Ngày 7/1, Bộ Y tế sửa đổi mẫu giấy xác nhận đã tiêm vắc-xin COVID-19, nội dung ghi rõ 7 mũi bao gồm mũi tiêm cơ bản, mũi tiêm nhắc lại và mũi tiêm bổ sung.
Như vậy, so với mẫu cũ ghi hai mũi cơ bản, mẫu mới được bổ sung các thông tin liên quan mũi tiêm liều cơ bản (3 mũi), liều bổ sung (một mũi) và liều nhắc lại (3 mũi). Tổng cộng, tùy loại vắc-xin được tiêm (loại liệu trình 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi và cần tiêm bổ sung), một người có thể cần 7 mũi tiêm.
Tuy nhiên, hiện nay liều nhắc lại được Bộ Y tế cho phép tiêm một mũi, chưa có hướng dẫn tiêm nhắc mũi 2, 3.
Hiện nay, có tình trạng người dân đã tiêm vắc xin nhưng chưa hoặc không được cấp giấy xác nhận tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
Tiêm vắc-xin phòng COVID-19. (Ảnh minh họa).
Theo quy định của Bộ Y tế, tất cả người dân đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đều sẽ nhận được giấy xác nhận tiêm có đầy đủ thông tin về thời gian tiêm, tên người tiêm, tên loại vắc xin được tiêm... Bên cạnh đó còn có đóng dấu xác nhận của đơn vị thực hiện tiêm chủng.
Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo nếu người dân đã hoàn thành việc tiêm chủng nhưng chưa hoặc không được cấp giấy thì liên hệ đến nơi mà người dân đã tiêm để được hướng dẫn về vấn đề này.
TS. Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ, Bộ Y tế) cho biết, liều cơ bản là liều được các nhà sản xuất vắc-xin hướng dẫn và thực hành tiêm chủng đủ.
Mỗi hãng sản xuất vắc-xin COVID-19 sẽ có số liều cơ bản khác nhau. Chẳng hạn: với vắc-xin AstraZeneca, Pfizer, Moderna,... liều cơ bản là 2 mũi; vắc-xin Abdala của Cuba, liều cơ bản là 3 mũi nhưng vắc-xin Janssen của hãng Johnson&Johnson chỉ có 1 mũi.
Theo TS Thái, sau khi tiêm đủ liều cơ bản, cơ thể sẽ có miễn dịch đủ để chống lại virus hoặc dự phòng các thể bệnh có triệu chứng. Tuy nhiên, sau khi tiêm liều cơ bản, các nhà khoa học nhận thấy sau một thời gian, miễn dịch của cơ thể bị giảm dần, khi đó người dân cần tiêm mũi tăng cường. Trường hợp người có miễn dịch kém (ung thư, HIV hoặc bệnh nhân ghép tạng) dù đã được tiêm liều cơ bản nhưng do đáp ứng miễn dịch yếu nên phải được tiêm một mũi vắc-xin nữa so với liều cơ bản, gọi là mũi bổ sung.
Với mũi bổ sung, sau một tháng kể từ ngày tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản, người dân đã có thể được tiêm ngay. Người dân có thể sử dụng chính loại vaccine đã được tiêm ở liều cơ bản để tiêm mũi bổ sung. Nếu không, có thể dùng vaccine mRNA (như của Pfizer, Moderna...) để thay thế.
Trường hợp những người sức khỏe tốt, có hệ miễn dịch cùng kháng thể ở mức cao ngay sau khi tiêm liều cơ bản sẽ không cần tiêm mũi bổ sung. Tuy nhiên, sau 6 tháng kể từ ngày tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản, những người này có thể tiêm mũi nhắc lại.
Đối tượng dành cho cho mũi tiêm vắc-xin mũi nhắc lại là người mắc bệnh nền, tiếp xúc nhiều với F0, bác sĩ tuyến đầu hay những trường hợp có nghề nghiệp bắt buộc phải thường xuyên gặp gỡ, giao lưu. Những người này nên tiêm mũi nhắc lại sau 6 tháng. Bên cạnh đó, những trường hợp đã tiêm liều bổ sung cũng có thể tiêm mũi nhắc lại sau 6 tháng kể từ ngày tiêm cuối cùng.
Ngoài ra, loại vắc-xin dùng cho liều nhắc lại sẽ được mở rộng hơn. Người dân có thể tiêm mũi nhắc lại bằng vắc-xin cùng loại với liều cơ bản, vắc-xin mRNA hoặc vắc-xin vector (AstraZeneca).
Mũi vắc-xin tăng cường không chỉ phòng biến chủng mới từ nước ngoài xâm nhập, nó còn giúp phòng chống nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới từ chính nội tại quốc gia. Tuy nhiên, việc tiêm mũi vắc-xin tăng cường phụ thuộc khá nhiều vào tiến độ cung ứng vắc-xin ngừa COVID-19.
Do đó, để phòng bệnh, người dân nên tiêm mũi tăng cường ngay khi có điều kiện, đồng thời thực hiện nghiêm 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Mẫu giấy xác nhận đã tiêm vắc xin COVID-19 có thêm mũi tiêm nhắc lại và bổ sung - Ảnh: Bộ Y tế