BS Hà Ngọc Mạnh: Đi tìm nguyên nhân khiến chị em bị sảy thai liên tiếp

Không ít cặp vợ chồng hiếm muộn vì người vợ bị sảy thai nhiều lần. Tình trạng này không chỉ khiến phụ nữ rơi vào tình trạng stress, bất an, buồn phiền mà còn ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình, khiến hôn nhân bế tắc và có nguy cơ bị đổ vỡ.

Sảy thai liên tiếp là tình trạng người phụ nữ bị sảy thai từ 2 lần trở lên đối với tuổi thai dưới 20 tuần tuổi.

Sảy thai được chia làm 2 nhóm.

👉 Một là sảy thai nguyên phát, là khi người phụ nữ chưa sinh được một em bé còn sống nào trước đó.

👉 Hai là sảy thai thứ phát, là khi người phụ nữ đã sinh được tối thiểu một bé thành công nhưng hiện tại lại bị sảy thai liên tiếp.

Tỷ lệ sảy thai nhiều lần như vậy tương đối ít, chỉ chiếm khoảng 1%. Thế nhưng những phụ nữ bị rơi vào trường hợp như vậy phải chịu một cú sốc tinh thần lớn.

Vậy nguyên nhân khiến chị em sảy thai nhiều lần là do đâu?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sảy thai liên tiếp. Chiếm tỷ lệ lớn nhất là do người phụ nữ có những bất thường về miễn dịch và hormone.

Ngoài ra có thể do những bất thường của noãn, tinh trùng hoặc phôi; bất thường về nhiễm sắc thể; bất thường về gen hoặc bất thường về cấu trúc tử cung (tử cung có vách ngăn).

Một số trường hợp bị sảy thai nhiều lần mà không tìm ra được nguyên nhân.

BS Hà Ngọc Mạnh: Đi tìm nguyên nhân khiến chị em bị sảy thai liên tiếp - Ảnh 2.

Tuổi của bố mẹ cao cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ sảy thai do giảm chất lượng noãn và tinh trùng dẫn đến những bất thường về NST.

Hiện nay, hầu hết các nguyên nhân gây sảy thai liên tiếp đều có thể được chẩn đoán được bằng các xét nghiệm và đánh giá chi tiết.

Làm sao để phòng tránh sảy thai liên tiếp?

Trước khi mang thai:

Vợ chồng nên đi khám kiểm tra tổng quát trước khi mang thai để phòng tránh và chữa các bệnh gây ảnh hưởng đến khả năng mang thai, nuôi dưỡng thai nhi.

Người mẹ nên tiêm vacxin quai bị, sởi, rubella,… trước khi mang thai 3 tháng.

Kiểm tra tử cung và cổ tử xung, nếu bị vách ngăn tử cung có thể chữa trị bằng phẫu thuật. Nếu cổ tử cung yếu có thể được gia cố bằng cách khâu cố định tạm thời để giúp duy trì được thai sản.

Thai phụ vẫn có cơ hội mang thai an toàn và sinh em bé khỏe mạnh nếu mới sảy thai lần đầu, nhưng nếu đã sảy thai nhiều lần thì hãy nghiêm túc xem xét đến việc kiểm tra bằng xét nghiệm nhiễm sắc thể.

Trong khi mang thai:

Người mẹ phải thường xuyên thăm khám thai để phòng tránh các biến chứng của thai kỳ.

Người mẹ cần tránh lao động nặng, tranh thủ tối đa thời gian nghỉ ngơi những vẫn phải vận động nhẹ nhàng để cơ thể được thoải mái.

Bổ sung vi khoáng đầy đủ qua thức ăn hàng ngày, cần nhất là sắt, canxi, magie, B6… và giữ tâm lý thoải mái, tránh lo lắng.

Tốt nhất nên có con ở độ tuổi từ 22 - 29 tuổi. Lúc này cơ thể đã phát triển toàn diện, chất lượng trứng cũng ở thời kỳ tốt nhất, hạn chế được tình trạng sảy thai sớm. Nếu có thai ở độ tuổi 35 trở lên, thai phụ nên thường xuyên theo dõi sự phát triển của thai nhi bằng việc khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.

Không mang vác những đồ nặng. Phương tiện đi lại nên chọn taxi, xe buýt để bảo đảm sự an toàn cho cả hai mẹ con.

Khi có những dấu hiệu bất thường như đau bụng, chảy máu âm đạo, chuột rút, áp lực vùng chậu… thì bạn hãy lập tức gặp bác sĩ để kịp thời can thiệp.

Sau mỗi lần sảy thai, nên dành thời gian nghỉ ngơi ít nhất từ 6 tháng - 1 năm để cơ quan sinh sản hồi phục rồi mới nên có thai lại.

BS Hà Ngọc Mạnh: Đi tìm nguyên nhân khiến chị em bị sảy thai liên tiếp - Ảnh 3.
https://ahadep.com/bs-ha-ngoc-manh-di-tim-nguyen-nhan-khien-chi-em-bi-say-thai-lien-tiep-20220314105338801.chn