Chỉ vì một chiếc xương cá găm vào móng tay, vài năm sau bị chẩn đoán ung thư

Trường hợp bị găm xương cá gây ung thư tuy hiếm gặp nhưng không phải là không xảy ra. Nếu vết thương lâu lành trong thời gian dài và chịu nhiều tác động khác, các tế bào ung thư sẽ phát triển.

  

Bác Lâm (63 tuổi) ở Hàng Châu, Trung Quốc đã nghỉ hưu, ông dành phần lớn thời gian ở nhà và rất thích nấu ăn, đặc biệt là các món cá. Cách đây 5 năm, trong khi đang làm món cá muối thì ngón tay đeo nhẫn bên trái bị xương cá đâm vào.

Xương của loại cá này khá to, sau khi rút mảnh xương ra, ông lau vết máu rồi băng bó tạm thời. Là người thường xuyên nấu ăn, thật khó tránh khỏi một số tình huống bị thương như vậy nên ông Lâm chủ quan mặc kệ. Mấy ngày sau, vết thương ở tay cứ chạm vào nước là bị đau nhức, sưng tấy lên.

Ông tự bôi thuốc giảm đau nhưng không thấy đỡ nên đã đến bệnh viện gần nhà kiểm tra. Ông được chẩn đoán là bị paronychia (viêm quanh móng). Vì vết thương bị nhiễm trùng nên ông được kê đơn các loại thuốc tương ứng để điều trị.

Trong 4 năm sau đó, vết thương ở ngón tay của ông Lâm vẫn cứ đau nhức lặp đi lặp lại. Mỗi lần như vậy, ông phải giảm đau bằng thuốc kháng sinh. Không ngờ 1 năm trước, vết thương lại bị nhiễm trùng và tình trạng nghiêm trọng hơn trước.

Chỉ vì một chiếc xương cá găm vào móng tay, vài năm sau bị chẩn đoán ung thư - 1

Chỗ bị xương cá đâm trên tay ông Lâm.

"Trước đây, chỗ đau như bị kim châm, nhưng bây giờ toàn bộ móng tay rất đau khi ấn vào. Trong 1 năm nay, chỗ vết thương đó không ngừng chảy mủ", ông Lâm chia sẻ.

Việc điều trị tại bệnh viện gần nhà không hiệu quả, ông Lâm quyết định đến Bệnh viện số 1 của Đại học Chiết Giang để kiểm tra.

Tại đây, bác sĩ Lục Huy, Phó trưởng khoa chỉnh hình sau khi nghe toàn bộ quá trình chữa bệnh của ông Lâm đã quyết định chụp cộng hưởng MRI. Kết quả cho thấy phần mô mềm ở ngón tay dày lên, có một khối u ác tính rất lớn đang phát triển. Cách điều trị tốt nhất là phải phẫu thuật cắt bỏ.

Vài ngày sau đó, ca phẫu thuật được tiến hành. Bác sĩ Lục đã cắt bỏ ra được một khối u có kích thước 0,8x0,5 cm. Kết quả bệnh lý cho thấy đây là ung thư biểu mô tế bào vảy.

Ung thư biểu mô tế bào vảy nguy hiểm như thế nào?

Bác sĩ Lục cho biết: "Ung thư biểu mô tế bào vảy là một khối u ác tính của da, không chỉ phát triển trên móng tay và còn nhiều bộ phận khác, rất dễ chẩn đoán nhầm và bỏ sót”.

Đối với trường hợp của ông Lâm, vết thương do xương cá đâm, sau 5 năm kéo dài không lành đã biến thành khối u ác tính. Nhiều người có thể không tin điều này, nhưng trên thực tế lâm sàng các tế bào ung thư có thể xuất hiện một cách vô tình như vậy.

Chỉ vì một chiếc xương cá găm vào móng tay, vài năm sau bị chẩn đoán ung thư - 2

Ô Hùng Phi, phó trưởng khoa Phẫu thuật Ung thư của Bệnh viện số 1 thuộc Đại học Chiết Giang cho biết: "Lớp da là cơ quan ngoài cùng của con người trông giống như vảy dưới kính hiển vi nên được gọi là tế bào vảy. Ung thư biểu mô tế bào vảy có thể xảy ra trên da, phổi, thực quản, niêm mạc miệng và các bộ phận khác. Tuy nhiên, ung thư biểu mô tế bào vảy xảy ra ở da là phổ biến nhất".

Có nhiều nguyên nhân gây ra ung thư biểu mô tế bào vảy, chẳng hạn như tia cực tím, bức xạ, chất gây ung thư hóa học, nhiễm virus và các bệnh da mãn tính đều là những yếu tố gây ung thư.

“Các vết thương mãn tính trên bề mặt da không lành trong một thời gian dài và có thể trở thành ung thư dưới tác động của các yếu tố kích thích khác nhau. Vết thương nói chung không lành hẳn trong 5-10 năm sẽ có nguy cơ phát triển thành ung thư. Tất nhiên tình trạng của vết thương còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố tác động”, bác sĩ Lục Huy cho biết thêm.

Tại sao những vết thương mãn tính lâu ngày không lành lại có nguy cơ bị ung thư? 

Bác sĩ Ô Hùng Phi giải thích rằng, đó là do trong quá trình “lành vết thương” lặp đi lặp lại, có khả năng các tế bào mới bị đột biến gen khi chúng thay thế các tế bào cũ, chỉ cần một tế bào biến đổi, ung thư sẽ xuất hiện.

Sau phẫu thuật cắt bỏ ung thư biểu mô tế bào vảy giai đoạn đầu, tỷ lệ chữa khỏi vẫn tương đối cao. Nếu còn di căn hạch, ngoài phẫu thuật còn phải mổ bóc tách hạch, nhưng nếu di căn rộng, cơ hội sống sót qua phẫu thuật là rất mong manh.

Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị sớm là điều đặc biệt quan trọng. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, nếu da luôn bị lở loét, nhất là đối với những người mắc các bệnh mãn tính về da, nếu vết thương mãi không lành thì nên đến bệnh viện kiểm tra sớm.

Bác sĩ Kiều Kiến Quân, phó trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện số 1 của Đại học Chiết Giang cho biết: "Soi da rất hữu ích để tầm soát sớm các tổn thương tiền ung thư da. Người cao tuổi bị ban đỏ, dày sừng (da dày và cứng) và những người tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài có thể được tầm soát sớm bằng soi da".