Nhiều người chết trẻ vì đau tim
Ngày 10/4, người đứng đầu đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam Toàn cầu 2017 xác nhận Jacqueline Đặng qua đời ở tuổi 22 tại Mỹ sau một cơn đau tim đột ngột. Sự đi của cô khiến nhiều nghệ sĩ ở hải ngoại và khán giả bàng hoàng.
Jacqueline Đặng sinh năm 1998 tại California, và được biết đến với sự tham gia tích cực các hoạt động xã hội. Ngay từ khi còn nhỏ, cô đã có niềm đam mê với nghệ thuật và thường xuyên tham gia các lớp học người mẫu, diễn viên. Năm 19 tuổi, Jacqueline Đặng đăng quang Hoa hậu Việt Nam Toàn cầu (một cuộc thi sắc đẹp được tổ chức tại Mỹ).
Hoa hậu Việt Nam toàn cầu Jacqueline Đặng qua đời ở tuổi 22
Căn bệnh khiến Hoa hậu Việt Nam toàn cầu qua đời ở độ tuổi 22 này thực tế có rất nhiều người trẻ gặp phải. Trước đó, không hiếm các trường hợp đột tử do đau tim, ngừng tim xảy ra đối với vận động viên khỏe mạnh, thanh niên và trẻ em…
Theo các chuyên gia y tế, cơn đau tim xảy ra khi động mạch dẫn đến tim bị tắc nghẽn đâu đó, làm giảm lưu lượng máu và oxy đến cơ tim. Nếu không điều trị kịp thời, cơ tim bắt đầu chết, gây tổn thương vĩnh viễn cho tim và thậm chí gây tử vong.
Thế giới mỗi năm có 7,3 triệu người chết do bệnh nhồi máu cơ tim. Ở Việt Nam tỷ lệ bệnh nhân nhồi máu cơ tim hàng năm tăng từ 15-20%. Căn bệnh này ngày càng trẻ hóa khi tỷ lệ người trẻ mắc ngày càng nhiều.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng ngày càng nhiều người trẻ chết vì đau tim là lối sống thiếu lành mạnh. Cùng với đó, môi trường làm việc bận rộn, áp lực căng thẳng kéo dài. Khi không được nghỉ ngơi hợp lý làm ảnh hưởng đến hệ tim mạch dẫn đến việc tim làm việc quá tải, đập nhanh, rối loạn nhịp tim. Tim sẽ bị tổn thương khi tình trạng này kéo dài và ở thời điểm thuận lợi dẫn tới bị co thắt động mạch vành, nhồi máu cơ tim...
Những dấu hiệu không nên bỏ qua
PGS.TS Hà Hoàng Kiệm – nguyên Chủ nhiệm Khoa Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng (Bệnh viện Quân y 103) cho biết, bệnh tim mạch, ngừng tim có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và có xu hướng xuất hiện ngày càng tăng ở người trẻ. Người trẻ hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân của các cơn đau tim.
Thường cơn đau tim đến bất ngờ và dữ dội. Các triệu chứng đau tim có thể khó phát hiện chắc chắn vì ở mỗi người khác nhau, nhưng một vài dấu hiệu có thể giúp bạn nhận biết một cơn đau tim xảy ra:
+ Đau ngực: Lúc đầu thường đau cấp tính giống cơn đau ngực điển hình nhưng dữ dội hơn và kéo dài hơn, người bệnh có cảm giác như bị ép mạnh sau xương ức hay cảm giác sắp chết, hốt hoảng. Nếu trước đó đã bị đau ngực, thường có cảm giác đau khác các cơn đau khác. Có thể đau khi nhiều, khi ít và cơn đau có thể tồn tại nhiều giờ.
Cơn đau thường ở sau xương ức lan ra sau cả 2 tay, lên vùng họng hay dưới hàm, hay vùng bụng trên. Có thể nhầm với viêm tụy cấp, viêm túi mật.
+ Một số trường hợp không đau ngực nhưng có cảm giác khó tiêu hay có khối trong lồng ngực mơ hồ, những cảm giác này chỉ gây khó chịu. Có thể có cảm giác khó thở hay có cảm giác bị ép sau xương ức, bị nấc cụt do kích thích cơ hoành khi nhồi máu cơ tim thành dưới.
+ Nhịp tim nhanh, buồn nôn, nôn.
Bác sĩ cảnh báo, nhồi máu cơ tim cấp là một cấp cứu nội khoa cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Các biện pháp điều trị hiện đại như can thiệp động mạch vành thì đầu sẽ cứu sống bệnh nhân. Người bệnh sẽ nguy hiểm tính mạng khi không được can thiệp kịp thời.
Khi nghi ngờ ai đó gặp cơn đau tim cần phải gọi xe cấp cứu ngay lập tức. Hãy ngồi hoặc nằm xuống trong khi chờ đợi bộ phận y tế đến, đừng tự mình đi xe đến bệnh viện. Thời gian tốt nhất để một cơn đau tim được tiếp cận với điều trị là trong vòng 1-2 giờ từ khi khởi phát triệu chứng đầu tiên.
Để phòng chống căn bệnh này, mọi người cần thay đổi lối sống, kiểm soát tốt huyết áp, đường máu, mỡ máu. Mọi người cần ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý sau những giờ hoạt động. Với những trường hợp có bệnh đái tháo đường, rối loạn lipit máu, béo phì, căng thẳng, tăng huyết áp… cần thăm khám định kỳ, theo dõi dự phòng nhồi máu cơ tim như xét nghiệm sinh hoá máu, siêu âm tim, chụp động mạch vành…