Lý thuyết "ai cũng biết" là những món giàu chất béo bão hòa như các loại thức ăn nhanh hấp dẫn, một thanh chocolate sữa ngọt ngào hay món ăn từ sữa, kem sữa béo ngậy dễ làm tăng cân.
Nhưng một số người có vẻ như ăn các món trên thoải mái hơn người khác mà vẫn "mình dây", chỉ số mỡ máu, đường huyết... ít bị ảnh hưởng. Các nhà khoa học Anh đã chỉ ra lý do.
Các món ăn giàu chất béo bão hòa thường gắn liền với nỗi ám ảnh tăng cân - Ảnh: AI
Theo Daily Mail, nhóm nghiên cứu từ Đại học Aberdeen (Scotland - Anh) đã tiến hành thí nghiệm trên 2 nhóm tình nguyện viên.
Một nhóm là các vận động viên nam khỏe mạnh, một nhóm là bệnh nhân tiểu đường type 2.
Trong vòng 2 tuần, nhóm vận động viên nam - trước đây tập luyện mạnh mẽ trung bình 9,5 giờ/tuần - được yêu cầu không tập gì nữa.
Trong khi đó, các bệnh nhân tiểu đường nỗ lực rèn luyện lên đến 5 giờ/tuần.
Trước và sau khi thay đổi lối sống, các tình nguyện viên nhận được một lượng nhỏ chất béo khác nhau thông qua một mũi tiêm và chụp MRI để xem chất béo hoạt động như thế nào bên trong tế bào cơ của họ.
Sau 2 tuần, những bệnh nhân tiểu đường type 2 này đã giảm giảm cân, giảm đường huyết, cải thiện độ nhạy insulin và các chỉ số mỡ máu như cholesterol, chất béo trung tính.
Tất cả là nhờ cơ thể của họ đã chuyển sang ưu tiên sử dụng chất béo bão hòa làm nguồn năng lượng ưa thích cho các hoạt động sống.
Đối với các vận động viên, cơ thể họ vốn đã ưa chuộng sử dụng chất béo bão hòa từ trước, nhưng 2 tuần không tập luyện đã kéo giảm cơ chế này về mức bằng với những bệnh nhân tiểu đường type 2 tập luyện siêng năng trong 2 tuần.
Nhìn chung, nghiên cứu chỉ ra việc giữ hình thể đẹp mà vẫn ăn uống khá thoải mái các món "dễ mập" không phải là "huyền thoại".
Hầu hết các khuyến nghị sức khỏe từ các cơ quan y tế hàng đầu trên thế giới khuyến nghị khoảng 150 phút hoạt động thể chất trung bình hoặc 75 phút hoạt động thể chất mạnh mẽ mỗi tuần để giữ sức khỏe.
Tuy nhiên rõ ràng để khỏe, đẹp dễ dàng hơn người khác, bạn sẽ cần siêng năng hơn ở mức tối thiếu 5 giờ tập/tuần.