lậu chữa bao lâu thì khỏi? Đối với những trường hợp phát hiện sớm, có thể điều trị chỉ trong 2-3 ngày. Tuy nhiên, với những trường hợp nặng và xuất hiện biến chứng thì sẽ cần thời gian lâu hơn.
Bệnh lậu có chữa được không và chữa bằng cách nào? Dưới đây là cách chữa bệnh lậu cho 3 đối tượng phổ biến:
1. Điều trị bệnh lậu ở người lớn
Người lớn mắc bệnh lậu được điều trị bằng kháng sinh. Do các chủng Neisseria gonorrhoeae kháng thuốc mới nổi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh Hoa Kỳ khuyến cáo rằng bệnh lậu không biến chứng nên được điều trị bằng ceftriaxone kháng sinh đường tiêm, với azithromycin đường uống (Zithromax).
Nếu bạn bị dị ứng với kháng sinh cephalosporin, chẳng hạn như ceftriaxone, bạn có thể được kê đơn gemifloxacin (Factive) hoặc gentamicin đường tiêm và azithromycin đường uống.
2. Điều trị bệnh lậu cho bạn tình
Bạn tình của bạn cũng nên xét nghiệm và điều trị bệnh lậu, ngay cả khi người đó không có dấu hiệu hoặc triệu chứng. Người đó cần được điều trị tương tự như bạn. Ngay cả khi bạn đã được điều trị bệnh lậu dứt điểm, nhưng bạn tình chưa được điều trị thì người đó vẫn có thể truyền lại cho bạn.
3. Điều trị bệnh lậu cho bé
Em bé sinh ra từ những bà mẹ mắc bệnh lậu bị nhiễm trùng có thể được điều trị bằng kháng sinh.
Nguồn tham khảo: Gonorrhea - trên trang tin y tế Mayo Clinic. Xuất bản ngày 06/12/2019. |