Bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (Covid-19)
Sau 99 ngày chưa có thêm ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi đã xuất hiện 4 ca dương tính chưa rõ nguyên nhân, khiến người dân lo ngại về làn sóng dịch thứ hai bùng phát.
Trong khi đó, nhiều nước vẫn chưa vượt qua được làn sóng thứ nhất. Ngày 19/7, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca nhiễm mới tăng gần 260.000 trong 24h – đây là mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ đầu dịch. Hiện vẫn chưa có vaccine cho virus này, nên nếu thiếu cảnh giác, dịch bệnh có thể trở lại bất kỳ lúc nào.
Virus Corona chủ yếu lây truyền từ các giọt bắn văng ra khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc thở ra. Bạn có thể bị nhiễm bệnh khi hít phải virus nếu đang ở gần người nhiễm Covid-19 hoặc chạm vào bề mặt có virus, rồi lại chạm tay vào mắt, mũi hoặc miệng. Bệnh có khả năng biến chứng nặng ở những người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch, nhưng người trẻ tuổi vẫn có khả năng nhiễm bệnh nếu không biết cách chủ động phòng chống.
Bệnh bạch hầu
Tính đến sáng 21/7, số người mắc bệnh bạch hầu đã lên đến 99 ca - cao gấp 5 lần con số trung bình hằng năm, trong đó có 3 ca tử vong, và vẫn còn gia tăng tiếp tục.
Nhiễm ngoại độc tố bạch hầu là có giả mạc trắng ngà hoặc màu xám, dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu. Biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh và/hoặc viêm cơ tim dẫn đến tử vong trong vòng 6 – 10 ngày, với tỷ lệ tử vong cao khoảng 5 - 10%. Tuy nhiên, bệnh thường khởi đầu với biểu hiện dễ bị nhầm lẫn với viêm họng, viêm amidan, khiến rất nhiều người không phát hiện và điều trị sớm.
Nguyên nhân gây lây lan bạch hầu diện rộng là do việc bảo vệ sức khỏe chủ động kém, bao gồm tiêm chủng và vệ sinh cá nhân. Trẻ từ 2 - 24 tháng tuổi được tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu, nhưng khả năng miễn dịch chỉ kéo dài khoảng 10 năm. Nếu không tiêm đầy đủ/nhắc lại thì người lớn vẫn có nguy cơ lây nhiễm. Điều này thể hiện rõ khi những năm gần đây đều ghi nhận phần lớn các ca mắc là trẻ hơn 10 tuổi và người lớn.
Đồng thời, vi khuẩn bạch hầu dễ dàng truyền qua bằng con đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp; hoặc gián tiếp qua các bề mặt, đồ vật có dính chất bài tiết của người mang vi khuẩn. Vì vậy, ngoài việc chích ngừa đầy đủ, biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn ảnh hưởng của bạch hầu chính là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh thân thể.
Bệnh tay chân miệng
Tại Việt Nam, tay chân miệng (TCM) nằm trong 10 bệnh truyền nhiễm cần khai báo dẫn đầu về tỉ lệ mắc và tử vong. Bệnh có tính chất truyền nhiễm cấp tính có thể gây thành dịch lớn. Chỉ riêng tháng 6 – 7/2020, Bệnh viện Nhi Trung Ương cho biết số bệnh nhi mắc TCM nhập viện đã tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ 2019.
Bệnh do virus đường ruột (Enterovirus) gây ra gồm: Coxsackievirus (thường gặp A16) và Enterovirus 71 (thường gặp EV71). Dù vậy, con đường lây lan chủ yếu lại là qua tiếp xúc với dịch tiết (từ mũi, nước bọt, nốt phỏng) khi tương tác trực tiếp với người mang mầm bệnh; hoặc gián tiếp qua việc đụng chạm bề mặt dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi... bị dính virus.
Đối tượng thường mắc bệnh là nhóm trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là nhóm dưới 3 tuổi, do giai đoạn này trẻ tiếp xúc nhiều với môi trường xung quanh, nhưng chưa có ý thức tự giữ vệ sinh. Nhưng người trưởng thành cũng không tránh khỏi.
Triệu chứng bọng nước trên lòng bàn tay, bàn chân, trong miệng ban đầu, thường bị nhầm với thủy đậu, viêm da hay nhiệt miệng, khiến mọi người chủ quan, điều trị sai cách và làm bệnh lan tràn.
Tình trạng nặng gây sốt cao liên tục khó dứt, nguy cơ biến chứng về thần kinh, hô hấp, thậm chí đe dọa tử vong. Đặc biệt, bệnh do nhiều loại virus khác nhau gây ra và hiện chưa có vaccine, nên bất kể độ tuổi nào đều có thể bị tái nhiễm.
Trước dự báo nguy cơ gia tăng trong thời gian tới đây, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã gửi Công văn Khẩn chỉ đạo tích cực công tác vệ sinh chống dịch bệnh TCM. Trong đó, việc sát khuẩn môi trường sống/đồ chơi, và rửa tay với xà phòng là biện pháp hàng đầu.
Vệ sinh đúng cách, không chủ quan giúp giảm tỉ lệ lây nhiễm
Dù tác động đến sức khỏe khác nhau, ba bệnh này đều có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong cao, và hầu hết chưa có vaccine hay thuốc đặc trị. Mọi người đều có nguy cơ lây nhiễm dễ dàng thông qua trực tiếp tiếp xúc, hoặc gián tiếp qua đồ vật, bề mặt đã bị nhiễm vi khuẩn, virus do chúng có khả năng sống ngoài không khí, với tuổi thọ tùy thuộc vào chất liệu bề mặt, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng...
Nguy hiểm hơn, không phải ai bị lây nhiễm cũng biểu hiện bệnh ngay lập tức khiến mọi người chủ quan; đừng quên rằng, chỉ cần mang mầm bệnh, là bạn đã "đủ chuẩn" trở thành nguồn lây cho mọi người xung quanh, đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn tuổi.
Chính vì thế, trong hầu hết tài liệu hướng dẫn phòng chống bệnh lây nhiễm, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng luôn là biện pháp được ưu tiên chú trọng. Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rửa tay sạch giúp giảm tới 35 - 47% nguy cơ nhiễm TCM, tiêu chảy, thương hàn… và giảm một nửa số ca tử vong do viêm phổi và 25% các ca do bệnh liên quan đến hô hấp.
Bác sĩ Phạm Lê Duy (Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết: "Rửa tay với xà phòng là một trong những biện pháp quan trọng giúp hạn chế lây lan vi sinh vật gây bệnh được các nhà nghiên cứu trên thế giới công nhận. Không chỉ giảm lây lan chéo và nhiễm trùng bệnh viện, mà còn là bảo vệ sức khỏe cá nhân, giảm lây lan các dịch bệnh nguy hiểm trong cộng đồng".