Bị chồng mắng chửi, đánh vì không cho quan hệ tình dục
Tính đến nay, chị Hương Lan (37 tuổi, ở TP.HCM) và anh Tiến Minh kết hôn được 11 năm và có 2 con chung. Mới đây, chị Lan làm đơn nộp ra tòa xin ly hôn chồng. Chị cho biết có ý định này sau khi sinh xong con thứ hai từ 2 năm trước, nhưng giờ chị mới làm vì con còn nhỏ, một phần vì từng vẫn mong chồng thay đổi.
Ban đầu chị kể anh Minh thường xuyên đánh vợ trước các con mỗi khi khó chịu. Có mấy lần anh còn lôi chị ra ngoài sân và ngoài đường đánh, cố tình để hàng xóm, người đi đường chứng kiến. Nhiều người không hiểu đã cho rằng chị ngoại tình, hỗn với chồng nên mới bị đánh. Việc làm này của anh đã vượt quá giới hạn chịu đựng của chị.
Dù bị chồng đánh vì không đồng ý "yêu" nhưng chị Hương Lan cắn răng chịu đựng. (Ảnh minh họa)
Trả lời câu hỏi nguyên nhân bị chồng bạo hành của vị thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ ly hôn của mình, chị Lan ngập ngừng hồi lâu mới ngượng ngùng nói: "Vì tôi không đáp ứng được nhu cầu tình dục của chồng". Chị kể anh Minh có nhu cầu sinh lý cao và chỉ muốn thỏa mãn dục vọng bằng cách bạo hành vợ. Mỗi lần hai vợ chồng quan hệ, anh phải cào, cấu, cắn, đánh vào vùng nhạy cảm của vợ mới thỏa mãn.
Không chỉ vậy, anh còn ép chị phải quan hệ các tư thế mới lạ, nhất là những lúc nhậu say. Những hôm chị mệt, anh đòi hỏi, chị hẹn lúc khác liền bị anh buông lời khiếm nhã, đến khi được thỏa mãn mới thôi.
Trước đây, dù không bằng lòng nhưng chị Lan vẫn cố đáp ứng nhu cầu của chồng. “Mỗi lần hai vợ chồng quan hệ xong, người tôi rã rời, có khi bầm tím, vùng kín thì đau rát”, chị Lan chia sẻ. Lâu dần, nhất là sau khi sinh con thứ hai xong, chị Lan bắt đầu sợ gần chồng. Nhưng không được đáp ứng nhu cầu, anh Minh cáu gắt, khó chịu và mắng chửi, đánh vợ. “Anh ấy đánh tôi vì không được "yêu”. Khi được thỏa mãn, anh hối hận, xin lỗi nhưng sau đó chứng nào tật nấy", chị Lan nói trong nước mắt.
Phụ nữ bị bạo hành tình dục có nguy cơ rối loạn tâm thần, mắc bệnh tình dục cao
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện ước tính có khoảng 736 triệu phụ nữ trên khắp thế giới từng bị bạo lực tình dục từ chồng hoặc bạn tình ít nhất một lần trong đời. Con số này chiếm 30% tổng số trẻ em gái và phụ nữ từ 15 tuổi trở lên.
Còn Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy cứ 3 phụ nữ thì có 1 người bị chồng bạo hành thể xác hoặc tình dục trong đời. Đáng chú ý, 4,4% phụ nữ cho biết họ từng bị lạm dụng tình dục trước tuổi 15.
Các chị em khi bị bạo hành tình dục cần tìm đến các cơ quan tư vấn để được giúp đỡ. Ành minh họa.
Vị thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ ly hôn của chị Lan cho rằng, chị đang bị chồng bạo hành tình dục. Theo Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), bạo hành tình dục là một hành vi đáng lên án, hiện pháp luật cũng có quy định rõ. Tuy nhiên, nhiều người không cho rằng có bạo hành tình dục giữa vợ và chồng. Họ quan niệm, người phụ nữ có nghĩa vụ phải quan hệ khi người chồng muốn.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Từ Dũ nhấn mạnh, quan hệ tình dục không bao giờ là một nghĩa vụ. Mọi phụ nữ đều có quyền quan hệ khi nào họ muốn.
Bệnh viện Từ Dũ chỉ ra dấu hiệu của hành vi bạo hành tình dục thường là:
- Đánh đập để bắt quan hệ tình dục.
- Sờ vào các bộ phận sinh dục mà không được người kia cho phép.
- Dùng những lời lẽ tục tĩu, thô bạo để bắt người khác quan hệ.
- Cho thuốc vào đồ uống của một người để dễ quan hệ tình dục với người ấy.
- Từ chối không sử dụng biện pháp tránh thai hoặc bao cao su khi quan hệ.
- Kể với người đáng tin cậy về những điều đã xảy ra để nhận được sự cảm thông.
Theo bác sĩ phụ sản Lê Thị Kim Dung, Viện sức khỏe sinh sản (Hà Nội), hiện nay nhiều người còn cho rằng tình dục là vấn đề nhạy cảm, là chuyện thầm kín nên không dám chia sẻ, nhẫn nhịn chịu thiệt, thậm chí bị bạo hành khi “yêu” nhưng vẫn cố chịu đựng. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Việc các chị em cố gắng làm bạn tình thỏa mãn, chịu đựng những cơn đau sẽ vô tình để người kia càng làm tới, không biết nhận ra lỗi sai.
Một nghiên cứu của ngành y tế tại Mỹ đã phát hiện ra rằng, những phụ nữ bị bạo lực tình dục có thể phải đối mặt nhiều hậu quả về sức khỏe tâm thần gồm rối loạn căng thẳng sau chấn thương, lo âu hoặc trầm cảm. Họ cũng có thể có nguy cơ cao mắc một số loại bệnh thần kinh nhất định, tiền thân của chứng sa sút trí tuệ và bệnh đột quỵ.
Theo bác sĩ Lê Thị Kim Dung, phụ nữ bị bạo hành tình dục có nguy cơ cao mắc rối loạn tâm thần và mắc các căn bệnh tình dục.
Theo bác sĩ Dung, bạo hành tình dục làm tăng tỷ lệ phá thai, tăng nguy cơ mắc vấn đề về sinh sản và bệnh tình dục. Cảm giác tội lỗi, mặc cảm và những ám ảnh trong quá khứ cũng khiến nạn nhân rơi vào bế tắc, tăng nguy cơ trầm cảm và tự tử. Có đến 40% nạn nhân nghĩ tới việc tìm đến cái chết sau khi bị bạo hành, trong đó có những người tự tử không thành.
Bác sĩ Dung khuyến cáo, phụ nữ nếu không may bị bạo hành tình dục dẫn tới có tổn thương, hãy tới phòng khám hoặc bệnh viện để điều trị càng sớm càng tốt. Ở đó, bạn cũng sẽ được kiểm tra để xác định có bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục sau khi bị bạo hành hay không.
Trong trường hợp lo sợ mình có thai khi bị bạo hành tình dục, chị em có thể dùng thuốc tránh thai khẩn cấp, lý tưởng nhất là trong vòng 3 ngày, hoặc ít nhất là trong vòng 5 ngày sau đó, nhưng càng dùng thuốc tránh thai khẩn cấp sớm, tác dụng tránh thai càng cao.
Ngoài ra, khi bị bạo hành tình dục, các chị em nên tìm đến các trung tâm tư vấn, các cơ quan pháp luật trình báo để mình được bảo vệ, sớm thoát khỏi nỗi đau đang gánh chịu.
* Tên người vợ đã được thay đổi.