Thông tin được TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, nói khi làm việc về phòng chống dịch với Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, sáng 29/8. Dự kiến, trong tháng 9 bệnh viện mới mua sắm được thuốc.
Số ca sởi điều trị tại Nhi đồng 1 tăng cao gần đây. Trong 368 trẻ nhập viện có 42 trường hợp nặng phải điều trị hồi sức, nhiều trẻ thở máy. Đáng chú ý, tất cả ca nặng đều chưa chích ngừa đủ hai mũi vaccine sởi, 15% mới tiêm một mũi.
Từ đầu năm, Nhi đồng 1 đã đấu thầu dự trữ thuốc điều trị trẻ bệnh nặng như Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IVIG), các thuốc cấp cứu. Tuy nhiên, hiện nay thuốc Dopamine vẫn chưa có. Đây là thuốc quan trọng dùng để cấp cứu trẻ mắc bệnh sởi hay sốt xuất huyết, tay chân miệng chuyển nặng. Bệnh viện đã họp hội đồng chuyên môn tìm một số thuốc thay thế song không hiệu quả bằng, có những tác dụng không mong muốn.
"Thuốc IVIG hiện tương đối đầy đủ, nhưng thời gian tới khi dịch bệnh lan rộng hơn, hoặc có những bệnh dịch khác như tay chân miệng thì không biết nguồn cung có thể tiếp tục ổn định hay không", bác sĩ Minh nói, kiến nghị Bộ Y tế tạo điều kiện hỗ trợ để các bệnh viện trong cả nước có nguồn thuốc chống dịch, thuốc cấp cứu ổn định.
Thứ trưởng Hương đề nghị những đơn vị liên quan hỗ trợ các bệnh viện ổn định nguồn cung ứng thuốc, vật tư. Cơ sở điều trị cần chủ động liên lạc với Cục Quản lý Dược để phối hợp tìm được nguồn cung, đảm bảo nguồn lực chống dịch kịp thời.
Trẻ mắc bệnh sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Lê Phương
Theo bà Hương, thời gian qua, nhiều nước trên thế giới ghi nhận ca sởi gia tăng, trong đó có Việt Nam. Anh, Pháp và một số quốc gia đã ban bố tình trạng khẩn cấp với dịch sởi. Một trong những nguyên nhân khiến bệnh này tăng là đại dịch Covid-19 đã tạo ra khoảng trống lớn về tiêm chủng vaccine. Các nước tập trung nỗ lực chống Covid-19, ảnh hưởng nguồn lực kiểm soát các dịch bệnh khác.
Mặt khác, hệ quả của phong tỏa là mọi người hạn chế tiếp xúc dẫn đến làm giảm khả năng miễn dịch của con người với bệnh lây nhiễm thông thường. Xu hướng hội nhập giao lưu hợp tác quốc tế sau đại dịch, ô nhiễm môi trường, tình hình kháng thuốc, thiếu hụt thuốc vật tư, khó khăn trong nghiên cứu phát triển thuốc, phác đồ điều trị chưa cập nhật, cũng khiến dịch sởi bùng phát trở lại, sau nhiều năm vắng bóng.
"Sởi đang ngày càng gây ra nhiều khó khăn thách thức cho cả nước, đặc biệt TP HCM phải giải quyết cả những bệnh nhân ở các tỉnh thành khác chuyển đến", bà Hương nói. Gần 75% trẻ bệnh sởi nặng phải điều trị hồi sức ở Nhi đồng 1 là từ các tỉnh thành khác. Do đó, cần tăng cường đào tạo các bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là phòng khám tư nhân, phân luồng phù hợp, tránh gây quá tải.
Các địa phương có phương án tốt để ứng phó, phân loại, thu dung điều trị, cách ly, giảm tử vong. Rà soát, tổ chức soát tiêm bổ sung cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi, ưu tiên nhóm 1-5 tuổi, nhân viên y tế chưa tiêm đầy đủ các mũi vaccine có tiếp xúc với bệnh nhân.
Bộ Y tế đang tăng tốc cập nhật phác đồ điều trị sởi, bởi phác đồ cũ đã ban hành hơn 10 năm qua. Bộ cũng tiếp tục huy động chuyên gia phòng chống dịch hỗ trợ các tỉnh thành. TP HCM tăng cường trao đổi thông tin với các địa phương, bởi có những bệnh nhân sởi từ thành phố về lây lan bệnh ra các tỉnh.
"Không để dịch chồng dịch, ngoài sởi thì tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng bắt đầu gia tăng, cần có phương án phòng chống đồng thời các dịch bệnh khác", bà Hương nói.
TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Viện phó Pasteur TP HCM, dự báo thời gian tới thời tiết mát cùng với mùa tựu trường là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh lây lan. Nếu không triển khai cấp bách các biện pháp phòng chống, dịch sẽ tiếp tục gia tăng. Bên cạnh chiến dịch tiêm vaccine, cần giảm áp các bệnh nhi từ tuyến dưới lên TP HCM để tránh quá tải. Kiểm soát phòng chống dịch ngay trong bệnh viện để chống lây lan.
UBND TP HCM chiều 27/8 công bố dịch sởi trên địa bàn nhằm triển khai các biện pháp phòng chống, tổ chức tiêm vaccine. Đây là lần đầu TP HCM công bố dịch sởi và là địa phương đầu tiên trong nhiều năm nay công bố dịch này.
Tính từ đầu năm đến 27/8, thành phố ghi nhận 432 ca sởi, trong khi từ năm 2021 đến 2023 chỉ có một ca xét nghiệm dương tính. Trong hai ngày tới, khoảng 300.000 liều vaccine sởi - rubella (MR) sẽ về tới thành phố để triển khai chiến dịch tiêm chủng cho tất cả trẻ 1-5 tuổi, không phân biệt tiền sử tiêm chủng trước đó; trẻ từ 6-10 tuổi được tiêm bù nếu chưa tiêm đủ.
Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng... Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa.
Trẻ mắc bệnh được điều trị triệu chứng, đa phần tự khỏi. Tuy nhiên, một số nhóm như trẻ suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh mạn tính, tim bẩm sinh... nguy cơ diễn tiến nặng, có thể tử vong. Bệnh sởi cũng làm suy yếu sức đề kháng, khiến trẻ dễ mắc các bệnh khác.