Suy buồng trứng sớm là nguyên nhân chủ yếu gây vô sinh ở phụ nữ, thường gặp ở độ tuổi 40-50. Tuy nhiên, BS.CKII Vũ Nhật Khang, Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết hiện nay, tỷ lệ phụ nữ trẻ, chưa kết hôn và sinh con bị suy giảm dự trữ buồng trứng có xu hướng gia tăng.
Theo các bác sĩ, hiện có nhiều phụ nữ chưa mang thai, sinh con nhưng buồng trứng đã cạn kiệt. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Khang kể về trường hợp mới đây của chị Hoàng Vân Anh (25 tuổi, ở TP.HCM) được chồng đưa đến khám khi bị mất kinh 3 tháng liên tiếp nhưng không mang thai. Gặp bác sĩ Khang, chị Vân Anh cho biết, trước đó, thường xuyên bị căng thẳng, lo lắng do áp lực công việc và cuộc sống. Sau khi kết hôn hơn 5 năm vẫn chưa có con, chị càng hay suy nghĩ.
Bác sĩ Khang cho biết, chị Vân Anh được chẩn đoán bị rối loạn nội tiết, chỉ số dự trữ buồng trứng của chị Vân Anh chỉ còn 0,5 ng/ML, trong khi đáng lẽ ở độ tuổi 25 của chị trung bình phải đạt 2.2 - 6.8 ng/mL và hình ảnh siêu âm đầu chu kỳ chỉ còn 1-2 nang trứng. Bác sĩ Khang tiên lượng, trong vài tháng tới chị Vân Anh có thể bị mãn kinh dù chưa có con.
Theo bác sĩ Khang, chị Vân Anh được điều trị bằng phương pháp kích thích buồng trứng để gom trứng nhằm tối ưu hóa tỷ lệ mang thai. Sau 5 chu kỳ thực hiện kích thích buồng trứng, chị thu được 7 trứng trưởng thành, tạo được 4 phôi. “Hiện bệnh nhân đã thành công sau lần chuyển phôi thứ 2 và đang mang thai con đầu lòng ở tháng thứ 4”, bác sĩ Khang chia sẻ.
Theo các bác sĩ, suy kiệt buồng trứng là nguyên nhân chủ yếu gây vô sinh ở nữ. Ảnh minh họa.
Phụ nữ bị suy buồng trứng đang trẻ hóa
Theo các bác khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), suy buồng trứng sớm xảy ra khi 2 buồng trứng ngừng hoạt động lúc người phụ đang ở độ tuổi trước 40 hoặc sau tuổi dậy thì. Biểu hiện thường thấy là bất thường về chu kỳ kinh như thiểu kinh hoặc không có kinh kéo theo giảm khả năng sinh sản. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây vô sinh ở phụ nữ.
Theo một nghiên cứu năm 2019, tỷ lệ suy buồng trứng sớm ở phụ nữ trên toàn thế giới chiếm khoảng 3,7%. Nếu như trước đây, người mắc nằm ở độ tuổi từ sau 40 trở đi, thì hiện nay có rất nhiều người ở độ tuổi 20 đã bị.
Bác sĩ Khang cho biết, thời gian qua, ngoài chị Vân Anh, bác sĩ Khang còn trực tiếp khám và điều trị cho nhiều trường hợp phụ nữ độc thân có tình trạng suy giảm dự trữ buồng trứng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, đáng buồn nhất là trường hợp của một nữ sinh 18 tuổi.
Làm việc căng thẳng trong thời gian dài là nguy cơ khiến nhiều chị em bị vô sinh. Ảnh minh họa.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ trẻ bị suy kiệt buồng trứng sớm thường do di truyền, nạo phá thai nhiều lần, phẫu thuật, mắc một số bệnh lý về nội tiết, bệnh thalassemia. Ngoài ra, các chị em giảm cân quá mức, có thói quen hút thuốc, uống rượu, áp lực lực trong công việc, bị căng thẳng… trong thời gian dài cũng có thể làm rối loạn chức năng thần kinh thực vật, ảnh hưởng đến sự điều tiết nội tiết trong cơ thể, làm suy giảm chức năng buồng trứng, giảm nồng độ hormone estrogen khiến cho thời kỳ mãn kinh đến sớm.
Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh là kinh nguyệt không đều, vã mồ hôi về đêm, dễ bị bốc hỏa, kích động, khó tập trung tư tưởng, ít quan tâm đến tình dục, đau khi quan hệ, âm đạo khô, mất khả năng sinh sản, rối loạn tiết niệu… Tuy nhiên, rất nhiều người cho rằng mình gặp các hiện tượng này là do stress, khiến bệnh trở nên nặng hơn.
“Suy buồng trứng sớm không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống, sức khỏe thể chất, tinh thần của người phụ nữ mà còn có thể cướp đi cơ hội được làm mẹ của chị em”, bác sĩ Khang chia sẻ. Các bác sĩ cho rằng, hiện chưa có phương pháp phục hồi chức năng hoạt động bình thường của buồng trứng trong điều trị suy buồng trứng sớm, mà chỉ có thể điều trị một số triệu chứng bệnh. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, khi có các dấu hiệu trên, các chị em cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín khám, tìm ra nguyên nhân và để được điều trị sớm, tránh tình trạng để mình mất đi khả năng làm mẹ.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.