Chế độ ăn ngày Tết đối với những người bệnh gout

Trong các món ăn truyền thống của người Việt Nam mỗi khi Tết đến thường giàu chất béo, đạm, tinh bột – đường khiến nhiều người thừa đạm, nhất là đối với người mắc bệnh gout phải lưu ý chế độ ăn hợp lý.

TS. BS. Nghiêm Nguyệt Thu – Viện Dinh dưỡng Quốc gia cảnh báo, sau một bữa tiệc rượu, bia và nhiều loại thịt, các loại nước xương hầm có thể làm khởi phát một đợt cấp, khiến khớp gối của người bệnh Gout mạn đau, sưng tấy, dẫn đến đi lại khó khăn trong những ngày Tết.

Do đó, người bệnh gout nên ăn uống như sau: 

Không sử dụng rượu bia quá đà

Thói quen sử dụng rượu, bia quá đà cũng khiến cho mọi người bị rơi vào tình trạng dư thừa calo nếu không được tiêu hao kịp thời. Lượng calo bạn nên ăn mỗi ngày phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tuổi tác, cân nặng, chiều cao, giới tính, lối sống, và tình hình sức khỏe nói chung. Vì vậy, nếu không thể chối từ những bữa tiệc, hội họp hay gặp mặt dồn dập trong những ngày Tết, bạn nên ăn ít trong mỗi bữa và phân bổ thời gian hợp lý…

Chế độ ăn ngày Tết đối với những người bệnh gout - 1

Ăn một lượng vừa phải chất đạm

Ăn một lượng vừa phải chất đạm có nguồn gốc động vật, thủy hải sản. Đặc biệt, các loại nước dùng chế biến từ xương, thịt hầm, chỉ nên ăn vừa phải vì nhân Purin trong thực phẩm sẽ hòa tan vào nước, làm tăng lượng purin trong chế độ ăn.

Nên ăn thực phẩm chứa nhiều vitamin C

Khi bị Gout, nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C như các loại cam, quít, bưởi, và các quả chín khác và nhớ uống nhiều nước.

Cần ăn nhiều rau xanh, hoa quả không chua

Các loại rau xanh, hoa quả không chua giàu chất xơ giúp làm chậm quá trình hấp thu đạm, làm giảm sự hình thành acid uric.

Uống nhiều nước lọc

Người bị bệnh gout nên uống nhiều nước (2-3 lít/ngày), nên uống các loại nước khoáng không gas có độ kiềm cao giúp đào thải acid uric và hạn chế kết tinh urat tại ống thận.

Duy trì vận động, tối thiểu 30 phút mỗi ngày

Mọi người nên duy trì vận động các bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe hoặc theo sự hướng dẫn của bác sĩ.