Nhiều chị em bị đau khi làm "chuyện ấy" nhưng cố chịu đựng
Ths.BS Tạ Việt Cường – Phó giám đốc Trung tâm Khám, điều trị sản phụ khoa và Chăm sóc sức khỏe sinh sản (BV Phụ Sản Hà Nội) cho biết, trong quá trình khám và điều trị, bác sĩ gặp khá nhiều trường hợp “dở khóc, dở cười” vì những vấn đề liên quan đến chuyện “chăn gối” vợ chồng.
Theo đó, nhiều chị em khi đến khám, tư vấn thường than phiền về việc sau quá trình sinh nở, “vùng kín” bị rộng ra và khi quan hệ với chồng không có cảm giác gì. Hay trường hợp khác là hai vợ chồng đã lấy nhau khá lâu nhưng không thể quan hệ tình dục dễ dàng vì bị đau. Đa số những trường hợp bị đau khi quan hệ thường cố chịu đựng vì tâm lý e ngại, xấu hổ mà không dám nói ra hoặc đi khám.
Nhiều trường hợp bị đau khi quan hệ tình dục nhưng không chia sẻ. (Ảnh minh họa)
Điển hình như trường hợp người phụ nữ 29 tuổi, ở Hà Nội đã lấy chồng được 2 năm, tuy nhiên, mỗi lần hai vợ chồng quan hệ tình dục, người vợ lại co rúm người lại, thậm chí còn bị đau chảy cả nước mắt phải dừng "cuộc yêu".
“Em cũng thương chồng lắm, nhưng mà cứ đưa vào là em lại bị co, đau chảy nước mắt, em không thể làm gì được. Sau nhiều lần như vậy, chồng em thương em bị đau và dần dần không muốn làm gì luôn”, người vợ chia sẻ với bác sĩ.
Không phải là một bệnh nhưng điều trị không đơn giản
BS Tạ Việt Cường cho biết việc đau khi quan hệ tình dục như trường hợp trên không phải là hiếm gặp. Trong y văn có đề cập đến một hội chứng có tên là “vaginismus”, một cách dễ hiểu hơn đó là người phụ nữ bị đau khi đưa bất cứ thứ gì vào "vùng kín" (có thể là ngón tay, dương vật…) do co cơ ở âm đạo.
Theo BS Cường, hội chứng này chia làm hai loại, nguyên phát xảy ra ở những người chưa từng quan hệ tình dục và thứ phát hay gặp ở những người đã từng quan hệ được và vì một lý do nào đó khi quan hệ lại bị đau. Đa phần những trường hợp này hay gặp nhất khi sau sinh thường, hoặc có một bệnh lý mắc phải vùng chậu sinh dục.
BS Tạ Việt Cường cho biết có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đau khi quan hệ.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, BS Cường cho biết ngoài các yếu tố về mặt thực thể như có viêm nhiễm vùng sinh dục, bệnh lý viêm nhiễm vùng tiểu khung, sa sinh dục hay có vách ngăn âm đạo, hoặc cấu tạo bất thường cơ quan sinh dục… phần nhiều nguyên nhân liên quan đến yếu tố lo sợ, sang chấn tâm lý, chưa sẵn sàng khi quan hệ. Tất cả những vẫn đề đó sẽ dẫn đến vòng xoắn tâm lý đó là: Lo sợ <=> quan hệ => đau <=> lo sợ.
“Mặc dù đây không phải một bệnh, nhưng vấn đề điều trị cũng không đơn giản, vì nó luôn luôn được coi là một vấn đề tế nhị cả với người bệnh và các chuyên gia y tế.
Ngoài ra ở nước ta không có nhiều chuyên gia về lĩnh vực tình dục học và chưa được sự đồng ý của luật pháp để điều trị cho những trường hợp này. Vì vậy thường các bác sĩ sẽ chỉ đưa ra lời khuyên, tư vấn về cách làm, cách thực hiện để về hai vợ chồng giúp đỡ nhau, nên hiệu quả thường khá hạn chế”, BS Cường chia sẻ.
Cần sự đồng hành của người chồng
Để giải quyết vấn đề này, cũng giống như chị em đã từng sinh thường, "vùng kín" bị rộng, trường hợp đau do cơ ở âm đạo co thắt cũng nên sử dụng bài tập Kegels để giúp kiểm soát cơ ở khu vực này.
Kiên trì tập luyện để giảm tình trạng đau do co cơ ở âm đạo. (Ảnh minh họa)
Thêm nữa có thể sử dụng một số thứ để hỗ trợ ví dụ đơn giản nhất là một ngón tay đưa dần vào âm đạo, hoặc một dụng cụ hỗ trợ tình dục để dần cảm nhận việc co và thả của âm đạo.
“Cách làm nghe có vẻ đơn giản nhưng để giải quyết được vấn đề triệt để, tự bản thân đóng vai trò rất quan trọng trong việc này. Vì cần một sự kiên trì, cam kết và kỉ luật bản thân, cùng với đó là sự đồng hành, dịu dàng, kiên nhẫn, động viên của chồng.
Bên cạnh đó, Kegels cũng có thể tập với nam, bài tập này có thể giúp nam giới kiểm soát được thời gian xuất tinh, kéo dài cuộc vui nên cả hai tập cùng nhau cũng sẽ giúp tăng hiệu quả tập luyện”, BS Cường tư vấn.