Chàng trai Hà Nội được "làm lạnh toàn thân" cứu sống sau khi ngừng tim, ngừng thở

Các bác sĩ Bệnh viện E đã cứu sống một bệnh nhân bằng việc áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy. Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Cấp cứu trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim, đồng tử 2 bên giãn tối đa, phản xạ ánh sáng yếu, tím tái toàn thân, tiên lượng hết sức nặng nề.
Chàng trai Hà Nội được làm lạnh toàn thân cứu sống sau khi ngừng tim, ngừng thở - Ảnh 1.

Chàng trai Hà Nội được cứu sống thần kỳ (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Chết đi sống lại và sự hồi phục thần kỳ

Bệnh nhân may mắn là anh N.A.T (26 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội). Bệnh nhân được cấp cứu 115 chuyển đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện E vào hồi 07h50, ngày 25/2/2021 trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim, đồng tử 2 bên giãn tối đa, phản xạ ánh sáng yếu, tím tái toàn thân, tiên lượng hết sức nặng nề. Các bác sĩ nhận định, đây là một trường hợp người bệnh trẻ tuổi nên đã báo động đỏ tập trung cấp cứu bệnh nhân.

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sỹ Khoa Cấp cứu nhanh chóng tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân, khôi phục nhịp tim nhưng bệnh nhân vẫn trong vào tình trạng hôn mê sâu và phải duy trì phối hợp thuốc vận mạch liều cao để duy trì nhịp tim - huyết áp. Ngay lập tức, cuộc hội chẩn giữa các bác sĩ của Khoa Cấp cứu, Trung tâm Tim mạch và Khoa Hồi sức tích cực - chống độc để tìm nguyên nhân và thảo luận phương pháp điều trị hiệu quả cứu sống bệnh nhân tốt nhất. Cuối cùng các bác sĩ đã đưa ra phương án: vừa phải áp dụng các biện pháp hồi sức cứu sống bệnh nhân, vừa phải giảm tối đa việc để lại di chứng tổn thương não rất nặng nề cho bệnh nhân.

Kết quả nhờ sự phối hợp cấp cứu nhanh chóng của đội ngũ bác sĩ Khoa Cấp cứu cùng sự nỗ lực của tập thể các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, việc hồi sức kịp thời và áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt sớm đã giúp cứu sống bệnh nhân thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. Tiến hành kỹ thuật hạ thân nhiệt để bảo vệ não, giảm thiểu di chứng thần kinh cho bệnh nhân, bên cạnh các biện pháp hồi sức như thở máy, lọc máu liên tục… Tín hiệu đáng mừng là sau khi tiến hành can thiệp các biện pháp hồi sức tích cực và quy trình 24 giờ hạ thân nhiệt chỉ huy, bệnh nhân đã ổn định hơn, có nhịp tự thở, đồng tử của bệnh nhân đã co nhỏ, có phản xạ rõ. Sau ngày thứ 5 điều trị, bệnh nhân đã có các phản xạ cựa chân tay khi kích thích đau, huyết áp bệnh nhân gần như ổn định trở lại. Sau ngày thứ 7, bệnh nhân đã mở mắt theo y lệnh. Đến nay, sau hơn 1 tháng ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, phục hồi vận động, tự ăn uống và đi lại được.

Hành trình đi tìm căn nguyên mắc bệnh của bệnh nhân trẻ tuổi

Điều đặc biệt chưa dừng lại, bệnh nhân sau khi ổn định, không phải nằm tại Khoa Hồi sức. Các bác sĩ quyết tâm đi tìm lời giải cho căn nguyên mắc bệnh. Với lợi thế, Bệnh viện E là Bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh nên bệnh nhân đã được các bác sĩ Trung tâm Tim mạch tiến hành các thăm dò chuyên sâu tìm nguyên nhân: theo dõi điện tim liên tục trong 24 giờ, chụp điện sinh lý kích thích, chụp động mạch vành.

Qua các thăm dò chuyên sâu về tim mạch, các bác sĩ đã phát hiện tim của bệnh nhân có các sóng tái khử cực (sóng J), nghi ngờ bệnh nhân có biểu hiện của hội chứng tái khử cực sớm (ERS). Đây là một trong những nguyên nhân gây đột tử ở những người trẻ tuổi. Để điều trị và dự phòng triệt để, máy khử rung tự động phòng chống đột tử (ICD) đã được các chuyên gia can thiệp của Trung tâm Tim mạch cấy thành công cho bệnh nhân. Nhờ đó, bệnh nhân đã trở lại cuộc sống thường ngày như chưa hề trải qua những ngày thập tử nhất sinh.

Tận dụng cơ hội vàng cứu bệnh nhân sau ngừng tuần hoàn

BSCKII Vũ Hải Vinh – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện E, giải thích ngừng tim (còn gọi là ngừng tuần hoàn) là nguyên nhân của nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau. Dù cấp cứu ngừng tim thành công, tim đập trở lại, nhưng với những bệnh nhân bị ngừng tim ngoại viện, thì tỉ lệ sống sót cũng chỉ dưới 10%, nhiều bệnh nhân sống sót có di chứng thần kinh nặng nề, nguyên nhân chính sau ngừng tuần hoàn: tổn thương não, tổn thương tim và các phản ứng viêm có hại khác... Hậu quả là phù não, viêm và hoại tử dẫn tới chết não và tử vong.

Vì vậy, các bác sĩ đã lựa chọn áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt theo mục tiêu để cứu sống bệnh nhân sau ngừng tuần hoàn. Kỹ thuật hạ thân nhiệt theo mục tiêu là phương pháp điều trị sử dụng kỹ thuật giúp kiểm soát thân nhiệt người bệnh ở mức 32-36oC trong vòng 24 giờ - 72 giờ sau cấp cứu ngừng tuần hoàn thành công. Sau đó sẽ duy trì ở nhiệt độ này trong vòng 24 giờ để giúp bảo vệ cho tế bào não tránh tổn thương và hồi phục. Sau 24 giờ, máy sẽ làm ấm bệnh nhân theo chương trình rất chặt chẽ nâng dần nhiệt độ bệnh nhân 0,25 độ/giờ cho tới khi đạt nhiệt độ bình thường.

Đây là một kỹ thuật tiên tiến được nghiên cứu và đưa vào phác đồ cấp cứu ở nhiều nước trên thế giới giúp hạn chế các tổn thương tế bào não và cải thiện kết cục thần kinh. Biện pháp này đã được chứng minh bằng nhiều thử nghiệm, nghiên cứu lớn qua nhiều năm. Trên thực tế, hồi sức bệnh nhân sau cấp cứu ngừng tim phối hợp với sử dụng phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy đã được thực hiện thường quy trên thế giới. Hội tim mạch Hoa Kỳ đã đưa ra các khuyến cáo mạnh trong các hướng dẫn gần đây. Theo các nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh, hạ thân nhiệt chỉ huy giúp giảm tỉ lệ tử vong xuống 14% và giảm độ di chứng tàn phế xuống là 11%.

ThS.BS Nguyễn Đình Thuyên – Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc chia sẻ: “Thời gian vàng cho người bệnh để tiến hành kỹ thuật hạ thân nhiệt là trước 6 giờ. Nếu bệnh nhân đưa vào cấp cứu sau 6 tiếng thì hiệu quả sẽ không như mong muốn”. Tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện E, kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy được áp dụng thành công không chỉ giúp cứu sống nhiều bệnh nhân ngừng tuần hoàn ngoại viện, mà còn có thể áp dụng nhiều trong các bệnh lý khác như kiểm soát thân nhiệt trong hồi sức thần kinh sọ não như: đột quỵ nhồi máu não, xuất huyết não và chấn thương sọ não nặng.