Tiểu Vương năm nay 20 tuổi sống tại Phúc Kiến (Trung Quốc). Cách đây 3 tháng Tiểu Vương bỗng nhiên thấy đau bụng dữ dội, cậu cho rằng mình bị đau dạ dày nên đã tự mua thuốc dạ dày về uống.
Không ngờ vài ngày trước, vào lúc nửa đêm Tiểu Vương lại bị đau dữ dội ở vùng bụng trên, kèm theo đau lưng, nôn mửa, ngay lập tức Tiểu Vương được gia đình đưa đến bệnh viện Phúc Kiến (Trung Quốc) điều trị.
Qua kết quả kiểm tra sơ bộ, bác sĩ Chúc Trường Hoa, phó trưởng khoa phẫu thuật gan mật và tuyến tụy bệnh viện Phúc Kiến cho biết nguyên nhân đau bụng của Tiểu Vương không phải ở dạ dày mà là do sỏi túi mật. Sau khi được chẩn đoán, phẫu thuật và điều trị tích cực, sức khỏe của Tiểu Vương đã ổn định, nhưng cơn đau bụng dữ dội vào đêm hôm đó khiến Tiểu Vương vẫn còn vô cùng bàng hoàng và sợ hãi.
Bác sĩ Chúc Trường Hoa (trái)
Tiểu Vương là chàng trai trẻ vô cùng bận rộn, cậu thức khuya dậy muộn nên thường xuyên bỏ bữa sáng, chính điều này làm gián đoạn quá trình bài tiết bình thường của mật.
"Túi mật có thể lưu trữ và cô đặc mật, có vai trò rất quan trọng đối với hệ tiêu hóa. Túi mật thải mật đều đặn sau ba bữa ăn mỗi ngày, mật đi vào ống tiêu hóa có vai trò tiêu hóa thức ăn vì mật là cô đặc và lưu trữ trong túi mật vào ban đêm nếu bạn không ăn sáng, dịch mật sẽ không được thải ra ngoài kịp thời và dễ hình thành sỏi khi đọng lại trong túi mật". Bác sĩ Chúc Trường Hoa cho biết.
Bác sĩ cảnh báo những nguyên nhân phổ biến hình thành sỏi mật
Phó Giáo sư bác sĩ Lưu Yên Nam thành viên Nhóm Ung thư Gan thuộc Chi hội Gan mật của Hiệp hội Y tế Bắc Kinh (Trung Quốc) đưa ra những nguyên nhân dẫn đến hình thành sỏi mật:
- Có liên quan đến béo phì: Những người có trọng lượng cơ thể vượt quá 15% so với tiêu chuẩn bình thường có nguy cơ bị sỏi mật cao gấp 5 lần người bình thường.
- Túi mật bị viêm mãn tính, thay đổi cấu trúc và chức năng của niêm mạc túi mật, nhiễm trùng đường mật cũng có thể làm cho niêm mạc của đường mật tiết ra một lượng lớn glycoprotein, chất này có thể kết tụ nhiều chất kết tủa với nhau tạo thành ma trận sỏi.
- Thói quen ăn uống là yếu tố chính ảnh hưởng đến việc hình thành sỏi mật, người thường xuyên ăn kiêng, bỏ bữa sáng dễ khiến mật đặc, thay đổi tỷ lệ các thành phần mật, gây ứ mật, dễ hình thành các tinh thể cholesterol, lâu dần sẽ hình thành sỏi.
- Rối loạn chuyển hóa cholesterol, mang thai có thể thúc đẩy sự hình thành sỏi túi mật, và số lần mang thai tương quan thuận với tỷ lệ mắc sỏi túi mật.
Làm thế nào để ngăn ngừa sự xuất hiện của sỏi mật?
Mặc dù có những người dễ bị sỏi mật (phụ nữ béo phì trên 40 tuổi) nhưng việc điều chỉnh thói quen sinh hoạt vẫn có tác dụng tích cực trong việc phòng ngừa sỏi túi mật.
Chế độ ăn uống phải đều đặn: không được bỏ bữa sáng, ăn uống đều đặn (ba bữa một ngày) để dịch mật được thải ra ngoài đều đặn và không bị cô đặc quá mức nên có thể ngăn ngừa sự hình thành sỏi.
Chế độ ăn uống hợp lý: tránh thói quen ăn nhiều chất béo, nhiều calo và duy trì cân nặng hợp lý. Ăn thực phẩm giàu chất xơ có thể cải thiện sự trao đổi chất cholesterol và giúp ngăn ngừa sự hình thành của sỏi.
Người ăn chay nên bổ sung hợp lý lecithin: Một số người ăn chay không bổ sung đủ lecithin, và quá nhiều xenluloza trong chế độ ăn chay sẽ cản trở quá trình tái hấp thu axit mật và làm giảm nồng độ muối mật của mật, do đó cần bổ sung lecithin một cách hợp lý.
Kiểm soát cân nặng: duy trì thói quen tập thể dục, tránh ngồi lâu trong thời gian dài như sử dụng máy tính lâu, xem TV lâu sau bữa ăn tối...
Nguồn: QQ, Youlai, Pinterest