Jin Jing, bác sĩ nội tiết tại Bệnh viện Sản phụ khoa Bắc Kinh (Trung Quốc) chia sẻ, bà đã từng gặp rất nhiều trường hợp nữ giới vì giảm cân bất chấp mà phải trả giá đắt bằng sức khỏe. Trong đó có nhiều chị em trẻ tuổi đã bị mất kinh tạm thời, mãn kinh sớm vì giảm cân sai cách. Cheng Mu (tên họ nhân vật đã được thay đổi) 19 tuổi, sinh viên năm nhất một trường đại học về phát thanh truyền hình ở Bắc Kinh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Cô gái 19 tuổi hối hận khi nhập viện vì bỏ ăn tinh bột để giảm cân (Ảnh minh họa)
Cheng Mu kể lại, cô ước mơ trở thành người dẫn chương trình truyền hình từ khi còn nhỏ. Từ năm cuối trung học cơ sở cô đã bắt đầu chuẩn bị cho việc thi vào một trường đại học có tiếng ở Bắc Kinh, còn quê Cheng Mu ở Thành Đô (Trung Quốc). Vì vậy, bên cạnh việc học ở trường và học về phát thanh, cô cũng rất quan tâm tới cải thiện ngoại hình.
Vào năm cuối trung học phổ thông, cô cao 1m68 và nặng 53kg. Tuy nhiên Cheng Mu vẫn cảm thấy mình quá mập và quyết tâm giảm cân để đạt được vóc dáng như ý. Trong nửa năm, cô gái trẻ đã thật sự giảm được hơn 10kg và cũng thi đỗ vào ngôi trường cô mơ ước. Nhưng có một vấn đề là kinh nguyệt của cô cũng bắt đầu trở nên thất thường trong và sau khi giảm cân.
Trước đó, kinh nguyệt của Cheng Mu rất đều đặn. Còn khi giảm cân, kinh nguyệt của cô gái trẻ đột nhiên không xuất hiện trong 3 tháng, lần có kinh thì lượng rất ít, bằng 1/8 so với trước. Tiếp đó, kinh nguyệt lại biến mất và xuất hiện lại vào hơn 4 tháng sau đó. Lần này lượng kinh nhỏ giọt đi kèm đau vùng bụng dưới.
Theo Cheng Mu, lúc đầu vì quá bận rộn chuyện thi cử, nhập học nên cô cũng không quá để tâm. Sau đó, cô cho rằng mình quá căng thẳng và thay đổi môi trường sống nên bị rối loạn kinh nguyệt tạm thời. Thậm chí, có những thời điểm cô còn cảm thấy may mắn vì không bị kinh nguyệt làm phiền như những cô gái khác. Tuy nhiên, sau 5 tháng liên tục không có kinh công thêm nhiều lần ngất xỉu khiến Cheng Mu bắt đầu lo lắng.
Khi tâm sự với bạn cùng ký túc xá, cô mới biết hóa ra có không ít cô gái khác vì giảm cân mà gặp phải tình trạng giống như mình. Theo lời khuyên của cô bạn, Cheng Mu tìm tới bệnh viện thăm khám. “Vào thời điểm đi khám, bệnh nhân rất gầy, cao 1m68 nhưng chỉ nặng chưa đầy 42kg. Ngực kém phát triển, cơ thể suy nhược, thiếu máu. Siêu âm B cũng cho thấy tử cung nhỏ và nội mạc tử cung rất mỏng. Kinh nguyệt của bệnh nhân gần như biến mất trong 1 năm trở lại đây, chỉ xuất hiện đúng 2 lần nhưng nhỏ giọt. Đây có thể coi là triệu chứng rối loạn nội tiết, mất kinh/mãn kinh sớm do giảm cân sai cách. Cần nhập viện điều trị kết hợp thay đổi lối sống trong thời gian dài” - bác sĩ Jin Jing kể lại.
Bản thân Cheng Mu thừa nhận rằng, cô tìm hiểu trên mạng và thấy nhiều hội nhóm làm đẹp chia sẻ rằng cắt hoàn toàn tinh bột sẽ giảm cân nhanh hơn nên làm theo. Thời gian đầu, cô quả thực giảm được 7kg dễ dàng trong 2 tháng. Sau đó, cân nặng giảm chậm hơn đi kèm những cảm giác khó chịu như dễ mệt mỏi và chóng mặt, không thể ngồi xổm, rụng tóc, da xấu đi, vài lần ngất xỉu và rối loạn kinh nguyệt. Tuy nhiên, cô vẫn tiếp tục duy trì kiểu ăn này nhiều tháng sau đó. Không chỉ bởi muốn giảm cân, giữ dáng mà còn bởi nó đã tạo thành thói quen, khiến Cheng Mu chán ăn và chỉ ăn một ít tinh bột đã thấy no.
Bác sĩ Jin Jing giải thích: “Chức năng bình thường của trục vùng dưới đồi tuyến yên - buồng trứng gồm duy trì chức năng nội tiết sinh sản bình thường ở phụ nữ. Bằng cách đưa ra chỉ dẫn để tuyến yên sẽ tiết ra các hormone có liên quan để thúc đẩy sự phát triển của nang trứng, từ đó rụng trứng và hình thành kinh nguyệt bình thường.
Từ góc độ dinh dưỡng, mất kinh tạm thời hoặc mãn kinh do giảm cân thường liên quan chặt chẽ đến việc cung cấp không đủ chất và năng lượng cho cơ thể. Ở trường hợp bệnh nhân này, không ăn tinh bột trong thời gian dài để giảm cân là nguyên nhân chính dẫn tới mất cân bằng dinh dưỡng nặng”.
Bác sĩ cảnh báo tác hại của việc không ăn tinh bột khi giảm cân
Tiến sĩ Dinh dưỡng Cui Mingxuan tại Bệnh viện Nhân dân Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng bổ sung lý do cắt tinh bột để giảm cân ảnh hưởng tới kinh nguyệt dưới góc độ dinh dưỡng. Ông cho biết: “Khi cơ thể con người thiếu hụt dinh dưỡng, nhất là tinh bột và protein thì não sẽ kích hoạt cơ chế tiết kiệm năng lượng để ưu tiên cung cấp năng lượng cho các cơ quan quan trọng như tim, não, gan và thận. Vì vậy, các chức năng của cấp độ thứ hai như cơ quan sinh sản có thể bị “tắt” tạm thời, dẫn đến hiện tượng mất kinh, thậm chí vô kinh - mãn kinh sớm.
Tinh bột là 1 loại carbohydrate phức tạp, trong khi carbohydrate là nguồn năng lượng chính hàng ngày cho cơ thể con người. So với protein và chất béo, carbohydrate cung cấp tỷ lệ năng lượng lớn nhất, thường lên tới 50 - 60% năng lượng cả ngày. Vì vậy, việc giảm lượng carbohydrate nạp vào cơ thể dễ dẫn đến thiếu hụt năng lượng, từ đó ảnh hưởng đến sự ổn định của kinh nguyệt. Về lâu dài, sẽ ảnh hưởng tới chức năng sinh sản”.
Ông nhấn mạnh, chế độ ăn cắt bỏ hoàn toàn hoặc ăn quá ít carbohydrate trong thời gian dài không chỉ có thể gây ra mãn kinh mà còn gây ra một loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Chẳng hạn như hạ đường huyết, suy nhược cơ thể, keton niệu, keton máu, tăng nguy cơ mắc bệnh gan, hại trí não, gây trầm cảm, thiếu máu, rối loạn trao đổi chất và các bệnh chuyển hóa khác. Ngoài ra còn gây rụng tóc, lão hóa da và nhiều thay đổi tiêu cực khác ở ngoại hình.
Không ăn hoặc ăn không đủ tinh bột gây ra rất nhiều vấn đề sức khỏe thể chất cũng như tinh thần (Ảnh minh họa)
“Đặc biệt, đối với những người làm việc trí óc, việc thiếu carbohydrate có thể gây chóng mặt, mệt mỏi, thiếu tập trung và ảnh hưởng đến việc giải phóng 5-hydroxytryptamine. Đây là một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng trong não. Từ đó làm tăng nguy cơ lo lắng và trầm cảm. Ngoài ra, nó còn có thể làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể và gây ra các bệnh truyền nhiễm như viêm phổi, cảm lạnh. Chưa kể, những người cắt tinh bột để giảm cân dễ bị tăng cân nhanh trở lại khi bắt đầu ăn tinh bột như bình thường” - ông nói thêm.
Còn bác sĩ Jin Jing thì nhắc nhở chị em phụ nữ ngoài không giảm cân tiêu cực, bất chấp thì còn phải chú ý theo dõi kinh nguyệt. Theo bà có 4 yếu tố quan trọng để đánh giá kinh nguyệt: chu kỳ kinh nguyệt bình thường 21 - 35 ngày, sự đều đặn tức là thay đổi giữa các chu kỳ <7 ngày, hành kinh 3 - 7 ngày và lượng kinh nguyệt trung bình 1 kỳ kinh là 50 - 80ml. Nếu có các bất thường nên đi khám và có biện pháp can thiệp kịp thời chứ không chủ quan. Đương nhiên cũng nên đi thăm khám phụ khoa định kỳ.
Nguồn và ảnh: QQ, Woman.tvbs