Hậu Covid-19 không đáng lo
Trong các hậu quả của Covid nếu có, tổn thương phổi là đáng lo ngại nhất.
PGS Hải lấy ví dụ bệnh nhân điều trị tại BV Covid-19 Hoàng Mai, Hà Nội. Bệnh nhân nữ, 80 tuổi, có tăng huyết áp, nhiễm Covid-19 và không được tiêm vắc xin. Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản ở một bệnh viện thành phố và tiên lượng tử vong rất cao với 2 lá phổi trắng xoá. Cụ được chuyển đến Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 trong một hy vọng mong manh.
PGS Hải chia sẻ: "Cụ được thở máy, được dùng thuốc chống virus đường tiêm, corticoid, chống đông, kháng sinh điều trị bội nhiễm, và các biện pháp hồi sức tích cực khác. Cụ đã được thử rút ống 2 lần nhưng đều thất bại, chúng tôi cố gắng đến lần 3 thì thành công.
Sau 2 tuần ở bệnh viện Covid, cụ được chuyển về Bệnh viện ĐH Y Hà Nội khi test Covid âm tính và tiếp tục được điều trị 2 tuần tại Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội rồi ra viện trong tình trạng không phải thở Oxy".
Phổi của bệnh nhân khi mắc Covid-19 và phục hồi sau 2 tháng
Một tháng tháng sau khi ra viện, tức 2 tháng kể từ thời điểm nhiễm bệnh, bệnh nhân đến khám lại với hình ảnh phổi đã sáng hơn rất nhiều.
Cái gọi là "Hậu Covid" ở "thời Omicron" kết hợp bao phủ vắc xin không thể được đánh đồng như "thời" Alpha, Delta và chưa có vắc xin. So với trường hợp này, những ca nhiễm Covid-19 nhẹ, không triệu chứng không có lý do để lo lắng, hoang mang.
Bản thân PGS Hải cũng mệt mỏi vì người thân, bạn bè hay gia đình đều lo lắng quá mức về hậu Covid-19. Ngày 15/3, một gia đình trẻ gồm 4 người nhiễm Covid-19 triệu chứng nhẹ, sau 4 ngày âm tính đến khám và nhất định muốn chụp X-quang phổi vì lo ngại Hậu Covid-19.
PGS Hải cho rằng, biến thể Omicron đã trở nên "thân thiện", "hài hoà" hơn với loài người. Khi xâm nhập vào cơ thể chúng chỉ ở hầu họng và không xuống tới phổi thì không thể tổn thương phổi.
PGS Hải cho biết, Covid-19 làm cho người ta hoảng loạn. Các thông tin không được định hướng nhiều. Người dân cần hiểu phải có tổn thương ở phổi ngay từ đầu thì sau đó mới có hậu quả. Như bệnh nhân trên, phổi bị ảnh hưởng ngay từ đầu, trắng cả phổi nhưng bệnh nhân vẫn hồi phục, phổi vẫn đang tốt lên thì người khoẻ mạnh chỉ đau họng, ho, sốt không cần phải quá lo lắng.
Covid-19 có thể coi như cảm lạnh, sau khi khỏi bệnh, bạn vẫn có thể thấy mệt mỏi, thi thoảng gai rét ớn lạnh nhưng nó sẽ hết sau 3 tháng nên không cần quá lo tới các triệu chứng như vậy.
Khi nào cần khám cho trẻ
BS Dư Tấn Quy - Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM - cho biết sau khi khỏi bệnh Covid-19, hầu hết những người mắc Covid-19 đều hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu khoa học, khoảng 10-20% người bệnh có biểu hiện sẽ xuất hiện các triệu chứng bất thường, các triệu chứng này có thể kéo dài nhiều tháng mà không thể giải thích rõ nguyên nhân, được gọi là "hội chứng hậu Covid-19".
Theo bác sĩ Quy, người bệnh có các triệu chứng của hội chứng hậu nhiễm Covid-19 bao gồm:
• Triệu chứng chung: mệt mỏi, đau nhức.
• Triệu chứng hô hấp: khó thở, ho.
• Triệu chứng tim mạch: tức ngực, đau ngực, triệu chứng có thể tăng khi gắng sức.
• Triệu chứng thần kinh: giảm tập trung, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, triệu chứng thần kinh ngoại biên (cảm giác châm chích, tê), chóng mặt, bất thường vận động, ảnh hưởng thị lực.
• Triệu chứng tiêu hóa: đau bụng, buồn nôn/nôn, tiêu chảy, sụt cân, ăn kém ngon.
• Triệu chứng cơ xương khớp: đau khớp, đau cơ.
• Triệu chứng tai mũi họng: ù tai, đau tai, đau họng, mất/giảm thính giác hay vị giác, nghẹt mũi.
• Triệu chứng tâm thần: triệu chứng lo âu, trầm cảm, rối loạn sau sang chấn.
• Trẻ có thể mắc hội chứng viêm hệ thống đa cơ quan (MIS-C) với các biểu hiện sốt, có bằng chứng viêm, tổn thương liên quan ít nhất hai cơ quan khoảng 2-6 tuần sau đợt Covid-19 cấp tính. Cha mẹ cần lưu ý thể bệnh này do tỷ lệ biến chứng và tử vong cao.
Tuy nhiên, bác sĩ Quy cho rằng không cần thiết đi khám hậu Covid cho tất cả trẻ em. Khám hậu Covid-19 chỉ cần thiết khi trẻ có những biểu hiện bất thường của hội chứng hậu nhiễm Covid-19 và có triệu chứng kéo dài như trên.