A Minh (tên nhân vật đã được thay đổi) năm nay 30 tuổi, còn độc thân và sống cùng bố mẹ tại Quý Châu, Trung Quốc. Tranh thủ cuối tuần, anh cùng một số người bạn rủ nhau đi câu cá ở sông. A Minh câu được một con cá chép bạc nặng khoảng hơn 2kg và quyết định dùng làm món lẩu vào bữa tối.
Trong lúc đang mổ cá, một người bạn của A Minh kể từng nghe ai đó nói mật cá chép bạc rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là sinh lý nam và cải thiện thị lực. A Minh vốn bị cận lại đã ngà ngà say nên không cần kiểm chứng mà nhanh chóng nuốt sống chiếc mật cá to bằng đầu ngón tay. Cảm thấy hơi đắng nên anh vội vã uống thêm nửa chai bia.
Khoảng hai tiếng sau, A Minh bắt đầu cảm thấy nôn nao trong người, chóng mặt và rất mệt mỏi. Tuy nhiên bạn bè chỉ cho rằng anh say nên một người đưa anh về tận nhà nghỉ ngơi. Lúc này, A Minh mới thử tra cứu trên mạng và thấy nhiều thông tin cho rằng ăn sống mật cá gây ngộ độc. Anh lập tức vào nhà vệ sinh dùng ngón tay móc họng để nôn và nghĩ rằng như vậy là ổn nên không lo lắng gì nữa mà tắm qua loa rồi lên giường ngủ.
Chàng trai suy gan và thận, rối loạn đông máu nguy kịch sau khi ăn mật cá sống (Ảnh minh họa)
Không ngờ, càng nằm anh càng cảm thấy đau bụng tới mức không ngủ được. Buồn tiểu nhưng không tiểu ra được. Nhìn vào gương nhà vệ sinh thì thấy da mặt mình tím tái, mắt và cổ có màu vàng nên vội vã gọi người nhà đưa tới bệnh viện.
Bác sĩ tại bệnh viện địa phương kết luận A Minh bị ngộ độc do ăn mật cá sống, tình trạng nguy kịch. Sau khi rửa dạ dày, bảo vệ gan, bảo vệ dạ dày cùng các phương pháp điều trị triệu chứng và hỗ trợ khác, anh được chuyển đến khoa cấp cứu của Bệnh viện liên kết số 1 thuộc Trường Y Đại học Chiết Giang (Chiết Giang, Trung Quốc) để được điều trị tốt hơn.
Tại đây, các bác sĩ phát hiện giá trị alanine aminotransferase ở gan của A Minh vượt quá 10.000 (bình thường là dưới 50) - tức là gấp hàng trăm lần giá trị bình thường. Anh có các triệu chứng điển hình của bệnh suy gan, suy thận và rối loạn đông máu cấp tính do ngộ độc, tính mạng “ngàn cân treo sợi tóc”. May mắn là với sự nỗ lực suốt nhiều giờ của đội ngũ y bác sĩ từ nhiều khoa khác nhau, cuối cùng anh đã thoát khỏi cơn nguy kịch và được chuyển sang phòng chăm sóc đặc biệt ICU vào sáng sớm hôm sau.
Bác sĩ Chu Tian tại Khoa Cấp Cứu của bệnh viện cho biết, mật cá là bộ phận cực độc trong con cá, thậm chí có thể nói độc như thạch tín nhưng rất nhiều người lại coi nó như “thần dược”. Điều này dẫn tới số ca ngộ độc, tử vong vì ngộ độc khi ăn mật cá không hề hiếm, thường tăng mạnh hơn vào mùa hè và cũng thường phổ biến hơn ở các vùng nông thôn.
“Mật cá là túi mật của con cá, nằm ở phía bụng của thân cá, chủ yếu dùng để chứa mật do gan tụy của cá tiết ra và đóng vai trò tiêu hóa. Ngộ độc mật cá là một dạng ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng. Mật cá có chứa axit cholic, axit taurocholic, axit hydrocyanic, natri carpyl sunfat hòa tan trong nước, histamine và các chất độc khác. Trong đó độc nhất là axit hydrocyanic, độc hơn so với cùng một lượng arsenic - thường gọi là thạch tín.
Đặc biệt, những chất độc này không thể bị tiêu hủy bằng cách đun nóng, nấu nướng hay uống rượu nên dù mật cá hấp chín ăn hay mật cá tươi, đã ngâm rượu vẫn có thể gây ngộ độc. Trong khi ngộ độc mật cá có thể gây rất nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhưng lại chưa có thuốc giải độc đặc hiệu và có thể gây tử vong” - bác sĩ Chu nhắc nhở.
Ông cũng nhấn mạnh rằng sau khi nhiễm độc mật cá, bệnh phát triển rất nhanh, thời gian ủ bệnh khoảng nửa giờ đến sáu giờ. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng về đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và nôn có thể xảy ra. Khi bệnh tiến triển, triệu chứng vàng da và củng mạc, mệt mỏi, chán ăn, đau gan, thiểu niệu, vô niệu, phù mặt và chi dưới và đau thắt lưng có thể xảy ra. Các triệu chứng, hội chứng rối loạn chức năng đa cơ quan và sốc có thể xảy ra trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng.
Bác sĩ nhắc nhở mật cá độc ngang với thạch tín, không được ăn dù sống hay chín hoặc ngâm rượu (Ảnh minh họa)
Chỉ 1 gam mật cá cũng có thể gây ngộ độc, cá càng lớn thì kích thước mật cũng càng lớn và chất độc cũng nhiều hơn. Lượng độc từ mật cá của 1 con cá 5 - 6kg đủ để giết chết một người trưởng thành. Vì vậy, bác sĩ Chu khuyến cáo: “Đừng bao giờ ăn mật cá dù sống hay chín. Khi giết mổ cá phải làm sạch mật, không may mật cá bị vỡ cần nhanh chóng làm sạch và cắt bỏ phần thịt nhiễm mật. Nếu lượng cá nhiễm mật bị vỡ quá nhiều hãy vứt bỏ cả con cá thay vì tiếc rẻ mà rước họa vào thân.
Cũng nên cẩn thận không để mật cá bắn vào mắt vì mật cá có chứa chất độc có thể gây viêm kết mạc, giảm thị lực và thậm chí là mù lòa. Khi nuốt phải mật cá, cần đi khám càng sớm càng tốt và rửa dạ dày thật kỹ hoặc gây nôn để loại bỏ chất độc”.
Nguồn và ảnh: QQ, Asia One