Một hành khách mặc áo nylon kín người đi bên ngoài ga tàu ở Bắc Kinh hôm 11/2ảnh: EPA-EFE
Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế vẫn cảnh báo tình trạng lây lan nhanh của virus, cho đến nay đã khiến hơn 1.113 người thiệt mạng, chủ yếu ở Trung Quốc đại lục.
Cố vấn y tế hàng đầu của Trung Quốc, ông Zhong Nanshan nói hôm 11/2 rằng số trường hợp nhiễm mới đang giảm đi ở một số tỉnh. Ông Zhong dự đoán dịch có thể lên đỉnh trong tháng 2 này. “Tôi hy vọng dịch bệnh này có thể qua vào khoảng tháng 4”, Reuters dẫn lời ông Zhong, một chuyên gia về dịch tễ.
Theo số liệu từ Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, tổng số người nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc tính đến ngày 11/2 là 44.654, trong đó có 2.015 trường hợp mới được xác nhận. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ ngày 30/1. Số người tử vong vì bệnh này tăng thêm 97 trường hợp, lên 1.113 ca tính đến cuối ngày 11/2.
Trong khi giới chức Trung Quốc khẳng định tình hình đang được kiểm soát, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo dịch bệnh này tạo ra mối đe doạ toàn cầu có thể tồi tệ hơn chủ nghĩa khủng bố. Thế giới phải “tỉnh giấc và coi virus này là kẻ thù số một của cộng đồng”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với báo giới hôm 11/2. Ông nói rằng mất 18 tháng nữa mới có thể có lô vắc-xin đầu tiên.
Khi được hỏi về dự báo của ông Zhong, quan chức y tế hàng đầu của chính phủ Úc là Brendan Murphy nói: “Tôi nghĩ vẫn còn quá sớm để nói như vậy”. “Chúng ta cần theo dõi sát sao số liệu trong các tuần tới trước khi đưa ra bất kỳ dự đoán nào”, ông Murphy nói với ABC.
Vài trăm trường hợp nhiễm bệnh ngoài Trung Quốc đại lục đã được báo cáo ở hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ khắp thế giới, trong đó có một ca tử vong ở Hong Kong và một ở Philippines.
Ổ dịch lớn nhất ngoài Trung Quốc là du thuyền Diamond Princess bị cách ly ở cảng Yokohama, Nhật Bản, với khoảng 3.700 người trên khoang. Giới chức Nhật hôm qua cho biết có thêm 39 người được xác định dương tính với Covid-19, nâng tổng số người nhiễm bệnh trên tàu này lên 175. Một trường hợp nhiễm bệnh là cán bộ phụ trách cách ly.
Thái Lan cho biết họ không cho phép một du thuyền khác là MS Westerdam cập cảng vì sợ dịch bệnh, cho dù chưa có ca nhiễm được xác nhận nào trên tàu này.
Cuộc chiến phải thắng
Nhắc lại so sánh của người đứng đầu WHO về cuộc chiến với chủ nghĩa khủng bố, hãng thông tấn Trung Quốc vừa có bài viết nói rằng dịch bệnh lần này là “cuộc chiến không tiếng súng nhưng phải chiến thắng”.
Bài viết nói dịch Covid-19 là “phép thử lớn đối với hệ thống và năng lực quản trị của Trung Quốc” và một số quan chức vẫn đang phạm sai lầm ở những nơi tình hình nghiêm trọng nhất. “Đây là hồi chuông cảnh tỉnh đối với chúng ta”, Xinhua viết.
Sau khi hứng chịu những đợt bán tháo ồ ạt vì lo ngại tác động của dịch Covid-19 lên nền kinh tế Trung Quốc, chứng khoán thế giới tăng giá mạnh sau phát biểu của ông Zhong. Chỉ số công nghiệp Dow Jones, chỉ số S&P 500 và Nasdad đều đạt đỉnh mới.
Chứng khoán châu Á và Phố Wall tăng cao trong ngày giao dịch hôm qua nhờ hy vọng thời điểm dịch bệnh tồi tệ nhất ở châu Á có thể đã qua.
Nhưng ngay cả nếu dịch Covid-19 sắp kết thúc, nó cũng đã gây nhiều tác động xấu đối với kinh tế Trung Quốc. Nhiều công ty bắt đầu sa thải người lao động và cho biết họ cần các khoản vay mới để tiếp tục duy trì. Chuỗi cung ứng cho các nhà sản xuất xe hơi và điện thoại thông minh đều đã bị phá vỡ. Còn các ngân hàng đang phải dừng những thỏa thuận lớn. “Tất cả thỏa thuận của chúng tôi đều đang bị ngưng lại, dù trên thị trường vốn hay mua bán sáp nhập. Không có gì diễn ra cả”, báo SCMP dẫn lời một cán bộ ngân hàng cấp cao tại Hong Kong.
Trung Quốc sẽ hoãn việc mở cửa lại các trường học để ngăn virus lây lan thêm và cân nhắc lùi kỳ thi đại học vào tháng 6 vì tác động của dịch bệnh. |