Trong gala nhạc kịch The Devil Wears Prada mới đây, nam ca sĩ Elton John cho biết ông không thể xem buổi diễn do vấn đề về thị lực. Hồi tháng 9, chủ nhân ca khúc I'm still standiing tiết lộ bản thân mắc một dạng bệnh nhiễm trùng mắt nghiêm trọng khi đang ở Pháp. Căn bệnh khiến ông bị mù mắt phải, mắt trái chỉ còn thị lực hạn chế.
"Tôi đang hồi phục, nhưng đó là một quá trình cực kỳ chậm và sẽ mất một thời gian trước khi thị lực trở lại. Tôi rất biết ơn đội ngũ bác sĩ và y tá xuất sắc cùng gia đình, những người đã chăm sóc tôi rất tốt trong vài tuần qua", ông chia sẻ trên trang cá nhân.
Một trong những dạng bệnh nhiễm trùng mắt phổ biến nhất là viêm kết mạc, thường không đe dọa đến thị lực, có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Dạng viêm kết mạc đầu tiên do virus gây ra, khiến mắt người bệnh bị kích ứng và có cảm giác cộm, ngứa kèm theo chảy nước mắt hoặc dịch nhầy.
Viêm kết mạc do vi khuẩn là loại phổ biến thứ hai. Mắt người bệnh thường tiết dịch vàng hoặc xanh lá cây, có thể đóng vảy trên mí và lông mi. Bệnh thường khỏi trong một hoặc hai tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bác sĩ thường kê thuốc nhỏ mắt kháng sinh, giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn.
Những người đỏ mắt, đau và ngứa vào những thời điểm nhất định trong năm có thể bị viêm kết mạc dị ứng, thường đi kèm với triệu chứng sốt. Khoảng 40% số người bị viêm kết mạc dị ứng tại một số thời điểm. Bác sĩ thường điều trị bằng thuốc kháng histamine nhỏ mắt và thuốc viên.
Một số người có thể bị viêm kết mạc do bệnh lây truyền qua đường tình dục như chlamydia và lậu. Đây là tình trạng nghiêm trọng, cần được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt. Vi khuẩn có thể lây lan từ bộ phận sinh dục sang mắt thông qua việc tiếp xúc tay - mắt. Bệnh nhân gặp tình trạng chảy nước mắt hoặc mủ, ngứa, đỏ, sưng mắt và nhạy cảm với ánh sáng.
Huyền thoại âm nhạc Elton John. Ảnh: Rock and Roll Hall of Fame
Các tình trạng nghiêm trọng hơn
Các bệnh về mắt nghiêm trọng hơn, gây ra tình trạng mất thị lực như Elton John hiếm gặp hơn. Tiến sĩ Charlotte Codina, chuyên gia nhãn khoa tại Đại học Sheffield, cho biết ông có thể bị viêm mô tế bào ổ mắt, viêm nội nhãn hoặc viêm giác mạc nhiễm trùng.
Ở người mắc viêm mô tế bào ổ mắt, các mô xung quanh mắt bị nhiễm trùng, viêm và sưng lên. Ca nhiễm xảy ra ở trẻ em nhiều hơn người lớn, hầu hết sau một đợt xoang nặng, lây lan sang ổ mắt (khoang xương trong hộp sọ chứa mắt và các cấu trúc xung quanh). Da xung quanh mắt sẽ bị đau, đỏ và sưng. Bệnh nhân có thể bị sốt, hoa mắt, đau đầu và mất thị lực, cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Viêm nội nhãn là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng ảnh hưởng đến dịch bên trong mắt. Bệnh thường xảy ra khi mắt bị dị vật xâm nhập, có thể sau phẫu thuật, sau khi tiêm mắt, sau tai nạn nghiêm trọng hoặc một đợt mắc nhiễm trùng giác mạc nặng
Viêm giác mạc xảy ra khi bề mặt trước của mắt - giác mạc hình vòm trong suốt ở phía trước đồng tử - bị viêm. Người bệnh thường gặp tình trạng này sau khi bị thương, bề mặt giác mạc khô do đeo kính áp tròng quá lâu. Ổ nhiễm trùng giác mạc là nơi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng lây nhiễm vào giác mạc.
Người đeo kính áp tròng cần vệ sinh cẩn thận, tháo kính trước khi bơi vì những sinh vật này bị thu hút vào khoảng trống giữa kính áp tròng và mắt. Nước từ các bể sục nước nóng, sông và hồ có thể chứa những sinh vật này. Thông thường, chúng không gây nguy hiểm cho mắt có giác mạc khỏe mạnh. Nhưng nếu bề mặt giác mạc bị tổn thương, có thể do đeo kính áp tròng quá lâu, nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.
Để tránh tình trạng nhiễm trùng mắt nói chung, mọi người cần vệ sinh mắt, tay đều đặn, tránh để nhiễm trùng lây lan. Chuyên gia khuyến nghị rửa tay kỹ, thường xuyên, tránh chạm hoặc dụi mắt.
"Nhiễm trùng do virus, nấm và vi khuẩn rất dễ lây lan, vì vậy hãy vứt bỏ các loại khăn lau dùng một lần, nhỏ thuốc rửa mắt đều đặn. Bạn nên tránh dùng chung đồ cá nhân, chẳng hạn khăn mặt và khăn tắm. Và nếu bị nhiễm trùng mắt, tránh trang điểm mắt cho đến khi bạn khỏi bệnh", tiến sĩ Codina nói.
Nước mắt nhân tạo (không có chất bảo quản) có thể giúp loại bỏ các chất gây dị ứng và kích ứng. Chuyên gia khuyến cáo không đeo kính áp tròng quá lâu, đi khám ngay nếu bị ngứa, đỏ, cộm mắt trong thời gian quá dài. Mọi người cần đặc biệt chú ý đến các tình trạng như giảm thị lực, đau mắt, sưng tấy, đau đầu, hoa mắt, sốt.