Theo PGS Phương, bệnh nhân mắc Covid-19 xong có thể bị thêm hội chứng Covid-19 kéo dài. Theo thông tin từ Viện quốc gia chăm sóc sức khoẻ của Anh Quốc, hội chứng Covid-19 kéo dài gồm các triệu chứng xuất hiện khi nhiễm hoặc sau nhiễm Covid-19 kéo dài trên 12 tuần và không giải thích được bằng các chẩn đoán khác.
Sau khi điều trị Covid-19, có nhiều cơ quan trong cơ thể bị ảnh hưởng. Ví dụ như giảm thị lực, đỏ mắt, chóng mặt, đau cơ, tổn thương ngoài da, đau khớp, đau đầu và tổn thương hô hấp: ho, đau ngực, khó thở.
Trong nghiên cứu của Viện quốc gia chăm sóc sức khoẻ của Anh Quốc, tổn thương hô hấp chiếm tới 43%. Những bệnh nhân bị tổn thương hô hấp này cần có chương trình phục hồi chức năng hô hấp.
Theo PGS Phương, việc phục hồi chức năng hô hấp cho bệnh nhân cần được bác sĩ chỉ định. Dựa vào dấu hiệu sinh tồn, tổn thương phổi trên phim X-quang, tri giác nhận thức, khả năng gắng sức, sức mạnh cơ hô hấp, sức mạnh cơ tay, chân, tầm vận động của khớp, chức năng thăng bằng, tình trạng dinh dưỡng và tâm lý, bác sĩ sẽ chỉ định tập cho phù hợp với từng cá nhân.
Trong điều kiện giãn cách như hiện nay, người bệnh sau khi ra viện cũng khó có thể tới bệnh viện để điều trị phục hồi chức năng hô hấp. Nhưng PGS Phương cho rằng người bệnh có thể tập phục hồi chức năng hô hấp ngay tại nhà.
PGS Phan Thu Phương - Giám đốc Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai
Các bài tập nên thực hiện sau khi ra viện:
Bài 1: Bài tập thở thư giãn
Ngồi tư thế thoải mái, có dựa lưng. Đặt 1 tay lên ngực, tay kia đặt lên bụng. Bạn có thể nhắm mắt thư giãn hoặc mở mắt nếu muốn. Hít vào chậm bằng mũi, thở ra bằng miệng, khi hít thở bạn sẽ thấy tay trên bụng nâng lên nhiều hơn tay trên ngực. Cố gắng duy trì hơi thở chậm, đều, từ từ. Động tác thở này giúp việc thông khí trao đổi khí tốt nhất.
Bài 2: Các tư thế giảm khó thở
PGS Phương cho biết khi thực hiện các tư thế này sẽ làm cơ thể dễ thở hơn:
- Nằm nghiêng đầu cao.
- Ngồi gục mặt xuống bàn.
- Ngồi khom về phía trước.
- Đứng khom về phía trước.
- Đứng dựa lưng vào tường.
Người bệnh sau điều trị Covid-19 cần phục hồi chức năng hô hấp để nhanh bình phục hơn
Bài 3: Tập thở theo nhịp vận động
Sau điều trị Covid-19, nếu bạn vẫn thấy khó thở khi không vận động nên tập thở theo nhịp vận động.
Tập thở theo nhịp vận động rất tốt khi thực hiện song song với các hoạt động gắng sức khiến bạn khó thở.
Ví dụ khi leo cầu thang hoặc đi leo dốc, bạn cố gắng thực hiện bình tĩnh, kiên trì, vừa đi, vừa thở, vừa nghỉ. Bạn muốn lên 1 lầu thì có thể bước từng 1, 2 bậc, không nên vội vàng cố leo lên. Cố gắng phân chia các hoạt động thành các phần nhỏ hơn để dễ thực hiện hơn mà không bị mệt và khó thở khi kết thúc nhịp vận động.
Hít vào trước khi bạn thực hiện hoạt động, nên hít vào bằng mũi thở ra bằng miệng nhịp nhàng.
Bài 4: Tập nói
Với bệnh nhân phải thở máy, điều này sẽ ảnh hưởng tới dây thanh, do đó, bệnh nhân cần cố gắng tiếp tục nói khi thấy thoải mái, nếu mệt thì nghỉ. Tập nói nhẹ nhàng, không lên giọng, không thì thầm vì làm căng dây thanh. Khi gọi ai, bệnh nhân không nên gắng sức. Bệnh nhân có thể tập nói một mình.
Lưu ý, bạn nên uống nước thường xuyên để làm cho họng không bị khô, tránh ảnh hưởng dây thanh.