Chảy máu "vùng kín" bất thường: Ung thư cổ tử cung
Theo Healthline, cổ tử cung là phần thấp nhất của tử cung phụ nữ, nối với âm đạo. Ung thư cổ tử cung xảy ra khi các tế bào ở cổ tử cung phát triển một cách bất thường, nhân lên với số lượng không kiểm soát và xâm lấn các mô, cơ quan khác trong cơ thể.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC Hoa Kỳ) cho biết: Ở giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung có thể không gây ra các dấu hiệu và triệu chứng gì đặc biệt. Tuy nhiên ở giai đoạn cuối, bệnh có thể gây chảy máu hoặc tiết dịch từ âm đạo bất thường. Đặc biệt, thường gây chảy máu "vùng kín" sau khi vợ chồng "thân mật". Đây cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề nào đó không phải ung thư, nhưng cách duy nhất để biết đáp án đó là đến gặp bác sĩ.
Ảnh minh họa: Internet
Chảy máu mũi: Ung thư máu
Ung thư máu là căn bệnh nguy hiểm, do dấu hiệu của nó không rõ ràng nên phải đến khi bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng thì mới được phát hiện.
Ung thư máu xảy ra khi số lượng bạch cầu sản sinh quá nhiều và quá nhanh, dẫn đến tình trạng bạch cầu ăn hồng cầu. Hồng cầu sẽ bị phá hủy dần và người bệnh có dấu hiệu thiếu máu. Nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng tử vong nhanh. Ung thư máu là căn bệnh ung thư ác tính mà không hình thành khối u.
Dấu hiệu điển hình nhất khi mắc ung thư máu giai đoạn cuối là bị chảy máu cam. Ở người bình thường, chảy máu cam thường xảy ra ở mức độ nhẹ và dễ cầm máu ngay. Tuy nhiên, nếu như bạn gặp trường hợp lượng máu chảy nhiều, xảy ra liên tục trong nhiều ngày thì ngay lập tức bạn phải nhập viện và khám bệnh, bởi rất có thể bạn đã mắc bệnh ung thư máu.
Ngoài chảy máu cam, người bệnh ung thư máu còn có dấu hiệu sốt cao liên tục, đốm đỏ, nhức đầu, đau xương, sưng hạch bạch huyết, đau bụng...
Chảy máu khi đi tiểu: Ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang thường có thể được phát hiện sớm vì nó gây ra chảy máu trong nước tiểu hoặc các triệu chứng tiết niệu khác.
Trong hầu hết các trường hợp, tiểu ra máu (gọi là tiểu máu) là dấu hiệu đầu tiên của ung thư bàng quang. Đi tiểu ra máu sẽ khiến nước tiểu chuyển thành màu cam, hồng hoặc thậm chí đỏ sẫm. Đôi khi, màu sắc của nước tiểu bình thường nhưng khi xét nghiệm lại phát hiện trong nước tiểu có chứa một lượng nhỏ máu.
Thông thường, giai đoạn đầu của ung thư bàng quang gây chảy máu nhưng ít hoặc không gây đau.
Nhưng máu trong nước tiểu không phải lúc nào cũng có nghĩa là bạn bị ung thư bàng quang. Thông thường, nó gây ra bởi những nguyên nhân khác như nhiễm trùng, các khối u lành tính (không phải ung thư), sỏi trong thận hoặc bàng quang... Điều quan trọng là phải được bác sĩ kiểm tra để tìm ra nguyên nhân.
Ngoài tiểu ra máu, ung thư bàng quang đôi khi có thể gây ra những thay đổi trong việc đi tiểu, chẳng hạn như: tiểu thường xuyên hơn; đau hoặc rát khi đi tiểu; khó tiểu hoặc dòng tiểu yếu; phải đi tiểu nhiều lần trong đêm...
Ngoài ra, còn một số dấu hiệu cảnh báo có thể bạn đã mắc ung thư, nên đặc biệt chú ý để tới bệnh viện khám trước khi quá muộn như:
Sút cân không rõ lý do
Bạn không làm việc hay tập luyện vất vả hơn trước, bạn cũng không ăn kiêng và vẫn ăn nhiều như mọi khi, vậy mà vẫn bị sụt cân đáng kể, ví dụ 4 hay 5kg trong vòng một tháng. Sụt cân không rõ nguyên nhân theo kiểu này nhất thiết không được coi thường. Nó có thể là dấu hiệu của ung thư, nhất là ung thư đại tràng hoặc các bộ phận khác của đường tiêu hóa.
Bạn nên đi khám bác sỹ và mô tả càng chi tiết càng tốt về thời gian bắt đầu bị sụt cân và đã bị sụt mất bao nhiêu cân. Bác sĩ sẽ làm một số xét nghiệm để loại trừ bệnh của tuyến giáp và đề nghị bạn đi chụp CT để xem xét các cơ quan bên trong.
Thay đổi thói quen đại tiện, tiểu tiện
Khối u ở ruột, bàng quang, tuyến tiền liệt hoặc sự chèn ép do khối u từ các cơ quan lân cận trong vùng này (như u tử cung, u buồng trứng) có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến chức năng của lưu thông đường ruột và lưu thông đường tiểu, từ đó làm thay đổi thói quen đại tiện – tiểu tiện của bệnh nhân. Bệnh nhân có thể bị rối loạn đại tiện (tiêu chảy, táo bón hoặc tiêu chảy xen kẽ táo bón) hoặc rối loạn đi tiểu (đi tiểu thường xuyên, tiểu không tự chủ, tiểu đau, cảm giác đi tiểu không hết, dòng nước tiểu yếu…).
Chướng bụng
Chướng bụng là tình trạng mà hầu như ai cũng từng mắc trong đời, do kinh nguyệt, do giữ nước hoặc do khó tiêu. Nếu bắt đầu bị chướng bụng bất thường và không liên quan với chu kỳ kinh nguyệt, thì cần chú ý sát sao tới những gì đang xảy ra. Chướng bụng có đến mức không thể mặc vừa quần áo? Có xảy ra đột ngột và hiện giờ diễn ra thường xuyên đã vài tuần? Có đi kèm với đau hoặc sưng ở bụng hoặc vùng chậu không? Bạn có thấy đầy bụng và không ăn được, cho dù trước đây không ăn nhiều? Tất cả những dấu hiệu này đều được biết là hay xảy ra ở phụ nữ bị ung thư buồng trứng. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào như trên, nên đi khám để các bác sĩ kiểm tra buồng trứng vì loại ung thư này rất khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Nếu có thể phát hiện sớm thì cơ hội có kết quả điều trị tốt sẽ cao hơn.
Chảy máu bất thường
Mọi hiện tượng ra máu bất thường ngoài chu kỳ “đèn đỏ” quen thuộc đều cần được quan tâm. Bạn cần hiểu rõ về cơ thể cũng như chu kỳ của mình để biết khi nào sẽ đến kỳ đèn đỏ, bạn sẽ mất bao nhiêu máu và sẽ cảm thấy thế nào. Về cơ bản, không nên bỏ qua bất cứ tình trạng ra máu bất thường nào ngoài kỳ đèn đỏ. Ví dụ, nếu chu kỳ của bạn vốn dĩ rất đều, nhưng đột nhiên trở nên lộn xộn, hoặc chu kỳ thông thường rất nhẹ nhàng, nhưng đột nhiên có những kỳ bạn mất rất nhiều máu và rất đau, thì đó là những bất thường cần đi khám. Những triệu chứng khác có thể đi kèm với tình trạng ra máu bất thường là khí hư có mùi khó chịu, ra máu sau khi quan hệ hoặc có máu trong nước tiểu. Tất cả những dạng chảy máu bất thường này đều cần được kiểm tra vì chúng có thể là những dấu hiệu của ung thư cổ tử cung hoặc ung thư tiết niệu.
Chảy máu cũng có thể bắt nguồn từ đường tiêu hóa hoặc các phần của hệ tiết niệu, như bàng quang hoặc thận. Nếu thấy có máu trong nước tiểu hoặc trong phân, thì có thể do nhiều nguyên nhân, như bệnh trĩ, hoặc máu từ âm đạo, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của ung thư bàng quang, thận hoặc đại trực tràng, vì thế nên đi khám bác sĩ để loại trừ.
Ung thư bàng quang, thận hoặc đại tràng cũng có thể gây ra những triệu chứng như thay đổi về đại tiểu tiện. Nên chú ý nếu thấy có dấu hiệu hoạt động bất thường của ruột và bàng quang, như táo bón, tiêu chảy hoặc đau bụng liên tục. Đi tiểu nhiều lần hơn, hoặc đau trong khi đi tiểu hay đi ngoài, cũng là những dấu hiệu cần để ý.
Cuối cùng, nếu ho ra máu quá một lần, bạn cần đi khám ngay.
Thay đổi ở ngực
Mọi người phụ nữ đều cần biết rõ về bộ ngực của mình và cần tự kiểm tra ít nhất một lần mỗi tháng để phát hiện những u cục hoặc những thay đổi khác trong mô vú, trên bề mặt da cũng như trên và xung quanh núm vú. Cần đi khám ngay nếu thấy da trên vú đỏ và dày vì đây có thể là dấu hiệu của ung thư vú dạng viêm, là dạng ung thư vú rất hiếm gặp nhưng rất ác tính. Da nổi ban đỏ, bong vảy hoặc ngứa kéo dài vài tuần cũng cần được kiểm tra. Những thay đổi trên bề mặt da cũng bao gồm sưng, lõm (lúm đồng tiền), nhăm nhúm hoặc những nốt sần sùi. Cũng cần quan sát đầu núm vú và tìm những thay đổi bất thường về hình thức. Nếu núm vú đột nhiên tiết dịch (khi không nuôi con bú), bị bẹt ra, nhô lên hoặc tụt xuống (ngược với bình thường), thì tốt nhất là đi khám bác sĩ chuyên khoa phụ sản ngay.
Sốt
Tình trạng sốt cao hoặc sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư (đặc biệt là ung thư máu), nhất là khi tình trạng sốt lặp đi lặp lại và thường gặp vào một vài thời điểm trong ngày (chiều tối, ban đêm…) kèm theo vã mồ hôi.
Mệt mỏi, suy nhược
Khối u ung thư sử dụng chất dinh dưỡng từ cơ thể để phát triển và lan rộng, đồng thời cũng có thể tiết ra các chất làm rối loạn quá trình chuyển hóa cũng như rối loạn các hoạt động của cơ thể. Bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, suy nhược không cải thiện mặc dù đã nghỉ ngơi, điều chỉnh chế độ ăn – lối sống. Đồng thời, những triệu chứng khác do bệnh ung thư gây ra (như đau nhức, sụt cân, chán ăn…) cũng có thể dẫn đến tình trạng này.
Đau kéo dài
Trong quá trình phát triển và lan rộng, khối u ung thư sẽ gây chèn ép mạch máu thần kinh ở mô và các cơ quan lân cận, có thể gây đau. Ngưỡng đau ở mỗi người là khác nhau. Vì vậy, nếu nhận thấy các cơn đau kéo dài, mới xuất hiện và không rõ nguyên nhân, đau không thuyên giảm khi dùng thuốc giảm đau cơ bản, hoặc mức độ đau ngày càng nặng hơn, bệnh nhân nên đến bệnh viện thăm khám sớm.
Tùy vào loại ung thư và các biểu hiện chèn ép tương ứng mà vị trí đau sẽ khác nhau. Chẳng hạn như, một số khối u ở não có thể gây đau đầu kéo dài và không thuyên giảm dù đã uống thuốc giảm đau; và ngược lại, không phải tất cả các khối u não đều gây đau đầu.
Các vấn đề liên quan đến ăn uống, tiêu hóa
Các bệnh ung thư vùng đầu mặt cổ và ung thư đường tiêu hóa có thể gây ra một số vấn đề liên quan đến ăn uống. Bệnh lý ung thư vùng miệng, lưỡi, vòm họng có thể khiến bệnh nhân cảm giác như có gì mắc kẹt trong cổ họng, gây nuốt vướng – nuốt khó kéo dài trên 2-4 tuần. Bệnh lý ung thư đường tiêu hóa có thể gây ra các triệu chứng như đầy hơi, chán ăn, buồn nôn – nôn, đau dạ dày…
Sưng hoặc nổi cục u, nổi hạch
Bệnh ung thư xảy ra khi các tế bào phát triển bất thường ngoài tầm kiểm soát, từ đó hình thành khối u và/ hoặc di căn đến khối hạch ở vùng lân cận. Vì vậy, những cục u hoặc hạch xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể như cổ, nách, vú, bẹn… có thể là dấu hiệu của ung thư. (2)
Bất thường trên da
Một số bất thường trên da (xuất hiện vết loét không lành hoặc nốt ruồi trên da, thay đổi về màu sắc và kết cấu da) có thể là triệu chứng cảnh báo trực tiếp hoặc gián tiếp của bệnh lý ung thư. Ví dụ như: tổn thương giống như nốt ruồi có kích thước không đối xứng, bề mặt sần sùi có thể kèm theo chảy máu, bờ không đều, màu sắc không đồng nhất, phát triển lớn nhanh và/ hoặc lan rộng dần theo thời gian có thể là dấu hiệu ung thư da. Trong khi đó, tình trạng da sẫm màu, vàng da, da bị ngứa, nổi các nốt đỏ như phát ban có thể là triệu chứng giúp cảnh báo bệnh ung thư ở gan, buồng trứng, thận hoặc hạch.
Ho khan hoặc khàn tiếng kéo dài
Ho khan kéo dài dai dẳng trên 2-4 tuần, không liên quan đến các bệnh lý viêm đường hô hấp, và cũng không đáp ứng với các biện pháp điều trị thông thường được xem là một trong những triệu chứng gợi ý ung thư phổi – phế quản, ung thư nơi khác di căn chèn ép hầu họng – thanh quản – trung thất. Khàn giọng kéo dài là triệu chứng tổn thương hoạt động của dây thanh (do tổn thương nằm trên dây thanh, hoặc do tổn thương dây thần kinh điều khiển hoạt động của dây thanh) có thể là triệu chứng của ung thư thanh quản hoặc tuyến giáp.
Thay đổi và loét ở miệng
Nếu có hút hoặc sử dụng thuốc lá, thì nên để ý các dấu hiệu của ung thư miệng. Triệu chứng bao gồm những mảng trắng ở niêm mạc miệng, những chấm trắng trên lưỡi, hoặc mụn loét trên môi hoặc trong miệng. những nốt loét ở da và vùng sinh dục không liền, hoặc gây bầm tím hay chảy nhiều máu, cần được bác sĩ kiểm tra.