Chuột rút là tình trạng các bó cơ bị co thắt đột ngột gây đau đớn dữ dội, khiến chúng ta không thể cử động cơ trong một khoảng thời gian. Đây là hiện tượng thường gặp khi vận động, cơ thể bài tiết mồ hôi khiến lượng natri và kali sụt giảm, làm mất cân bằng điện giải dẫn đến chuột rút. Nếu bạn nhanh chóng bổ sung nước hoặc để các cơ được thả lỏng, tình trạng này sẽ biến mất.
Tuy nhiên cũng có không ít người bị chuột rút khi đang ngủ, điều này không chỉ gây đau đớn mà còn ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của chúng ta. Nhìn chung, đây được cho là biểu hiện khi cơ thể thiếu canxi hoặc đôi khi là do tư thế ngủ không đúng, bị lạnh, … Canxi là chất dinh dưỡng quan trọng cho xương, là chất dẫn truyền thần kinh cơ, giúp cơ co bóp và hoạt động bình thường. Do đó nếu thiếu canxi, cơ thể dễ dàng xảy ra hiện tượng chuột rút, tuy nhiên đây chỉ là một phần nguyên nhân rất nhỏ. Nếu thường xuyên bị chuột rút khi đang ngủ, có thể không đơn giản chỉ là thiếu canxi mà còn liên quan đến 4 căn bệnh sau đây.
Bệnh khớp
Bệnh về khớp là một trong những yếu tố thúc đẩy triệu chứng chuột rút khi ngủ. Bệnh khớp có thể gây ảnh hưởng tới các mô và dây thần kinh lân cận, chính những tổn thương này dẫn đến co cơ, gây chuột rút ở bắp chân. Nếu muốn cải thiện tình trạng này, cần phải điều trị dứt điểm bệnh khớp, nên đi thăm khám thường xuyên và làm theo hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa.
Bất thường ở hệ thần kinh
Chuột rút là một trong những biểu hiện cảnh báo hệ thần kinh của bạn đang gặp vấn đề bất thường, chẳng hạn như bệnh Alzheimer, huyết khối tĩnh mạch não hoặc một số bệnh liên quan đến hệ thần kinh vận động. Nếu tình trạng này không được xử lý sớm sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm việc kém năng xuất, không thể nâng nhấc vật nặng, thậm chí liệt người, giảm trí nhớ, … Cần phải nhanh chóng đi gặp bác sĩ chuyên khoa để có hướng điều trị thích hợp.
Bệnh gan
Gan đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp protein của cơ thể. Khi gan gặp phải vấn đề như viêm gan hay xơ gan, … thì hàm lượng axit amin trong cơ thể sẽ bị suy giảm, đây là một thành phần rất quan trọng đối với xương của con người. Nếu bị thiếu hụt các axit amin, tế bào thần kinh sẽ phóng điện một cách vô thức gây nên các cơn co giật ở cơ. Ngoài ra, chức năng gan suy giảm khiến độc tố tích tụ trong cơ thể cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng chuột rút cơ bắp.
Bệnh về tim mạch
Nếu không gặp bất kỳ chấn thương nào nhưng hiện tượng chuột rút vẫn thường xuyên xuất hiện đột ngột khi ngủ, thì cần phải cảnh giác bởi nó có thể liên quan đến các bệnh về tim mạch. Tình trạng này thường hay xảy ra ở người trung niên, người cao tuổi, người cao huyết áp, suy tim và có lipid máu cao. Hàm lượng cholesterone cao hay hẹp thành mạch có thể gây ra các cục máu đông làm cản trở quá trình tuần hoàn máu, làm xuất hiện tình trạng chuột rút.
Chuột rút khi ngủ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, vì vậy khi chưa tìm ra nguyên nhân chính xác thì không nên bổ sung canxi một cách tùy tiện, tránh làm ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh.
Để phòng ngừa chuột rút thực ra rất đơn giản, bạn có thể thực hiện một số động tác co duỗi chân trước khi đi ngủ để các cơ được thư giãn, thúc đẩy tuần hoàn máu. Bên cạnh đó bổ sung đủ nước và chất điện giải cho cơ thể cũng là một phương pháp giúp đẩy lùi tình trạng chuột rút.