Bệnh hay gặp từ làm việc sai tư thế
Ca sĩ Ưng Hoàng Phúc từng chia sẻ với báo giới rằng bản thân anh bị bệnh thoát vị đĩa đệm. Căn bệnh này đã khiến nam ca sĩ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, có lúc tưởng chừng phải buông bỏ sự nghiệp, kí giấy phẫu thuật vì quá đau. Nguyên nhân của căn bệnh này có thể là do sai tư thế trong sinh hoạt, ngồi xe lâu hoặc tập luyện không đúng cách.
Ca sĩ Ưng Hoàng Phúc chia sẻ đã phải chịu nhiều đau đớn vì căn bệnh thoát vị đĩa đệm. Ảnh TL
Theo BS Trần Quốc Khánh (Bệnh viện Việt Đức), thoát vị đĩa đệm là một trong những bệnh lý cơ xương khớp khá phổ biến và ngày càng trẻ hóa. Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý khi đĩa đệm nằm giữa 2 đốt sống bị trượt, lệch ra khỏi vị trí ban đầu do thoái hoá tuổi già, làm việc sai tư thế hay tai nạn, chấn thương vùng cột sống.
Mặc dù bệnh không đe dọa đến tính mạng nhưng thoát vị đĩa đệm rất nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời, đúng cách. Người bệnh sẽ có những cơn đau dai dẳng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, khó khăn trong di chuyển, vận động. Biến chứng nguy hiểm thường gặp là rối loạn cảm giác do chèn ép thần kinh; rối loạn cơ thắt; teo cơ chân tay, thậm chí liệt hoàn toàn, nói cách khác là tàn phế.
PGS.TS Hà Hoàng Kiệm – nguyên Trưởng khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng (BV 103) cho rằng, đĩa đệm cấu tạo gồm nhân nhày ở giữa, bao quanh nhân nhày là vòng sợi. Khi chẩn đoán là thoát vị đĩa đệm, tức nhân của đĩa đệm đã thoát ra ngoài chèn ép dây thần kinh và gây đau nhức.
Đĩa đệm khi bị thoái hóa hoặc thoát vị, thể tích đĩa đệm giảm, khoảng cách khoang gian đốt sống giảm gây di lệch hai diện khớp đốt sống. Các kích thích đau gây co cứng cơ cũng gây lệch vẹo cột sống, thúc đẩy quá trình thoái khoá khớp đốt sống và kích thích gây đau, tạo nên vòng xoắn bệnh lý.
Đa phần thoát vị đĩa đệm gặp ở người lớn tuổi do thoái hóa tự nhiên vì tuổi tác. Bởi càng già xương khớp, đĩa đệm càng trở nên lão hóa và rất dễ bị bào mòn, tổn thương. Nhưng hiện nay, rất nhiều người trẻ mắc phải do một số nguyên nhân khác như ngồi làm việc sau tư thế hoặc lao động nặng, làm việc quá sức…; do tai nạn, chấn thương; chế độ sinh hoạt không hợp lý, còn nhiều thói quen xấu như dùng chất kích thích, thuốc lá trong một thời gian dài, ăn uống không khoa học, thiếu chất. Bên cạnh đó, người bị béo phì, thừa cân cũng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh rất cao vì trọng lượng cơ thể lớn gây áp lực lên đĩa đệm.
Chú ý biểu hiện để điều trị sớm
Theo các chuyên gia, người bệnh khi bị thoát vị đĩa đệm tùy vào vị trí bị mà biểu hiện khác nhau. Song đều có triệu chứng giống nhau là cảm giác đau ở rễ thần kinh hoặc vùng cột sống. Các cơn đau thường theo từng đợt, kéo dài khoảng 1- 2 tuần. Nhiều người có cảm giác đau âm ỉ như bị kim châm, kiến cắn, có lúc đau dữ dội. Đặc biệt, khi người bệnh cúi người xuống hoặc ho, hắt hơi càng đau nhức hơn. Cơn đau thường lan xuống các bộ phận khác trên cơ thể từ đốt sống cổ đến vai, gáy, cánh tay….
Chẳng hạn, người bị thoát vị đĩa đệm ở vùng cột sống thắt lưng gây đau thắt lưng cấp hay mạn tính, đau thần kinh tọa một hay cả hai bên. Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gây đau cổ, đau vai gáy, đau cánh tay…
Tùy vào mức độ nặng nhẹ đề điều trị thoát vị đĩa đệm, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật. Điều trị bảo tồn bằng dùng thuốc giảm đau, giãn cơ, chống viêm, chế độ sinh hoạt…; vật lý trị liệu với các biện pháp massage, châm cứu, liệu pháp nhiệt… Phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm sẽ áp dụng cho những bệnh nhân không đáp ứng với việc điều trị bảo tồn từ 6 tháng đến 1 năm.
PGS.TS Hoàng Kiệm khuyên, khi có bất kể vấn đề gì về xương khớp, cột sống, người bệnh cần đi khám để phát hiện, điều trị kịp thời. Tránh dùng thuốc theo mách bảo vừa mất thời gian điều trị bệnh vừa dễ gặp biến chứng nguy hiểm. Nếu dùng các phương pháp xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu… cũng cần tìm đến các cơ sở uy tín có giấy phép hoạt động chính thức của Bộ Y tế. Phương pháp kéo giãn cột sống giúp điều chỉnh lại các di lệch, đặt lại vị trí khớp đốt sống, điều chỉnh tư thế lệch vẹo cột sống, giúp giảm đau, giảm tiến triển của quá trình thoái hoá khớp đốt sống.
Để phòng tránh bệnh, chuyên gia khuyến cáo mọi người chú ý rèn luyện, tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên, không quá sức để nâng cao thể lực. Đặc biệt là giữ cột sống vững chắc với chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Làm việc, học tập ngồi đúng tư thế, tránh cúi người khiêng vác vật nặng; tránh mọi chấn thương cho cột sống; Giảm cân với những người béo phì….
Người bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng áp dụng các bài tập tăng cường sự dẻo dai của các khối cơ lưng và cơ bụng theo hướng dẫn của kĩ thuật viên vật lý trị liệu. Có thể đi bộ trên nền phẳng, bơi, đạp xe.